Năng lượng tái tạo giảm giá mạnh, các nhà máy điện than 'hấp hối'

Tốc độ gia tăng đóng cửa các nhà máy điện than hoạt động lâu đời ở nhiều nước cùng với việc năng lượng tái tạo đang giảm giá mạnh là những yếu tố khép lại thời kỳ phát triển bùng nổ của than và báo hiệu sự bắt đầu của giai đoạn đóng cửa các nhà máy điện than khác trên toàn cầu…

Báo cáo giám sát các nhà máy điện than toàn cầu vừa được công bố hôm nay (22/3) cho biết, Việt Nam tiếp tục là điểm nóng của điện than. Theo đó, mặc dù không có nhà máy điện than nào được xây dựng vào năm 2017, nhưng một số lượng lớn các dự án được đề xuất vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh vào năm 2016, Việt Nam có 12.100 MW dự án đã công bố, 15.040 MW chuẩn bị được cấp phép, 8.750 MW đã được cấp phép và 10.635 MW đang xây dựng.

Theo báo cáo của GreenID (Báo Đầu tư Việt Nam năm 2017), các dự án này phần lớn đến từ nguồn đầu tư tài chính của nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Gần đây, hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ của dự án điện than Long Phú 1 đã bị rút lại.

Đáng chú ý, báo cáo cũng nhận định, mặc dù sự phát triển của năng lượng mặt trời và năng lượng gió hơi chậm ở Việt Nam, đặc biệt là so với Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng sự bùng nổ về công nghệ năng lượng tái tạo là điều hoàn toàn có thể trong tương lai.

Do có đường bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió, và nhiều dự án đã được triển khai tại các tỉnh ven biển phía Nam như Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Các dự án năng lượng mặt trời cũng thường tập trung ở các vùng ven biển nhưng cũng có tiềm năng tại các tỉnh nội địa như Đồng Nai.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng - Trung Quốc - từ năm 2006 đến năm 2017, nước ngày đã cấp phép 692 GW công suất điện than, gấp 2 lần so với tổng công suất của phần còn lại của thế giới.

Việc mở rộng nhanh chóng cùng với tốc độ cấp phép cho các dự án ở cấp tỉnh trong hai năm 2015 và 2016 trong bối cảnh mâu thuẫn với các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo đầy tham vọng của quốc gia này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng dư thừa công suất điện than ở Trung Quốc.

Để giải quyết tình trạng này, chính quyền trung ương bắt đầu hạn chế các nhà máy điện than mới vào năm 2016, bao gồm hạn chế cấp phép xây dựng ở hầu hết các tỉnh (trừ các dự án thuộc các khu vực nghèo và các dự án dân dụng).

Trong năm 2017, chính quyền trung ương bắt đầu đình chỉ hàng trăm dự án, với tổng cộng 98 GW vào tháng 1 và 93 GW vào tháng 9 (và 21GW trong cả tháng 1 và tháng 9). Tổng cộng, giai đoạn 2016-2017 Trung Quốc đã đình chỉ khoảng 444 GW công suất điện than của các dự án ở các giai đoạn phát triển khác nhau.

Mặc dù vẫn có khoảng trên 16 GW công suất tiếp tục được phát triển bất chấp chính sách thắt chặt của chính phủ, nhưng những giải pháp này cũng đã nhanh chóng làm chậm lại sự phát triển của điện than ở Trung Quốc, từ 708 GW (đang xây dựng và tiền xây dựng) vào năm 2015, xuống còn 211 GW vào năm 2017. Số lượng nhà máy mới được cấp phép đã giảm từ trung bình 61 GW mỗi năm trong giai đoạn 2006-2015 xuống còn 47 GW vào năm 2016 và 34 GW vào năm 2017.

Mặc dù sự phát triển điện than ở Trung Quốc tạm thời bị chững lại, quốc gia này vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về công suất điện than, với 116 GW công suất trong giai đoạn tiền xây dựng và 95 GW đang xây dựng. Bên cạnh đó, 37 GW dự kiến đã bị tạm dừng cuối năm 2017, và nhiều dự án khác sẽ bị tạm dừng từ nay tới năm 2020.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu những dự án này có khả năng được phát triển trở lại hay không? Theo phân tích của Greenpeace (2016a) và Carbon Tracker (2016), các nhà máy điện than đang vận hành của quốc gia này vốn đã vượt quá nhu cầu điện trong nước, vì vậy việc phát triển các nhà máy mới sẽ gây lãng phí hàng tỷ đô la tiền vốn.

Tại Mỹ, bất chấp lời tuyên bố ủng hộ than và các động thái đi ngược lại các quy định về môi trường của chính quyền Trump, công suất điện than của Mỹ vẫn tiếp tục giảm trong năm 2017, với nhiều công ty thông báo đóng cửa nhà máy. Tính đến cuối năm 2017, 266 nhà máy điện than đã dừng hoạt động hoặc cam kết dừng hoạt động, Mỹ còn lại 264 nhà máy điện than đang vận hành.

