Nặng lòng sau từng trang sách

Điều đọng lại vẫn là tấm lòng của các tác giả, miệt mài lao động vì tình yêu Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh

"Sài Gòn năm xưa" của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển in năm 1968 tại Sài Gòn, từ thời điểm đó cho đến nay, vẫn được xếp vào loại sách biên khảo có giá trị. Tuy nhiên, công sức của một người khi khảo sát về vùng đất này, khó có thể đầy đủ thông tin trong nhiều lĩnh vực mà các thế hệ sau cần tìm hiểu. Chừng mươi năm trở lại đây, trên thị trường sách, các tạp bút, tùy bút, cảm xúc viết về Sài Gòn, sách khảo cứu về Sài Gòn xưa… được ấn hành khá nhiều.

Cái nhìn gần gũi

Có thể kể đến "Ăn vặt Sài Gòn" (Chu Thị Hồng Anh - Trần Việt Đức); "Chuyện nhỏ Sài Gòn" (Đàm Hà Phú), "Người tình Sài Gòn" (Linh Lê), "Sài Gòn đi và nhớ" (Nguyễn Ngọc Hà), "Ve vãn Sài Gòn" (Chị Đẹp), "Sài Gòn chở cơm đi ăn phở" (Ngữ Yên), "Sài Gòn bao nhớ" (Đàn Hà Phú), "Sài gòn bao giờ cũng thế" (Nguyễn Thị Hậu)… Điều thú vị là hầu hết người viết đã có cái nhìn gần gũi, đời thường và phản ánh được sự thay da đổi thịt của vùng đất này.

Trong khi đó, tìm về mảng văn chương Sài Gòn xưa cũng được chú trọng. Một trong những việc làm đó, có thể kể đến nhà báo Trần Nhật Vy. Dù chỉ là dân "tay ngang" nhưng do nặng lòng với vùng đất này, anh đã âm thầm, nhẫn nại từ nhiều năm để "khai quật" lại truyện dài, truyện ngắn, tiểu phẩm, thậm chí cả mẩu chuyện hài đã in trên báo chí Sài Gòn từ năm 1881 - mà trước đây, chưa một ai thực hiện đầy đủ, bài bản và có hệ thống. Nếu không yêu Sài Gòn, khó thể làm nổi vì như ta biết việc mua tài liệu không phải ít tiền. Những chuyến đi nước ngoài, hầu hết thời gian, anh dành cho thư viện. Nhờ đó, anh mới có thể hoàn thành "Văn chương Sài Gòn 1881-1924", đã in 2 tập.

Rồi nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn vừa công bố đầy đủ "Hà Hương phong nguyệt truyện" cũng gây chú ý trong giới học thuật. Ít ai biết để có như ngày hôm nay, anh Nhơn phải cậy nhờ vào thư viện Pháp với rất nhiều thời gian sao chụp từng trang một. Những việc làm này, nhìn chung đã làm rõ khẳng định của học giả Nguyễn Văn Xuân là có cơ sở: "Từ 1862 đến 1932, miền Nam đã vọt lên vai tiền phong, hướng dẫn cả mọi phương diện phát triển văn học quốc ngữ, mà còn đào tạo những nhà văn nhà báo cho cả hai miền sau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp".

Với bộ sách "Sài Gòn - chuyện đời của phố" đã in đến tập thứ 5, dày khoảng ngàn trang in ngồn ngộn hình ảnh, tư liệu của nhà báo Phạm Công Luận cũng là một đóng góp tích cực. Ngoài khai thác từ sách báo lưu trữ, qua thế giới mạng, anh còn liên lạc được với các nhân chứng đang sống ở nước ngoài để nhờ họ bổ sung thêm. Những tư liệu này, phản ánh rất rõ nét sinh hoạt đường phố, di tích lịch sử, văn hóa của Sài Gòn xưa.

Thêm một điều cũng cần ghi nhận là bộ sách "Sài Gòn - phong vị báo xuân xưa" - mà trước anh, chưa ai sưu tập đầy đủ hơn. Nếu không "nặng lòng" với Sài Gòn thì anh Luận không thể thực hiện nổi bởi sự bề bộn công việc phải xử lý cả hàng ngàn trang tư liệu nằm rải rác trong và ngoài nước.

Những cuốn sách viết về Sài Gòn mới xuất bản gần đây

Những nghiên cứu công phu

Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, du học từ năm 1974, vừa công bố "Sài Gòn - Chợ Lớn" (4 tập), đề cập ký ức đô thị, con người, thể thao, báo chí… tại Sài Gòn trước năm 1945. Anh đã khai thác kho tài liệu tại thư viện Úc và đưa ra nhiều thông tin mới mẻ, thuyết phục. Phát triển đề tài theo xu hướng này, còn có thể kể thêm "Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa" của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn... cũng nhọc công không kém.

"Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1859-1954" (2 tập) của nhà sử học Nguyễn Đình Tư, có thể nói lần đầu tiên nhiều tài liệu được công bố. Sở dĩ đạt đến yếu tố đó, chủ yếu do ông tìm kiếm, lục lọi từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II để sao chụp các sắc lệnh, nghị định do người Pháp ban hành suốt gần 100 năm. Sự nhẫn nại này quả hiếm có bởi cụ Nguyễn Đình Tư đã bước vào độ tuổi "cổ lai hy".

Ngoài ra, còn có thể kể thêm "Hạ tầng đô thị Sài Gòn" của nhà xã hội học Trần Hữu Quang. Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đánh giá: "Đây là một công trình nghiên cứu mới mẻ"… Sự mới mẻ này còn có thể nhìn thấy qua sự nghiên cứu báo chí Sài Gòn với "Gia Định báo - tờ báo Việt ngữ đầu tiên" (nhiều tác giả), "Báo chí Sài Gòn 1954-1963" (Dương Kiều Linh)… Ngay cả người nước ngoài cũng dày công, như tập sách "The Birth of Vietnamese Political Journalism: Saigon, 1916-1930" của Philippe M.F.Peycam…

Riêng về sách ảnh, mới đây nhất là "La Cochinchine - Xứ Nam Kỳ" gồm 456 bức ảnh quý về Nam Kỳ lục tỉnh, do Hoàng Hằng dịch, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng viết lời giới thiệu. Nguồn ảnh này đã bổ sung vào loạt ảnh đã công bố lúc cả nước kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP HCM.

Thiết nghĩ, sở dĩ có sự bổ sung này, điều quan trọng nhất theo chúng tôi vẫn là sự trợ giúp đắc lực của công nghệ thông tin. Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu đã thuận lợi tìm đến với nhiều tài liệu, tư liệu mà có thể thế hệ đi trước chưa biết đến; hoặc có biết nhưng không có điều kiện tiếp cận. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ, điều cần nhấn mạnh ở đây vẫn là tấm lòng dành cho Sài Gòn - TP HCM mà miệt mài lao động. Với xu thế này, sẽ còn có thêm nhiều bộ sách nghiên cứu về Sài Gòn qua tư liệu mới sẽ được ấn hành.

LÊ MINH QUỐC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nang-long-sau-tung-trang-sach-20180730203754436.htm