Năng lượng - cầu nối trong quan hệ Mỹ - Ấn

Tháng 9/2019 đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự phát triển của quan hệ Mỹ - Ấn, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Ngày 22/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thăm chính thức Mỹ trong một tuần và tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, tay trong tay với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Narendra Modi đã đạt được mục tiêu lớn nhất của Ấn Độ là thuyết phục giới đầu tư Mỹ về khả năng vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc của Ấn Độ, từ đó hàn gắn tranh cãi thương mại hai nước.

Năng lượng - cầu nối trong quan hệ Mỹ - Ấn

Năng lượng - cầu nối trong quan hệ Mỹ - Ấn

Trước đó, ngày 21/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp gỡ CEO của 17 tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ như Exxonmobil, BP Plc, Cheniere Energy, Dominion Energy và Total S.A. trong hoạt động chính thức đầu tiên tại Mỹ trong chuyến thăm kéo dài một tuần. Khi nhắc đến cuộc gặp gỡ này trong bài phát biểu sau đó, Thủ tướng Modi khẳng định các bên đều chờ đón việc Ấn Độ cắt giảm thuế doanh nghiệp. Chính phủ của đảng cầm quyền NDA đã có động thái táo bạo để lật ngược tình hình suy thoái kinh tế, biến Ấn Độ thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bằng việc cắt giảm thuế doanh nghiệp mà các nhà sản xuất trong nước phải trả, giúp Ấn Độ trở thành một trong các nước có mức thuế thấp nhất tại châu Á. Thủ tướng Modi nhấn mạnh đây là một tín hiệu lạc quan gửi đến cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới.

Ấn Độ gần đây đã có bước kiến tạo mới về năng lượng với bang Texas và Mỹ, đây không phải là động thái đầu tiên. Sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Mỹ kéo dài 4 thập kỷ kết thúc vào năm 2015, chuyến tàu chở dầu thô đầu tiên từ Mỹ đến Ấn Độ đã cập cảng vào tháng 10/2017 ở Odisha. Chuyến LNG đầu tiên từ Mỹ của công ty Cheniere Energy Inc. (trụ sở Houston) cập cảng Dabhol tại Maharashtra ngày 31/3/2018.

Thủ tướng Modi viết trên Twitter: “Không thể đến Houston mà không nói về năng lượng! Tôi có buổi gặp gỡ tuyệt vời với các CEO của các công ty năng lượng hàng đầu. Chúng tôi bàn về cách nắm bắt các cơ hội trong lĩnh vực năng lượng”. Tellurian Inc. đã ký thỏa thuận trị giá 7,5 tỷ USD để Petronet LNG Ltd tham gia đầu tư vào dự án cảng LNG gần Lake Charles, Louisiana. Đây có thể là dự án đầu tư từ ngoài nước lớn nhất tại Mỹ nhằm mục đích vận chuyển dầu khí đá phiến ra nước ngoài. Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu LNG lớn thứ 4 trên thế giới. Trong bài phát biểu ngày 22/9, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ là nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và nhắc đến dự án triển vọng giữa Petronet và Tellurian. Petronet sẽ bỏ ra 2,5 tỷ USD để sở hữu 18% cổ phần của cảng Driftwood LNG trị giá 28 tỷ USD, trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất của dự án, và đàm phán mua 5 triệu tấn khí mỗi năm.

Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Dharmendra Pradhan viết trên Twitter: “Biên bản ghi nhớ được ký tại Houston là một phần của hoạt động hợp tác năng lượng lớn mạnh trong khuôn khổ Chiến lược Hợp tác Năng lượng Mỹ - Ấn và sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại năng lượng và đầu tư giữa hai nước trở nên sâu sắc hơn”.

Cuộc gặp tại Houston là lần gặp mặt thứ 3 giữa Modi và Trump trong năm nay và là lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ tham dự một sự kiện tổ chức bởi cộng đồng Ấn Độ tại Mỹ.

Với việc Petronet LNG, một doanh nghiệp nhà nước, thông báo kế hoạch đầu tư vào dự án Gulf Coast ở Mỹ của Tellurian Inc, ngành năng lượng đã xây dựng vị thế là cầu nối mới trong quan hệ song phương Ấn Độ - Mỹ.