Năm 2017 tiếp tục ghi lại nhiều tuyên bố đóng cửa nhà máy trong tương lai, bao gồm 3 nhà máy gây ra nhiều ô nhiễm ở Texas, là Monticello, Big Brown, và Sandow. Cả ba nhà máy này đều đóng cửa vào những tháng đầu năm 2018. Việc không có dự án điện than nào đang được xây dựng và phát triển thêm, cùng với sự hủy bỏ của 74 GW điện than từ năm 2010, Hoa Kỳ đang dần tiến tới việc không sử dụng than.

Cũng theo báo cáo, không có ví dụ điển hình nào tốt hơn về bức tranh kinh tế năng lượng thay đổi nhanh chóng như Ấn Độ.

Nước này đã bổ sung 152 GW công suất điện than từ 2006 đến 2017, đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, giá năng lượng tái tạo đã giảm 50% trong vòng 2 năm (BNEF 2017), và vào năm tài chính 2016- 2017, lần đầu tiên công suất lắp đặt mới từ năng lượng tái tạo ở Ấn Độ lớn hơn công suất điện than.

Theo một phân tích gần đây (Greenpeace 2017), 65% công suất điện than hiện tại không có tính hiệu quả kinh tế nếu so sánh với mức giá chào thầu của năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trong bối cảnh đó, vốn tư nhân nhanh chóng bị rút khỏi các dự án điện than. Tất cả 6.920 MW đưa vào xây dựng năm 2017 được tài trợ bởi các đơn vị nhà nước với nguồn tài chính công.

Đối mặt với áp lực kinh tế, khoảng 16 GW các nhà máy điện than hoạt động ở Ấn Độ hiện không có hợp đồng mua bán điện, trong khi hơn 17 GW đang bị đóng băng tại các công trường xây dựng, chủ yếu là do thiếu nguồn tài chính. Triển vọng tương lai của than cũng đang mờ dần: Bản Dự thảo Quy hoạch Điện Quốc gia năm 2016 kêu gọi tăng nhu cầu điện để đạt 275 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2027, đồng thời không xây dựng thêm nhà máy điện than ngoài các dự án đã khởi công.

Một áp lực khác đối với các nhà máy điện than đang vận hành ở quốc gia này là nhu cầu giảm phát thải gây ô nhiễm không khí. Một báo cáo gần đây (Greenpeace 2016b) đã xác định các điểm nóng gây ô nhiễm không khí ở Ấn Độ rõ ràng liên quan đến các cụm nhà máy điện than.

Năm 2017, Bộ Năng lượng báo cáo rằng 89% trong số 166 GW công suất điện than hiện có của Ấn Độ không tuân thủ giới hạn phát thải lưu huỳnh đi-ô-xít của nước này. Hơn 300 nhà máy trên toàn quốc đã không thực thi việc lắp đặt thiết bị kiểm soát ô nhiễm theo hạn định vào ngày 7/12/2017. Điều này dẫn tới một cuộc chiến pháp lý về câu hỏi khi nào những nhà máy này mới tuân thủ quy định của pháp luật

Kết luận của báo cáo cho rằng, sự suy giảm nhanh và đột ngột các nhà máy điện than trong hai năm qua đã cho thấy, động lực đến từ nhiều phía, bao gồm sự giảm giá mạnh của năng lượng tái tạo, thậm chí vượt mức cả các dự báo lạc quan; cùng với phong trào hợp lực của nhiều quốc gia, tiểu bang, thành phố, doanh nghiệp, và các tổ chức khác trong việc loại bỏ than; và áp lực từ việc phải đối phó với chất lượng không khí đô thị ngày một suy thoái, đặc biệt là ở các thành phố lớn tại Đông Á và Nam Á;

Sự phân vân trong quyết định đầu tư ngày càng gia tăng của các ngân hàng và các nhà tài trợ khác cho các nhà máy nhiệt điện than khi rủi ro đầu tư một lượng vốn lớn và có khả năng trở thành tài sản ứ đọng.

Thêm nữa là sự kháng cự bền bỉ của cộng đồng địa phương trước tác động của các mỏ than, nhà máy, khu sản xuất và đường sắt vận chuyển than.

“Cùng với tốc độ gia tăng đóng cửa các nhà máy điện than hoạt động lâu đời ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và các nước công nghiệp khác, những động lực nêu trên là yếu tố khép lại thời kỳ phát triển bùng nổ của than và báo hiệu sự bắt đầu của giai đoạn đóng cửa các nhà máy điện than khác trên toàn cầu.” – báo cáo nhấn mạnh.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201803/nang-luong-tai-tao-giam-gia-manh-cac-nha-may-dien-than-hap-hoi-597963/