Nâng mức trợ cấp cho người khuyết tật

Trong những năm qua, công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đã tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) không có khả năng tự lo liệu được cuộc sống như người cao tuổi, người khuyết tật... Các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho đối tượng BTXH được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và đúng chế độ chính sách. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đời sống xã hội, nhiều cử tri đề nghị tỉnh xem xét nâng mức trợ cấp cho đối tượng người khuyết tật.

Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh trao tặng xe lăn cho người khuyết tật TX Đông Triều, tháng 7/2019.

Trợ giúp xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Trong điều kiện hoàn cảnh một bộ phận nhân dân còn nghèo, còn sống dưới mức tối thiểu thì việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, mà còn tạo sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội. Bởi vậy, Quảng Ninh đã quan tâm, huy động nguồn lực thực hiện tốt công tác BTXH.

Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 136/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH (trong đó có người khuyết tật) Quảng Ninh đã luôn quan tâm thực hiện. Đặc biệt, tỉnh chủ động xây dựng chính sách địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế - xã hội, nhằm giải quyết tốt nhất chính sách BTXH cho đối tượng theo quy định. Giai đoạn 2010-2016, tỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp tháng từ 180.000 lên 300.000 đồng đối với đối tượng tại cộng đồng, lên 400.000 đồng đối với đối tượng trong các cơ sở BTXH (cao hơn 1,4 lần mức chuẩn Chính phủ quy định).

Từ năm 2017, tỉnh tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội: Từ mức 300.000 lên mức 350.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng BTXH (trong đó có người khuyết tật) sinh sống tại cộng đồng ở xã, phường, thị trấn (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định); từ mức 400.000 lên mức 500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng người khuyết tật được chăm sóc và nuôi dưỡng trong các cơ sở BTXH của tỉnh (tăng 1,85 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định). Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 34.800 đối tượng BTXH.

Cùng với nâng mức trợ cấp hằng tháng, tỉnh cũng thực hiện hiệu quả trợ giúp xã hội đột xuất. Hằng năm, vào dịp giáp hạt, tỉnh rà soát, trợ cấp kịp thời đảm bảo người dân nói chung và đối tượng BTXH nói riêng không bị rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Thêm vào đó, ngành LĐ-TB&XH và các địa phương phối hợp triển khai các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, chăm sóc dài hạn, hỗ trợ đối tượng, hỗ trợ sinh kế... đối với các đối tượng yếu thế tại cộng đồng. Đồng thời, duy trì các hoạt động trợ giúp thường xuyên, đột xuất cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật theo quy định.

Lãnh đạo TP Hạ Long thăm, tặng quà cho người được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật tỉnh, tháng 12/2019.

Như vậy có thể thấy, từ năm 2010 đến nay, mức chuẩn trợ giúp đối tượng BTXH (trong đó có đối tượng người khuyết tật) của tỉnh Quảng Ninh luôn cao hơn mức chuẩn trợ giúp đối tượng BTXH của Trung ương quy định từ 1,3 đến 1,85 lần, thể hiện sự quan tâm của nhà nước, của tỉnh, tạo điều kiện cho đời sống vật chất và tinh thần của nhóm đối tượng BTXH ngày càng được cải thiện, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, nội dung kiến nghị của cử tri đề nghị tỉnh quan tâm điều chỉnh mức trợ cấp xã hội cho đối tượng người khuyết tật là nguyện vọng chính đáng. Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH rà soát, nghiên cứu khả năng cân đối ngân sách và tình hình thực tế của tỉnh để đề xuất báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh. Việc xây dựng chính sách trợ giúp xã hội ngoài việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, còn góp phần tích cực hỗ trợ cho công tác giảm nghèo bền vững.

Hiểu Trân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202001/nang-muc-tro-cap-cho-nguoi-khuyet-tat-2466837/