Nâng khống giá trị nhà lên gần gấp chục lần để hưởng lợi

Ngày 10-5, phiên tòa xét xử vụ án 'cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng', 'lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, hiện nay là ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB) tiếp tục phần xét hỏi liên quan đến việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.

Tại tòa, các bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín phụ trách mảng văn phòng tại Long An) và Lâm Hồng Trinh (nguyên thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) đều có lời khai: cả hai có ký tên trên biên bản họp HĐQT quyết định mua căn nhà trên từ Công ty TNHH địa ốc Lam Giang với giá 1.268 tỷ đồng cũng như biên bản họp HĐQT quyết định hủy hợp đồng mua bán căn nhà trên và biên bản họp HĐQT quyết định mua căn nhà trên từ bà Hứa Thị Phấn với giá 1.260 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng như các ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc), Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín) đã có lời khai trước đó, bị cáo Mậu và Trinh khẳng định, thực tế HĐQT không họp để quyết định các nội dung trên mà cả hai chỉ ký hoàn thiện thủ tục.

Bị cáo Nguyễn Công Tụ (hàng đầu, phải) và các bị cáo khác tại tòa.

Là người đại diện Công ty TNHH MTV quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng Đại Tín (TrustAsset) ký hợp đồng thẩm định giá với công ty TNHH địa ốc Lam Giang, tại tòa bị cáo Nguyễn Công Tụ khai được Hoàng Văn Toàn giới thiệu và được bà Phấn nhận về làm Giám đốc TrustAsset.

Bị cáo Tụ thừa nhận công ty của bị cáo không có chức năng thẩm định giá do bị cáo hiểu nhầm giữa thẩm định giá và định giá là giống nhau. Bị cáo cũng thừa nhận là người ký kết luận định giá, ký chứng thư thẩm định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Về câu hỏi của tòa, dựa vào đâu để định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch có giá trị 1.268 tỷ đồng, bị cáo Tụ thừa nhận việc định giá căn nhà trên là không có cơ sở và theo chủ quan.

Trong khi đó, là người được giám đốc giao thẩm định giá căn nhà trên, trước tòa, bị cáo Bùi Thế Nghiệp (nguyên nhân viên định giá Công ty TrustAsset) khai: ngay khi TrustAsset ký hợp đồng định giá với Công ty Lam Giang, Nghiệp đã báo cáo với ông Tụ là công ty không có chức năng thẩm định giá và bị cáo chỉ có thẻ định giá viên nên không thể thực hiện hợp đồng được.

Tuy nhiên, ông Tụ kêu bị cáo cứ thực hiện nên bị cáo vẫn làm theo chỉ đạo của giám đốc. Khi được hỏi, dựa vào đâu để bị cáo định giá căn nhà có giá trị nêu trên, Nghiệp khai: trường hợp này bị cáo định giá bằng phương pháp “giá trị thặng dư” mà không hiểu gì về điều kiện áp dụng phương pháp này nhưng do áp lực của cấp trên nên bị cáo vẫn thực hiện.

Sau khi định giá xong, Nghiệp xây dựng báo cáo kết quả định giá và chứng thư thẩm định giá trình ông Nguyễn Hoàng Minh (Phó giám đốc) ký nháy và trình lên ông Tụ ký chứng thư thẩm định giá. Vì biết việc định giá như vậy là sai nên trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả định giá và chứng thư thẩm định giá, Nghiệp đã thay đổi từ ngữ từ thẩm định giá thành định giá.

Về giá trị thật của căn nhà này, cáo trạng thể hiện, đến giữa tháng 8-2014, sau khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan, đã ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với Công ty cổ phần thông tin và thẩm định giá miền Nam (SIVC) định giá lại căn nhà chỉ có giá trị 181 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, tháng 11-2015, CQĐT đã trưng cầu Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP Hồ Chí Minh, vào thời điểm TrustAsset định giá căn nhà trên trị giá 1.268 tỷ đồng, thực tế căn nhà chỉ có giá gần 155 tỷ đồng.

A.Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-tin-113/giao-cong-ty-khong-co-chuc-nang-tham-dinh-gia-de-nang-khong-gia-tri-nha-len-gan-gap-chuc-lan-490472/