Năng lực cạnh tranh tụt 3 bậc: Rào cản khó sáng tạo...

Khoa học công nghệ chỉ là một yếu tố nhằm thúc đẩy những yếu tố khác phát triển dựa trên nền tảng đã được gây dựng sẵn...

Mọi phương diện đều khó

PGS.TS Lê Cao Đoàn nói rõ, báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của VN bị tụt 3 bậc (xếp thứ 77/140 nền kinh tế) do năng lực sáng tạo thấp, điều này gây lo ngại cho nền kinh tế trong nước.

"Với bất kỳ nước nào đang đi vào nền kinh tế thị trường và sử dụng nền kinh tế thị trường để phát triển mà năng lực cạnh tranh kém nghĩa là các hoạt động sản xuất chung của nền kinh tế đang gặp trục trặc, bị giảm sút.

Vì thế, ở Mỹ, dù là một nền kinh tế lớn nhưng yếu tố cạnh tranh trong nền kinh tế luôn được Mỹ quan tâm hàng đầu. Nếu năng lực cạnh tranh bị tụt hạng thì xét trên mọi phương diện đều có vấn đề, rất đáng lo ngại", PGS Lê Cao Đoàn phân tích.

Không có năng lực sáng tạo khó cải thiện năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa

Theo vị PGS, môi trường cạnh tranh được cải thiện hay không thể hiện rõ nhất ở sự cải thiện của môi trường thể chế. Cụ thể từ các hoạt động hành chính có thể sẽ giúp cho việc di chuyển vốn tới các lực lượng kinh tế, các thành phần kinh tế thuận lợi hay gặp khó khăn, có điều kiện phát triển hay sẽ bị kìm hãm phát triển... tất cả phụ thuộc rất lớn vào yếu tố này.

Vì thế, năng lực cạnh tranh của một quốc gia chính là yếu tố phản ánh toàn bộ không gian, môi trường kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế đó. Nó được phản ánh chung bằng năng lực sản xuất của nền kinh tế và hiệu quả của nền kinh tế tạo ra. Đây là lý do khiến quốc gia nào cũng phải luôn luôn đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện năng lực cạnh tranh, cải tạo môi trường kinh doanh để giúp cho nền kinh tế phát triển.

Vị PGS cho rằng, muốn cải tạo được năng lực cạnh tranh thì phải có năng lực sáng tạo, bởi năng lực sáng tạo chính là yếu tố thể hiện sự năng động, sáng tạo của nền kinh tế cũng như sự năng động, sáng tạo của các chủ đang thể hoạt động trong nền kinh tế.

Có sáng tạo, có năng động mới kỳ vọng tạo ra những đột phá cho nền kinh tế phát triển. Thành quả của năng lực sáng tạo thường được thể hiện qua hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh của các khu vực doanh nghiệp sản xuất cũng như khu vực nhà nước. Nếu mọi hoạt động kinh doanh không hiệu quả thì không thể nói là có sáng tạo, có năng động được.

"Đây là thực tế của nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Khi DNNN đầu tư không hiệu quả, thì khu vực DN tư nhân lại kém phát triển, bị chặn, cản bởi nhiều yếu tố, không có môi trường để vận động, phát huy trí tuệ... do đó, nói năng lực cạnh tranh của Việt Nam kém do năng lực sáng tạo thấp cũng không có gì ngạc nhiên", PGS Lê Cao Đoàn chia sẻ.

Thiếu nền tảng, CM 4.0 chỉ là 0.4

Nhắc đến mục tiêu tái cấu trúc kinh tế theo CMCN 4.0, PGS.TS Lê Cao Đoàn bày tỏ thêm nhiều mối lo.

Theo phân tích của vị PGS, CMCN 4.0 được kỳ vọng sẽ mang đến những kết quả đột biến cho nền kinh tế, tuy nhiên, nền kinh tế đó phải có được những nền tảng công nghệ, phải có điều kiện phát triển cơ bản.

Nhìn lại điều kiện phát triển của Việt Nam, PGS Lê Cao Đoàn cho rằng, chúng ta đang trong giai đoạn học tập nhưng lại không học từ gốc, chưa tạo dựng được nền tảng cơ bản mà đã muốn leo lên ngọn. Chưa trồng cây đã muốn thu hoạch. Rất mơ hồ, khó đoán.

Năng lực cạnh tranh tụt 3 bậc: Không ngạc nhiên

Trong đó, ông nhấn mạnh tới yếu tố kinh tế thị trường và khẳng định, vai trò thị trường trong tái cấu trúc nền kinh tế là rất quan trọng. Do đó, muốn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt tái cơ cấu theo CMCN 4.0 thì trước hết phải trả lời cho được những câu hỏi về nền kinh tế thị trường trong nước đã được cải thiện, cải cách đạt tới mức độ nào trong quá trình phát triển chung? Tiếp theo là việc cải cách nền kinh tế thị trường gặp khó vì sao?...

"Phải có thể chế kinh tế thị trường cụ thể, phù hợp thì mới có khả năng dẫn dắt được nền kinh tế đi đúng những bước đi của nó. Trong đó, khoa học công nghệ chỉ là một yếu tố nhằm thúc đẩy những yếu tố khác phát triển dựa trên nền tảng đã được gây dựng sẵn. Tất cả đều phải theo nguyên tắc, không thể tự tạo đột phá khi bản thân chưa đủ năng lực.

Nếu nền kinh tế không phát triển, năng lực cạnh tranh tụt hạng trong khi năng lực sáng tạo thấp mà lại đuổi theo kỹ thuật công nghệ sẽ rất dễ bị hụt hơi, bị bỏ lại xa hơn. Chạy theo kỹ thuật công nghệ phải có nền tảng công nghệ, nền tảng con người, không thể phát triển công nghệ sáng tạo mà lại giao cho nhân viên hành chính, nhân viên văn phòng làm được", PGS Lê Cao Đoàn thẳng thắn.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nang-luc-canh-tranh-tut-3-bac-rao-can-kho-sang-tao-3368419/