'Nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm ASEAN 4'

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN (ASEAN 4) trong 5 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo một số nội dung và trả lời đại biểu Quốc hội.

Sau báo cáo và phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn về một số nội dung về: quản lý việc cung ứng nước sạch; giải pháp để phát triển thị trường khoa học, công nghệ; giải pháp tận dụng cơ hội để phát triển đất nước trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; giải pháp đột phá để phát triển nhanh và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau; triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân...

Kinh tế ban đêm là sự năng động kinh tế trong hội nhập

Trả lời chất vấn của đại biểu về quan điểm phát triển kinh tế ban đêm, Thủ tướng cho rằng đây là sự năng động kinh tế trong hội nhập, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng.

"Năm nay ít nhất là 18 triệu lượt khách quốc tế, phần lớn trái múi giờ đến Việt Nam, mình mà đi ngủ, người ta đi chơi sẽ không có thời cơ để phục vụ, quảng bá về văn hóa ẩm thực, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ở Việt Nam. Cho nên, kinh tế ban đêm cũng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động", Thủ tướng nhận định.

"Làm gì để du khách đến đông hơn? Làm gì để du khách lâu hơn? Làm gì để khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để khách kể về những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam? Nhất là làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể?", Thủ tướng nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh "phát triển kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, Việt Nam nên tận dụng thời cơ này".

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kinh tế ban đêm cũng có những mặt trái, và đề nghị cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra.

Tạo điều kiện, cơ hội cho khu vực tư nhân

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước, tăng nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong kế hoạch đã được duyệt. Tiếp tục tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các loại hình hợp tác xã tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu cần phải được triển khai, xử lý quyết liệt hơn, nhanh hơn và thực chất hơn. Sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ. Điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường, hỗ trợ xuất khẩu và nâng đỡ sản xuất trong nước.

Về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính công vụ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục nỗ lực nâng hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN (ASEAN 4) trong 5 năm tới.

Thủ tướng cho biết, các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường còn phức tạp, đôi khi không rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn,… gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và rủi ro cao cho các nhà đầu tư là những rào cản trực tiếp gây khó khăn cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Ngay sau kỳ họp này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát toàn diện để bãi bỏ các quy định bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính trùng lặp, chồng chéo, không rõ ràng trong các quy định pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng một luật sửa nhiều luật trình Quốc hội nhằm khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành trước yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập.

Trả lời chất vấn của đại biểu về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là một trong động lực quan trọng phát triển đất nước, đã có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân; các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân đã thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước.

"Chúng ta vui mừng là có nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ, đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, nhất là đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Đảng, Nhà nước hoan nghênh và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

TUẤN VIỆT

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/nang-hang-moi-truong-kinh-doanh-va-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-thuoc-nhom-asean-4-3526765.html