Năng lực thủy điện 'hụt hơi' vì nắng nóng lịch sử, kinh tế Trung Quốc trước thách thức lớn hơn

Nắng nóng kéo dài, sản lượng thủy điện giảm mạnh buộc chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc vận hành phương án tiết kiện điện, bao gồm cả giới hạn sản xuất với các nhà máy. Phương án khởi động các nhà máy điện than trở lại đang được tính đến, bất chấp các cam kết môi trường.

Đợt nắng nóng kỷ lục ở Tứ Xuyên đang làm khô cạn các hồ chứa nước và làm tê liệt các trạm thủy điện gây ra tình trạng khan hiếm điện buộc các doanh nghiệp và hộ gia đình trên khắp tỉnh với 84 triệu dân này phải cắt điện.

Các địa phương lân cận như thành phố Thượng Hải, vốn dựa chủ yếu vào nguồn cung điện từ Tứ Xuyên cũng chung cảnh ngộ. Bờ sông Bến Thượng Hải đã tắt đèn ngoài trời và thậm chí cả điều hòa. Tesla, nhà sản xuất ô tô điện Mỹ đặt nhà máy ở Thượng Hải, đã cảnh báo về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do thiếu điện. Những công ty khác như Toyota Motor và Contemporary Amperex Technology, nhà sản xuất pin cho xe điện lớn nhất thế giới, cũng đã đóng cửa các nhà máy ở Thượng Hải.

Trong khi Tứ Xuyên chỉ đóng góp chưa đến 5% tổng sản lượng nền kinh tế Trung Quốc, tình hình nắng nóng nghiêm trọng ở khu vực này đang làm dấy lên lo ngại trong giới phân tích về nguy cơ sụt giảm sản lượng công nghiệp và tăng trưởng GDP giảm tốc. Trong những dự báo gần đây, một số nhà kinh tế từ các tổ chức nghiên cứu lớn đã hạ triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống dưới 4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của chính phủ.

Bến Thượng Hải được yêu cầu tắt điện để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: AFP

Nguồn cung điện tại Tứ Xuyên trước nhiều áp lực

Vào ngày 17/8, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã ban hành cảnh báo nhiệt độ cao trong ngày thứ 28 liên tiếp. Nhiệt độ cao nhất tại 13 tỉnh trong ngày hôm đó dao động từ 35 đến 39 độ C. Tại các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang và thành phố Trùng Khánh, mức nhiệt cao nhất là 40 độ C.

Tứ Xuyên cung cấp gần một phần ba lượng điện sang các tỉnh thành khác, bao gồm Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải, Trùng Khánh, Hồ Nam và Giang Tây. Theo các chuyên gia, điều này này dựa trên các thỏa thuận khung giữa các chính quyền cấp tỉnh và khó có thể thay đổi. Các chuyên gia nhận định trong trường hợp thiếu điện, các lưới điện địa phương ở Tứ Xuyên không có thẩm quyền để duy trì nguồn điện cho mục đích sử dụng tại chỗ.

Vào ngày 21/8, khi các nhà máy địa phương được cho là sẽ hoạt động trở lại sau 6 ngày tạm ngừng từ ngày 15 - 20/8, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã ban hành phản ứng khẩn cấp cấp cao nhất về tình trạng thiếu điện. Các công ty công nghiệp ở tất cả ngoại trừ hai thành phố trong tỉnh đã được yêu cầu tạm ngừng sản xuất.

Mặc dù các địa phương cũng đã ưu tiên nguồn điện cho các hộ gia đình bằng cách yêu cầu một số nhà máy ngừng hoạt động trong những thời điểm nhất định, việc cắt điện cũng đã ảnh hưởng đến người dân. Cư dân trên khắp khu vực trong tuần này đã báo cáo tình trạng mất điện kéo dài hàng giờ trên các nền tảng kiến nghị địa phương.

Để giúp xoa dịu tình hình, các tỉnh hạ lưu từ Tứ Xuyên trên sông Dương Tử, bao gồm Chiết Giang, An Huy và Giang Tô, đã yêu cầu các công ty công nghiệp địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất để ngăn chặn quá tải lưới điện.

Căng thẳng trong việc đảm bảo nguồn cung điện trong tỉnh và nghĩa vụ cung cấp cho các tỉnh bên ngoài đã gia tăng trong thời gian gần đây. Mặc dù toàn tỉnh dư thừa điện năng nhưng sẽ đối diện thiếu hụt đáng kể vào năm 2025, một chuyên gia ngành điện nói với Caixin.

Trong kế hoạch 5 năm được ban hành vào tháng 5, Cục năng lượng tỉnh Tứ Xuyên đã cảnh báo về sự thiếu hụt sắp tới trong công suất phát điện của tỉnh, chỉ ra những thách thức gia tăng đối với việc đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định và đáng tin cậy. Cơ quan kêu gọi tạo ra một cơ chế để quản lý mối quan hệ giữa nhu cầu địa phương và các cam kết ngoại tỉnh. Tỉnh đang cố gắng xin chính quyền trung ương cho phép giữ thêm điện cho nhu cầu nội bộ trong thời kỳ khô hạn.

Hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc khô cạn hoàn toàn vào ngày 24/8. Ảnh: VCG

Thủy điện gặp khó, điện than trở lại

Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc thừa nhận những thách thức về nguồn cung do nắng nóng, nhiệt độ cao làm giảm mạnh năng lực sản xuất thủy điện. Cơ quan này cam kết đảm bảo cân bằng cung và cầu trên toàn quốc vào năm 2025 bằng cách đẩy nhanh các dự án thủy điện và điện hạt nhân, đồng thời thúc đẩy thêm đường dây tải điện khắp các tỉnh và mở rộng công suất tái tạo như gió và mặt trời trong vài năm tới.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã đầu tư 25,7 tỷ nhân dân tệ (3,77 tỷ USD) xây dựng các đường dây điện áp siêu cao (UHV) đưa năng lượng gió và mặt trời được tạo ra ở phía tây bắc, bắc và đông bắc của đất nước đến các tỉnh ven biển đông dân cư và thiếu điện. Theo Tân Hoa xã, State Grid có kế hoạch đầu tư hơn 150 tỷ nhân dân tệ vào nửa cuối năm 2022 vào các tuyến UHV.

Một số đề xuất kêu gọi đưa các nhà máy nhiệt điện than đóng cửa hoạt động trở lại. Trung tâm Thương mại Điện lực Tứ Xuyên cho biết, ngay cả trong mùa mưa, sông Dương Tử phải tăng sản lượng tại các nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng không chỉ nhu cầu năng lượng của chính mình mà còn cả nhu cầu ngoại tỉnh.

Các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời và gió phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Tính chất không liên tục của các nguồn cung này cũng đặt ra những thách thức cho lưới điện. Các nhà phân tích nói rằng cuộc khủng hoảng điện cho thấy sự bất ổn của việc sản xuất điện sạch, củng cố tầm quan trọng của việc phát điện bằng nhiệt điện than.

Li Peng, Phó giám đốc hoạch định chiến lược của tập đoàn đầu tư State Power cho biết: “So với chi phí cho lưu trữ năng lượng điện hóa và khắc phục những hạn chế về mặt kỹ thuật, nguồn năng lượng dài hạn rẻ nhất vẫn là điện than”.

Bắt đầu từ quý IV/2021, công suất lắp đặt mới được phê duyệt của các dự án điện than đã tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, trong quý I/2022, công suất lắp đặt mới tăng hơn gấp đôi. Chính phủ Trung Quốc vào tháng 4 đã đưa ra kế hoạch bổ sung thêm 300 triệu tấn công suất sản xuất than vào năm 2022.

Tỉnh Quảng Đông ở phía Nam Trung Quốc sẽ động thổ 5 dự án nhiệt điện than vào cuối tháng 9 với mục tiêu đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024, Caixin dẫn nguồn tin.

Nhiều hệ lụy kinh tế

Các chuyên gia cho biết tình trạng thiếu điện có thể kéo dài đến cuối tháng 8, và kịch bản này chắc chắn kéo theo sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế.

Theo Bloomberg, tỉnh Tứ Xuyên sản xuất hơn 1/5 lượng lithium của Trung Quốc. Do vậy, khi tỉnh cắt giảm sản lượng tiêu thụ điện, ngành này trở thành một trong những ngành chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Tập đoàn Goldman Sachs cho biết việc cắt giảm tiêu thụ điện có thể lấy đi khoảng 5% sản lượng hóa chất lithium hàng tháng của Trung Quốc, để lại tác động tiềm tàng lớn hơn đối với việc sản xuất pin sử dụng catốt lithium hydroxide hoặc lithium iron phosphate (LFP).

Cùng đó, khoảng 15% polysilicon được sử dụng trong các tấm pin mặt trời đến từ Tứ Xuyên. Jinko Solar, một trong những nhà sản xuất module năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, cho biết hai trong số các nhà máy của họ ở Tứ Xuyên đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo dự báo của Goldman Sachs, sản lượng thu hoạch lúa cũng có thể gặp rủi ro cao nhất nếu thời tiết khắc nghiệt kéo dài. Sáu khu vực bị hạn hán - Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc, Hà Nam, Giang Tây và An Huy - chiếm gần một nửa sản lượng gạo của Trung Quốc vào năm 2021.

Mặc dù các đợt nắng nóng cho đến nay chỉ ảnh hưởng đến một khu vực đóng góp chưa đến 10% GDP của Trung Quốc, theo Bloomberg Economics; nhưng các nhà phân tích của Citic Securities ước tính cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ cắt giảm 1 điểm phần trăm trong tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8 và làm giảm khoảng 0,13 điểm phần trăm tăng trưởng GDP trong quý III năm nay.

Các nhà nghiên cứu từ Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc từ 3,3% xuống 3% dựa trên tác động của đợt cắt giảm tiêu thụ điện cùng với dữ liệu kinh tế tháng 7 yếu hơn dự kiến.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nang-luc-thuy-dien-hut-hoi-vi-nang-nong-lich-su-kinh-te-trung-quoc-truoc-thach-thuc-lon-hon.html