NÂNG NIU NHỮNG 'VÀNG MƯỜI'

Một trong những hoạt động ý nghĩa của ngành nghệ thuật biểu diễn nước nhà dịp đầu năm mới 2020 là cuộc hội tụ của hơn 260 nghệ sĩ trong Chương trình 'Giới thiệu gương mặt nghệ sĩ' vừa diễn ra tại Hà Nội. Đó là những tài năng nghệ thuật từng đoạt huy chương vàng, giải vàng tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế trong hai năm 2018 và 2019.

Từ nhiều năm qua, ngành văn hóa và các hội nghệ thuật chuyên ngành (sân khấu, điện ảnh, múa…) định kỳ tổ chức các liên hoan, hội diễn, hội thi nhằm phát hiện, tôn vinh những nhân tố mới để động viên, khích lệ các nghệ sĩ tiếp tục dấn thân, sáng tạo và cống hiến cho công chúng những tiết mục, chương trình nghệ thuật đặc sắc, lành mạnh. Nhưng các kỳ cuộc đó mới chỉ dừng lại trong phạm vi lĩnh vực chuyên ngành và sau khi bế mạc liên hoan, hội thi, nghệ sĩ ai về đoàn ấy rồi hy vọng vài ba năm sau mới có dịp tái ngộ. Vì vậy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tiên chủ trì, phối hợp với các hội nghệ thuật chuyên ngành tổ chức gặp mặt, tôn vinh các nghệ sĩ tài năng trong cả nước mang nhiều ý nghĩa.

 Nhiều nghệ sĩ tên tuổi góp mặt tại chương trình “Giới thiệu gương mặt nghệ sĩ”. Ảnh: TTXVN

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi góp mặt tại chương trình “Giới thiệu gương mặt nghệ sĩ”. Ảnh: TTXVN

Không quá lời khi cho rằng, hơn 260 nghệ sĩ từng giành những vị trí cao nhất tại các liên hoan, hội diễn, hội thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong hai năm gần đây như những “vàng mười” làm lấp lánh, rạng ngời nền nghệ thuật nước nhà. Trong số những gương mặt đó, có người nổi danh trên các phương tiện truyền thông, nhưng cũng có người ít được công chúng quen tên biết mặt, nhưng họ đều có điểm chung là đam mê, “cháy hết mình” với nghề nghiệp. Nhờ tâm huyết, công sức, tài năng của họ, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của ông cha ta mới được lưu giữ, trao truyền, lan tỏa trong xã hội đương đại.

Ngày vui, nghệ sĩ gặp nhau tay bắt mặt mừng là chuyện đương nhiên. Niềm vui như nhân lên gấp đôi vì sau những ngày lao động vất vả, cực nhọc trên phim trường, sàn diễn, hầu như các nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật ít có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi cùng nhau về nghề nghiệp và cả những nguyện vọng, mong muốn, trăn trở của mình. Hơn nữa, sinh kế “cơm áo gạo tiền” vốn không dễ dàng, đơn giản với ai, trong đó có nghệ sĩ. Ngoại trừ một số nghệ sĩ thành danh có thể “sống khỏe” nhờ nghề nghiệp, thì cũng còn một bộ phận diễn viên, nhạc công ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống, như: Tuồng, chèo, cải lương, múa rối, nhạc dân tộc… phải tìm kiếm, làm thêm nhiều công việc khác để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình.

Tâm hồn nghệ sĩ vốn nhạy cảm và có phần mong manh. “Cái tôi” nghệ sĩ thường cá tính sâu sắc, đôi khi có sự khác biệt với người bình thường. Lao động sáng tạo của nghệ sĩ gắn liền với dấu ấn tài năng cá nhân. Từ đặc trưng tâm lý nhân cách, tâm lý nghề nghiệp đó, người nghệ sĩ rất cần sự nâng niu, trân trọng và cả sự đồng hành, chia sẻ, thấu cảm của các cấp lãnh đạo, quản lý để tạo chỗ dựa tinh thần vững chắc cho họ gắn bó thủy chung và cống hiến hết mình với nghệ thuật. Đôi khi chỉ thông qua một lời động viên đúng lúc, một câu khích lệ đúng chỗ, một buổi gặp mặt thân tình, một cuộc trò chuyện cởi mở… của cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể tạo ra nguồn cảm hứng và “men say” giúp nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo những tác phẩm, tiết mục làm lay động lòng người.

Trong bối cảnh xã hội đang chịu nhiều áp lực từ những luồng văn hóa ngoại lai, môi trường văn hóa bị “tiêm nhiễm” những sản phẩm độc hại nhan nhản trên mạng xã hội, thì việc chăm lo nuôi dưỡng, bồi đắp, nhân rộng những tấm gương nghệ sĩ tâm huyết, giàu tinh thần cống hiến là một giải pháp căn cơ để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đủ sức hội nhập văn hóa thế giới.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/nang-niu-nhung-vang-muoi-607486