Năng lượng tái tạo vượt mặt nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu

Năng lượng tái tạo trở thành nguồn điện lớn nhất của Liên minh châu Âu vào năm 2020, qua đó lần đầu vượt mặt năng lượng hóa thạch truyền thống.

Theo một báo cáo mới được công bố bởi các tổ chức tư vấn năng lượng Ember và Agora Energiewende, năng lượng tái tạo cung cấp 38% điện năng ở EU vào năm ngoái, trong khi nhiên liệu hóa thạch chiếm 37%, phần còn lại đến từ năng lượng hạt nhân.

Theo báo cáo, năng lượng tái tạo sẽ cần phải phát triển với tốc độ nhanh hơn nữa để ngăn chặn một tương lai với nhiều thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

“Năng lượng tái tạo vượt qua hóa thạch là một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Châu Âu. Tuy nhiên, đây không phải lúc để tự mãn", ông Patrick Graichen, giám đốc công ty Agora Energiewende, cho biết. “Các chương trình phục hồi sau đại dịch cần phải đi đôi với hành động khí hậu được đẩy nhanh".

Liên minh châu Âu gần đây đã đặt mục tiêu giảm gần một nửa lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030 (so với mức năm 1990) và trung hòa hoàn toàn vào năm 2050. Châu Âu sẽ cần tăng gấp đôi tốc độ triển khai năng lượng tái tạo vào năm 2020 để thực hiện cam kết của EU, theo Graichen.

Năng lượng gió và mặt trời đã thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo vào năm ngoái, khi sự phát triển của các dạng năng lượng không chứa carbon khác, như thủy điện, bị đình trệ. Cùng với đó, năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã tăng 10% vào năm 2020.

Mặt khác, sản xuất than đã giảm mạnh 20% vào năm ngoái. Theo báo cáo, khoảng một nửa trong số đó là nhờ công suất năng lượng mặt trời và gió mới tăng mạnh. Phần còn lại có thể là do lượng khí đốt tự nhiên tăng lên và nhu cầu điện giảm trong đại dịch COVID-19. Điều đó khiến sản lượng than vào năm 2020 chỉ bằng một nửa so với năm 2015.

Sản lượng năng lượng hạt nhân cũng giảm mạnh vào năm ngoái. Sau khi các lò phản ứng ở Thụy Điển và Đức đóng cửa vĩnh viễn, sản lượng năng lượng hạt nhân đã giảm 10%. Theo báo cáo, quy mô năng lượng hạt nhân được dự báo sẽ tiếp tục thu hẹp khi ngày càng nhiều quốc gia loại bỏ dần các nhà máy.

Nếu tính đến tất cả các xu hướng này, điện của Châu Âu vào năm 2020 sạch hơn 29% so với 5 năm trước. Vào năm 2015, mỗi kilowatt giờ điện được sử dụng tạo ra khoảng 317 gam carbon dioxide. Bây giờ, cùng một lượng điện đó chỉ tạo ra khoảng 226 gam CO2.

Bắc Hiệp

Theo Verge

Bắc Hiệp

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/nang-luong-tai-tao-vuot-mat-nhien-lieu-hoa-thach-o-chau-au-post102804.html