Trong bối cảnh hợp tác quân sự vốn là trọng tâm của các hoạt động giữa New Delhi và Washington, thông báo về dự án LNG và hội nghị bàn tròn của các CEO diễn ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại Mỹ đã gây sự chú ý lớn. Sự hiện diện của Thứ trưởng Dầu khí Ấn Độ M. M. Kutty bên cạnh Thủ tướng Modi tại hội nghị bàn tròn về năng lượng tại khách sạn Post Oak, Houston đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng trong quan hệ Ấn Độ - Mỹ.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh quan hệ gần đây giữa hai nền dân chủ lâu đời và lớn nhất thế giới đang căng thẳng do một loạt các vấn đề thương mại và kinh tế.

Houston, thủ phủ năng lượng của thế giới được chọn làm địa điểm tổ chức cho sự kiện “Howdy Modi” này, đã trở thành trung tâm của các nỗ lực an ninh năng lượng của Ấn Độ tại Bắc Mỹ. Gregory Wayne Abbott, thống đốc bang Texas, đã có chuyến thăm New Delhi vào năm ngoái để giới thiệu các nguồn tài nguyên của Texas.

Ấn Độ đã và đang mua LNG và dầu thô từ Mỹ, trong khi các công ty Ấn Độ đã đầu tư 4 tỷ USD vào các tài sản dầu khí đá phiến từ Mỹ. Với việc nhu cầu năng lượng của Ấn Độ được dự báo tăng trưởng ở mức 4.2%/năm trong 25 năm tới, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 9 triệu tấn LNG mỗi năm từ Mỹ, trở thành khách hàng LNG lớn thứ 6 của Mỹ. Indian Oil Corp, công ty lọc dầu lớn nhất của Ấn Độ, lần đầu tiên ký kết 2 hợp đồng cho tổng cộng 4.6 triệu tấn dầu thô của Mỹ cho giai đoạn 2019 – 2020 với Equinor ASA của Na Uy và Sonatrach, doanh nghiệp năng lượng nhà nước của Algeria.

Ấn Độ và Mỹ lên kế hoạch đẩy mạnh Chiến lược Hợp tác Năng lượng, được khởi động tại New Delhi tháng 4/2018. Bốn nhóm làm việc đã được xây dựng trong khuôn khổ Chiến lược: Dầu khí, Điện và hiệu quả năng lượng, Năng lượng tái tạo và Phát triển bền vững. Đáng chú ý là trong lúc Ấn Độ lựa chọn Mỹ làm đối tác năng lượng tin cậy và lâu dài, New Delhi và Bắc Kinh cũng chuẩn bị thành lập nhóm mua để cùng đàm phán giá mua dầu thô với các nhà cung cấp. Với việc các nước châu Á tăng cường hợp tác, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã tích cực giới thiệu Mỹ như là một đối tác năng lượng ưu tiên trong buổi làm việc đầu tiên của Chiến lược Hợp tác Năng lượng Mỹ - Ấn diễn ra vào tháng 4/2018 ở New Delhi.

Ấn Độ đã và đang cân đối lại chiến lược mua dầu thô của mình sau sự kiện các cơ sở lọc dầu của Saudi Aramco bị tấn công, dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung dầu thô thế giới lớn nhất từ trước đến nay. Chính phủ của đảng cầm quyền NDA cũng đã có các buổi nói chuyện với chính phủ của Tổng thống Trump về việc nhập khẩu năng lượng từ Iran, hiện đang bị cấm vận.

Ngoại trưởng Mỹ Michael Richard Pompeo đã đảm bảo nguồn cung dầu thô cho Ấn Độ, trong lúc Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, đang phải cố gắng hỗ trợ người tiêu dùng trong nước khi giá dầu thế giới tăng cao.

Ấn Độ, nước đào thải khí nhà kính nhiều nhất chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế dựa trên khí đốt và đặt mục tiêu kết nối đường ống khí đốt tới 10 triệu hộ dân vào năm 2020. Ấn Độ cũng lên kế hoạch đến năm 2030 cắt giảm 33 - 35% lượng khí carbon so với năm 2005, theo như cam kết 195 quốc gia đã ký kết tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015.

Meg Gentle, Chủ tịch và CEO của công ty Tellurian, nói trong bản một bản thông cáo: “Tăng cường sử dụng khí tự nhiên sẽ giúp Ấn Độ đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc của mình, đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ đô của Thủ tướng Modi, đồng thời đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường”.

Lan Hương

Theo Tin nước ngoài

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nang-luong-cau-noi-trong-quan-he-my-an-550930.html