Nắng hạn, nhiều hộ dân 'khát' nước sinh hoạt

Thời tiết ít mưa, rất nhiều công trình nước của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh cạn kiệt. Duy trì cuộc sống, người dân đang phải chắt chiu từng giọt nước ít ỏi.

Đã hơn 2 tháng nay, gia đình bà Hoàng Thị Bảy, thôn Làng Nàng, xã Sơn Nam (Sơn Dương) vác can, thùng đi cả km để xin từng lít nước về dùng. Bà Bảy buồn ràu chia sẻ, ngày nào vợ chồng bà cũng 2 lần đi xin nước, cực nhọc lắm! Như mọi năm, thiếu nước chỉ vài ngày, nhưng năm nay mưa ít, nắng nóng kéo dài, giếng của gia đình đã khoan sâu 50 m dưới lòng đất nhưng cũng đã cạn khô. Khó khăn vất vả lắm mới xin được thùng nước nên gia đình bà tính toán chi li từng gáo nước. Bà Bảy bảo, nước xin được đóng vào túi nilon rồi buộc chặt trước khi cho vào thùng để đi đường khỏi sánh ra ngoài. Xin được nước về cũng chỉ đủ để phục vụ ăn uống, việc tắm, giặt phải tận dụng nguồn nước bơm từ giếng đào quanh ruộng dù không được đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Cây Vạng, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) đi xin từng can nước để phục vụ sinh hoạt.

Cũng trên địa bàn huyện Sơn Dương, cả tháng nay, 20 hộ thôn Cây Vạng, xã Hồng Lạc tất tả lo tìm nguồn nước để đảm bảo tối thiểu sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, ngày nào ông cũng phải đi xe máy gần 1 km mang theo 2 can 20 lít để đi xin nước về dùng. Vậy nên cả nhà ông Hùng rất tằn tiện từng hạt nước dùng, từ nấu ăn đến đun nước uống.

Ông Trần Mạnh Tường, Trưởng thôn Cây Vạng cho biết, địa hình, địa thế cộng thời tiết ít mưa nên hầu hết giếng khoan của các hộ trong thôn đã cạn kiệt. Cạn nguồn nước, nhiều hộ dân đành liều đào giếng ngay dưới chân ruộng trằm. Ông Tường khẳng định, nguồn nước lấy từ khu vực ruộng trằm nước đục và tanh, quan sát mắt thường cũng không đảm bảo nhưng vì không có nước dùng bà con vẫn phải chấp nhận.

Không riêng một số địa phương ở huyện Sơn Dương, nhiều hộ dân ở địa bàn thành phố Tuyên Quang cũng rơi vào cảnh đi xin, đi mua từng lít nước để phục vụ đời sống. Ông Hoàng Văn Đề, thôn Bình Ca, xã An Khang bảo, cả tháng nay ngày nào gia đình cũng phải mua nước về dùng, cứ 15 nghìn 1 bình 20 lít chỉ đủ để nấu ăn và đun nước uống.

Ông Mã Xuân Dương, Trưởng thôn Bình Ca, xã An Khang chia sẻ, nắng hạn, thiếu nước khiến cuộc sống của 30 hộ dân trong thôn bị đảo lộn. Nếu nắng nóng, khô hạn tiếp tục thì cuộc sống của người dân thôn Bình Ca còn khổ vì thiếu nước - ông Dương lo lắng.

Nước được gia đình bà Hoàng Thị Bảy, thôn Làng Nàng, xã Sơn Nam (Sơn Dương)
tích trữ buộc cẩn thận để sử dụng nấu ăn, đun nước uống.

Theo các chuyên gia khí tượng và thủy văn, năm nay do tác động mạnh của hiện tượng Enlino, thời tiết diễn biến rất phức tạp, các đợt nắng nóng xuất hiện khốc liệt hơn và cũng sẽ kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện tại dù mới bước vào mùa nắng nóng, song nhiệt độ đã lên đến 37 - 38 độ C. Dự tính từ nay đến tháng 7 cao điểm của mùa nắng nóng sẽ có nhiều đợt nắng nóng xuất hiện. Nắng nóng diện rộng đã tác động không nhỏ đến mực nước trên hệ thống sông, suối, ao hồ. Rà soát của ngành chuyên môn, mực nước trên hệ thống sông, suối đã xuống thấp kỷ lục. Tại sông Lô, mực nước đo được tại trạm thành phố Tuyên Quang ngày 18-5 đã xuống mức 11,43 m, thấp nhất trong lịch sử. Nguồn nước mặt bị thu hẹp đã tác động rất lớn đến nguồn nước ngầm. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhiều công trình cấp nước của các hộ rơi vào cảnh khô kiệt.

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn nước sạch để chia sẻ cơ hội cho người dân ở những vùng khó khăn. Tỉnh cũng đang gấp rút sửa chữa, nâng cấp mở rộng quy mô cấp nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tạo điều kiện cho người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nang-han-nhieu-ho-dan-khat-nuoc-sinh-hoat-175022.html