Năng lượng tái tạo: Vì sao chưa phát triển?

Nhu cầu có, tiềm năng cho phát triển năng lượng tái tạo là rất lớn, tuy nhiên, việc phát triển thị trường cho năng lượng tại Việt Nam lại gặp nhiều rào cản.

ảnh minh họa

Nhằm cung cấp những thông tin chuyên sâu về những cơ hội cũng như thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải trong quá trình chuyển đổi ngành năng lượng hướng tới giảm thiểu carbon tại Việt Nam, ngày 12/3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA)… đã tổ chức Hội thảo Quốc tế: Phát triển Năng lượng tái tạo hướng tới giảm thiểu carbon tại Việt Nam.

Tiềm năng lớn

Với vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp mạnh, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, có thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học... Các nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo cho thấy đến năm 2030 Việt Nam có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ; 20.000 MW điện gió; 3.000 MW điện sinh khối; 35.000 MW điện mặt trời.

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho giai đoạn 2015-2030, xét đến 2050 được Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 9/2015 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, theo đó lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ mức 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Về mặt tương đối, tỷ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 35% năm 2015 lên mức 38% năm 2020 và 43% năm 2050.

Để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, phục vụ các mục tiêu phát triển nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như Feed-in-Tariff Mechanism cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định: Với các chính sách nhất quán và các cơ chế hỗ trợ cụ thể, chúng ta đang chứng kiến một "làn sóng" đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đến cuối năm 2018, đã đưa vào vận hành phát điện 285 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 3.322 MW; 8 nhà máy điện gió với tổng công suất 243 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Về điện mặt trời, đến cuối năm 2018 có khoảng 10.000 MW được đăng ký, trong đó có 8.100 MW được bổ sung quy hoạch, khoảng hơn 100 dự án đã ký PPA, 2 dự án đi vào vận hành với tổng công suất khoảng 86 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể các nhà máy thủy điện cỡ vừa và lớn) đã chiếm 2,1% tổng công suất toàn hệ thống.

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức: chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên...

Khó khăn nằm ở đâu?

Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng. Giá thành lắp đặt 1 kWp điện mặt trời còn cao (khoảng 1.000 USD/kWp), chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án điện mặt trời và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hàng.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp và lắp đặt với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt sử dụng điện mặt trời; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, invester để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Cùng với đó là một loạt khó khăn như việc quy định cấp phép hoạt động điện lực gây khó khăn cho bên thứ ba tham gia lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các khu vực mái có tiềm năng tốt và bán điện lại cho khách hàng, chưa có quy định về giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà.

Liên quan tưới chính sách giá bán lẻ, EVN cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 khuyến khích loại bỏ chế độ độc quyền trong ngành điện. Biểu giá phải được xác định theo cơ chế thị trường. Thực tế, giá bán lẻ được áp dụng đồng nhất cho mọi khu vực, dẫn đến giá không phản ánh nhu cầu thị trường, hạn chế cạnh tranh và khó khuyến khích đầu tư. Chưa kể, biểu giá điện bị kiểm soát hoàn toàn trong khi năng lượng sơ cấp khác (than, khí) biến động, dẫn tới thiếu vốn đầu tư.

Để các dự án điện năng lượng tái tạo trở thành khả thi, ông Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đề nghị chủ đầu tư và phía chủ nhà cần xúc tiến một số nội dung quan trọng, trong đó có phần: Phân tích, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư điện năng lượng tái tạo, có tính đến yếu tố rủi ro - áp dụng cho các dự án điện gió, điện mặt trời. “Đối với bất kỳ dự án đầu tư nào, bên cạnh lợi ích đạt được cũng gặp phải những rủi ro, đặc biệt đối với dự án điện năng lượng tái tạo mới mẻ và phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên rủi ro càng lớn, nhà đầu tư cần nhận dạng và quản lý rủi ro”, ông Duệ nói.

Cùng với các yếu tố về địa điểm, vốn vay, thời gian có gió trong năm và tốc độ gió có được tại khu vực dự án… tác động đến doanh thu và lợi nhuận của dự án. Ông Duệ cho hay, doanh thu và lợi nhuận của dự án phụ thuộc rất lớn vào giá điện quy định. Quy định mới về giá điện gió, căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 39/2018 QĐ-TTg ngày 10/9/2018, dự án điện gió trên đất liền: 1.928 đồng/kWh tương đương 8,5 UScent/kWh, Dự án điện gió trên biển: 2.223 đồng/kWh tương đương 9,8 Úcent/kWh. Quy định mới về giá điện gió là một ưu tiên lớn đối với dự án đầu tư điện gió, đặc biệt điện gió trên biển như Kê Gà. Tuy nhiên, dự án phải nối lưới và vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Đây là thách thức đối với dự án đầu tư Kê Gà trong việc đưa công trình vào vận hành thương mại đúng theo quy định.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho hay, do tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam rất cao, nên việc đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo cũng cần phải chú ý tới một số đặc điểm như: công suất phát của các nguồn điện này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết nên cần có giải pháp để ổn định chất lượng điện năng (kết hợp phát triển với hệ thống lưu trữ năng lượng); các dự án năng lượng tái tạo cần được ưu tiên phát triển tại khu vực có nhu cầu (khu vực miền Nam) và có tính đến khả năng truyền tải của hệ thống lưới điện; các dự án năng lượng tái tạo khi xem xét cần đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, đảm bảo khả năng vận hành an toàn, kinh tế của hệ thống điện và hiệu quả đầu tư chung của toàn xã hội.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn năng lượng tái tạo; các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị được phép tham gia vào phát và truyền tải điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo công tác dự báo (gió, bức xạ mặt trời...) chính xác, tin cậy.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/nang-luong-tai-tao-vi-sao-chua-phat-trien-159536.html