Nắng nóng gay gắt, nông dân xứ Thanh dựng lều thu hoạch cói

Giữa nắng nóng gay gắt, có lúc lên tới 39-40 độ C, người dân ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương vẫn tất bật ra đồng thu hoạch cói. Để tránh nắng nóng, người dân phải dựng lều, căng bạt để vừa thu hoạch, vừa sơ chế cói ngay trên đồng.

Những ngày này, nông dân ở các vùng trồng cói như Nga Sơn, Quảng Xương đang bước vào vụ thu hoạch.

Những ngày này, nông dân ở các vùng trồng cói như Nga Sơn, Quảng Xương đang bước vào vụ thu hoạch.

Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ có lúc lên tới 39-40 độ C nên bà con phải dựng lều ngay trên đồng tránh nắng để thu hoạch kịp thời vụ.

Hàng chục năm gắn bó với cây cói, bà Nguyễn Thị Ngọc (SN 1975, ở thôn Ngọc Nhị, xã Quảng Phúc) cho biết: Việc thu hoạch cói thường diễn ra vào những ngày nắng nên rất vất vả. Để tránh nắng nóng, người dân thường ra đồng thu hoạch cói từ lúc sáng sớm. Lúc nắng gắt thì căng bạt để thu hoạch, sơ chế.

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, những người phụ nữ vẫn thoăn thoắt đưa liềm cắt cả sào cói mỗi ngày.

Thu hoạch cói mất rất nhiều thời gian, thông thường trong một ngày, khoảng 4 người mới làm xong 1 sào. Họ chỉ dừng lại dăm phút để uống nước, rồi lại người cắt, người chẻ cói đem phơi.

Theo họ, cói được thu hoạch 2 lần trong năm: Vụ chiêm (thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 7) và vụ mùa (thu hoạch từ tháng 10 tháng 11).

Gia đình ông Nguyễn Hữu Ninh (SN 1968, ở xã Quảng Phúc) trồng khoảng 4 sào cói. Ông tâm sự, trồng và chăm sóc cói đã vất vả nhưng thu hoạch cói còn vất vả hơn bội phần vì mất nhiều thời gian và nắng nóng.

Chưa kể, năm nay sản lượng cói không cao, mà giá cói còn thấp hơn 20% so với năm trước - ông Ninh cho biết thêm.

Cói sau khi cắt sẽ được gom thành những bó vừa tay để giũ cho sạch cỏ, rác hoặc những sợi chết khô. Chỉ để lại những sợi cói tươi xanh. Cói được phân thành 3 loại. Loại trên 1,65m dùng dệt chiếu loại 1 hoặc đưa đi xuất khẩu. Loại trung bình dài 1,5 đến 1,6m dệt chiếu cá nhân.

Sau khi phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau, sẽ đến công đoạn chẻ cói, cũng được diễn ra ngay trên những cánh đồng với máy chẻ thủ công. Mỗi máy chẻ thủ công gồm 2 người ngồi hai đầu. Đây là công việc yêu cầu sự khéo léo của đôi tay.

Có sau khi chẻ thường được phơi ngay trên những ruộng vừa thu hoạch xong hoặc trên các bãi bồi, bờ ruộng…

Thời tiết nắng nóng như hiện nay, cói chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là khô, lên màu rất đẹp. Sau đó được cột thành từng bó đưa về nhà để tiếp tục phân loại.

Bà con cho biết, giờ đang vào chính vụ thu hoạch, nhiều chủ ruộng phải thuê thêm lao động tham gia thu hoạch cói với mức chi trả 150.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi ngày công.

Trải qua nhiều công đoạn, cói sẽ được đưa đi bán cho các đại lý. Sau sơ chế, cói được dệt thành chiếu, hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: mũ, túi xách, giỏ đựng đồ... - những sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của địa phương.

Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nang-nong-gay-gat-nong-dan-xu-thanh-dung-leu-thu-hoach-coi/187457.htm