Nâng hiệu quả sử dụng nợ công

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thảo luận về dự thảo báo cáo Quốc hội về tình hình vay, trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2016-2020) và kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2021-2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương.

Nợ công, hiểu đơn giản là nguồn vốn do Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay để xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư cho phát triển… Tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển đều có nợ công, song tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) lại khác nhau tùy theo quy mô nền kinh tế, hiệu quả quản lý, sử dụng… và mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Vì lẽ đó, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công cũng là yêu cầu với Chính phủ và các cấp, ngành trong suốt giai đoạn qua. Nhìn lại 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020) có thể thấy nhiều điểm nhấn quan trọng, đó là các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong trần giới hạn được Quốc hội phê chuẩn. Từ mức “đỉnh” 63,7% GDP trong năm 2016, dư nợ công giảm còn khoảng 55% GDP trong năm 2019, tạo ra dư địa chính sách tài khóa để ứng phó với dịch Covid-19 trong năm 2020. Đáng chú ý, tốc độ tăng nợ công giảm từ bình quân 18,1%/năm trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên 61,9% tổng dư nợ Chính phủ trong năm 2019, với lãi suất giảm dần, kỳ hạn trả nợ tăng dần đã góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ.

Đặc biệt, khối lượng vốn lớn được huy động cho ngân sách nhà nước và hầu hết được sử dụng trực tiếp cho các dự án đầu tư phát triển, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với việc thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm nghĩa vụ đã cam kết…, thành quả củng cố tài khóa, kiểm soát nợ công tạo dư địa dự phòng chính sách ứng phó với rủi ro vĩ mô đã góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Tuy nhiên, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công vẫn là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương trong thời gian tới. Bởi, đặc điểm danh mục nợ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi chi phí vay vốn nước ngoài cao hơn, điều kiện khắt khe hơn, trong khi quy mô thị trường trái phiếu trong nước còn nhỏ, tiềm lực của các tổ chức tài chính hạn chế. Bên cạnh đó, dù năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước tới nay, song vẫn còn không ít bất cập, trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rất chậm.

Theo phân tích của các chuyên gia, 5 năm tới, các khoản vay ODA sẽ giảm dần, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn dài hạn, ưu đãi cho đầu tư phát triển. Thay vào đó, Chính phủ phải huy động các khoản vay mới với ưu đãi kém hơn, lãi suất sát thị trường hơn để bù đắp. Do đó, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng, áp lực trả nợ công vẫn rất lớn. Nếu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tiếp tục gặp thách thức kéo dài trước tác động của dịch Covid-19, nợ công và trả nợ công sẽ trở nên khó khăn.

Do vậy, bên cạnh đánh giá nợ công được kiểm soát chặt trong giới hạn an toàn, hiệu quả sử dụng tăng, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của nền kinh tế…, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý việc phân tích tình hình trong nước, quốc tế, nhu cầu vốn đầu tư dưới tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cách tiếp cận chính sách tài khóa, nợ công phải chủ động, vừa thúc đẩy phát triển, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, theo người đứng đầu Chính phủ, đó là phải kiểm tra, giám sát bảo đảm khả năng trả nợ, đồng thời rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, đơn vị, cá nhân trong sử dụng vốn vay và bố trí trả nợ. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách quản lý nợ công cần tiếp tục hoàn thiện, với công cụ quản lý nợ chủ động, chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế. Quán triệt nguyên tắc vay và sử dụng trong khả năng của nền kinh tế, phục vụ phát triển, với nguồn vốn vay đa dạng…

Dù là nợ công thì đó cũng vẫn là... nợ. Với những rủi ro tiềm ẩn, những bất cập và hệ quả đối với ổn định kinh tế vĩ mô..., rõ ràng việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nợ công vẫn luôn là vấn đề thời sự.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/992365/nang-hieu-qua-su-dung-no-cong