Nắng nóng diện rộng ở nhiều khu vực trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng rìa phía nam của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25-28 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp phía tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía đông, cho nên từ ngày 20 đến 22-4, nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở khu vực Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35 đến 37 độ C, có nơi hơn 38 độ C. Ở khu vực Nam Bộ, nắng nóng trên diện rộng với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 35 đến 37 độ C, có nơi hơn 37 độ C. Từ ngày 24-4, nắng nóng ở Nam Bộ giảm dần.

Ðể khắc phục hạn mặn, giảm nhẹ thiệt hại cho những vùng khó khăn, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 13,172 tỷ đồng làm thủy lợi nội đồng và xây mới các cống đập ngăn mặn, bảo vệ gần 3.000 ha đất sản xuất, gồm rau màu, cây ăn quả, vùng trồng sả chuyên canh và một số cây trồng khác...

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cấp bách phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, các địa phương đã chủ động bố trí khoảng 55 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để chống hạn như sửa chữa các cửa cống lấy nước bị rò rỉ, thất thoát nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt…

Theo ngành nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), đến nay, lượng nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn đang ở mức thấp. Cụ thể: Hồ Sông Móng: dung tích nước còn 5,877 triệu m3, đạt 15,8%. Hồ Ba Bàu: cao trình mực nước hiện tại đã xuống dưới mực nước chết, không thể cung cấp nước phục vụ sản xuất cho các khu tưới tại các xã Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Kiệm, Hàm Cường...

Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện tổng dung tích của 21 hồ chứa chỉ còn xấp xỉ 20% so với dung tích thiết kế, có 14 trong số 21 hồ thủy lợi trên địa bàn đã gần và dưới mực nước chết, không còn khả năng cung cấp nước phục vụ tưới tiêu. Công ty đang xây dựng các kế hoạch ứng phó, chủ động cân đối nguồn nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất.

Hiện, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có hơn 195 ha cây ăn trái bị sâu bệnh gây hại. Trước thực trạng nêu trên, ngành chức năng hướng dẫn nhà vườn tích cực vệ sinh vườn thông thoáng, chặt bỏ những cây bị hư hại nặng, phun thuốc phòng trị kịp thời các đối tượng sâu bệnh khi mới xuất hiện.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ðồng Tháp cho biết, hiện tỉnh đã xuống giống hơn 139.000 ha lúa hè thu; trong đó có 101 ha lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng bị nhiễm rầy nâu; 299 ha bị sâu cuốn lá. Ngoài ra các đối tượng khác như: chuột, bọ trĩ, bệnh cháy bìa lá xuất hiện gây hại ở mức nhẹ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh có 230 ha ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình. Trong số đó, diện tích nặng 20 ha, nhẹ 177 ha, trung bình 33 ha với mật độ phổ biến từ hai đến bốn con/m2, cao từ 4 đến10 con/m2...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai vừa tổ chức đến thăm hỏi và trao 1.440 kg gạo tặng 144 hộ nghèo khu vực biên giới thuộc huyện Bát Xát. Ngoài ra, các đồn Biên phòng trên địa bàn cũng hỗ trợ mỗi hộ gia đình nghèo đứt bữa tại chín xã, thị trấn trong huyện Bát Xát, mỗi hộ một thùng mì ăn liền, với tổng trị giá quà tặng khoảng hơn 30 triệu đồng.

Tại xã Cam Thịnh Tây (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), Kho 858, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tặng quà và cung cấp nước ngọt cho nhân dân địa phương; gồm 1.500 kg gạo, gần 300 bộ quần áo và cung cấp hơn 4.000 lít nước ngọt hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong mùa khô hạn.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44149602-nang-nong-dien-rong-o-nhieu-khu-vuc-tren-ca-nuoc.html