Năng lực mới của ngành Y tế

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Quảng Ninh là một trong những địa phương có sự đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị y tế và thu hút, đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất cả nước. Đặc biệt là phát triển y tế chuyên sâu đã góp phần tạo điều kiện cho người dân Quảng Ninh và các khu vực lân cận được tiếp cận với những kỹ thuật cao chỉ có ở tuyến Trung ương, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hà Trang (CTV)

Từ năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tỉnh đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để triển khai kỹ thuật chuyên sâu: Phẫu thuật và can thiệp tim mạch. Cụ thể, Bệnh viện có phòng can thiệp tim mạch với máy thở, máy shock điện, máy điện tim, hệ thống holter điện tim, máy tạo nhịp cấp cứu, máy siêu âm chuyên tim, hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân cấp cứu...; phòng phẫu thuật tim hở hoàn chỉnh với máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA 2 bình diện, máy gây mê, máy tuần hoàn máu ngoài cơ thể, bàn mổ...

Ông Hoàng Đình Long (phường Hà Trung, TP Hạ Long) vừa được các bác sĩ Bệnh viên Đa khoa tỉnh thực hiện đặt Stent động mạch vành thành công, chia sẻ: “Tôi cảm thấy may mắn khi được hưởng lợi từ tiến bộ khoa học kỹ thuật và từ lớp bác sĩ trẻ có năng lực chuyên môn cao. Nhờ vậy, tôi có thể điều trị ngay tại quê hương mình mà không phải chuyển lên tuyến trên, vừa giảm chi phí mà lại điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe. Tôi rất cảm ơn bác sĩ của Bệnh viện đã giúp sức khỏe tôi trở lại bình thường”.

Đến hết năm 2018, Quảng Ninh đã tiệm cận một số chỉ tiêu cơ bản về y tế và sức khỏe theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) đề ra đến năm 2020 là: Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 94,3%; tỷ số giường bệnh đạt 56,42/vạn dân, 14,7 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý 100%.

Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã can thiệp đặt Stent động mạch vành thành công cho trên 1.000 người bệnh mắc bệnh tim mạch. Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã phẫu thuật tim hở cho 39 bệnh nhân và thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: Chụp mạch vành qua da; đặt Stent Graft; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn; thăm dò điện sinh lý tim; đốt RF; bít dù thông liên nhĩ; điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch; cấy máy phá rung tự động...

Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Được tỉnh quan tâm đầu tư để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, trong đó có kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, Bệnh viện hướng tới sẽ cung cấp các dịch vụ chất lượng cho mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Như vậy, mọi người dân sẽ được tiếp cận tốt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.

Ca phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Với kinh phí đầu tư trên 181 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh, tháng 2/2019, Quảng Ninh đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy). Trung tâm có khối nhà điều trị nội trú 12 tầng; khối nhà khám và kỹ thuật nghiệp vụ; các hạng mục phụ trợ, nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Bãi Cháy. Trung tâm bố trí 200 giường bệnh đạt tiêu chuẩn, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại, như máy gia tốc tuyến tính, hệ thống CT mô phỏng, máy xạ trị SPECT...; có 73 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, kỹ sư vật lý nguyên tử. Qua đó đã triển khai, làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu trong khám chữa bệnh ung thư đa mô thức như phẫu trị, hóa chất, xạ trị - y học hạt nhân và điều trị giảm nhẹ. Từ khi hoạt động đến nay, Trung tâm đã khám và điều trị cho trên 5.000 lượt người bệnh.

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đây là kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ cho hàng trăm cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Sau 3 năm triển khai, đến nay đã có 308 bà mẹ mang thai, 193 bé ra đời khỏe mạnh.

Những giọt nước mắt lăn dài trên má vì quá hạnh phúc và xúc động, chị Nguyễn Thị Trang (TP Hạ Long) chia sẻ: “Sau khi lấy nhau 3 năm, vợ chồng tôi phải ngược xuôi đi khám chữa bệnh để mong có con. Đến khi xem ti vi, biết Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã giúp nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con, nên vợ chồng tôi đã quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Ngay lần chuyển phôi đầu tiên thật may mắn đã thành công và tôi có 2 em bé. Tôi vô cùng cảm ơn các y, bác sĩ của Bệnh viện đã giúp vợ chồng tôi có niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ”.

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã mang lại niềm hạnh phúc cho hàng trăm cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.

Không chỉ thành công với các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, ung bướu, hỗ trợ sinh sản, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, thần kinh sọ não, y học cổ truyền, phục hồi chức năng, xét nghiệm sinh học phân tử... Mới đây, tháng 8/2019, Quảng Ninh đã cho khởi công dự án xây dựng Bệnh viện Lão khoa tỉnh. Đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương cấp tỉnh đầu tiên xây dựng bệnh viện điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân cao tuổi (sau Bệnh viện Lão khoa Trung ương), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Quảng Ninh.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã dành trên 1.600 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong đó có nhiều dự án đầu tư cho phát triển y tế chuyên sâu. Đi liền với đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư, nâng cấp; đồng thời thu hút và đào tạo y, bác sĩ có trình độ cao. Nhờ đó, các bệnh viện tuyến tỉnh hiện đã thực hiện được 100% kỹ thuật theo phân tuyến, gần 25% kỹ thuật tuyến Trung ương; giúp người dân được hưởng những kỹ thuật mới, công nghệ cao ngay tại tỉnh; giảm tối đa tỷ lệ chuyển tuyến, còn dưới 1%.

Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Phát triển y tế chuyên sâu sẽ thu hút nhiều lượt người bệnh đến khám và điều trị; đồng thời giảm chi phí, thời gian điều trị cho người bệnh khi gặp bệnh hiểm nghèo. Ngành Y tế tỉnh tiếp tục tập trung đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ y tế, nhất là đào tạo chuyên sâu những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; đổi mới thái độ, phong cách làm việc, tận tình thăm hỏi, chăm sóc, chữa bệnh cho nhân dân. Qua đó tạo sự tin tưởng, an tâm cho để người dân khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và hướng tới thu hút người bệnh nước ngoài, khách du lịch đến khám chữa bệnh tại Quảng Ninh”.

Người bệnh đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy).

Nhờ có mạng lưới y tế rộng khắp, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân cơ bản được triển khai có hiệu quả, sâu rộng, như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, truyền thông giáo dục sức khỏe...

Ngành Y tế tỉnh còn sử dụng hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh; có khoảng 3.050 lượt người nghèo được thụ hưởng với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Hầu hết các chính sách chăm sóc sức khỏe được triển khai hiệu quả, giúp người dân trong tỉnh được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế.

Trung tâm Y tế huyện Hải Hà được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế mới, hiện đại phục vụ hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201909/nang-luc-moi-cua-nganh-y-te-2452959/