Nắng nóng gay gắt tại Bắc Bộ và Trung Bộ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ ngày 13-7, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía tây với đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn cho nên ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 38oC, có nơi hơn 39oC.

Lực lượng chức năng huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) tuần tra rừng ở xã Phú Mỡ trong những ngày nắng nóng. Ảnh: ANH NGỌC

Lực lượng chức năng huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) tuần tra rừng ở xã Phú Mỡ trong những ngày nắng nóng. Ảnh: ANH NGỌC

Từ ngày 14-7, nắng nóng có xu hướng gia tăng ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Trung Bộ. Đợt nắng nóng này ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 16-7, trong khi nắng nóng ở Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Do ảnh hưởng của nắng nóng nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư; nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ.

* Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong năm nay, khu vực đầu nguồn sông Cửu Long đã và sẽ có các đợt nước lên trong tháng 6, tháng 7, tuy nhiên ít có khả năng xuất hiện lũ đầu mùa. Ở hạ lưu sông Cửu Long, tại Cần Thơ (sông Hậu) và Mỹ Thuận (sông Tiền), mực nước cao nhất có thể lên mức cao hơn báo động 3 từ 0,15 đến 0,25 m, xuất hiện cuối tháng 9, đầu tháng 10.

* Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai đã thực hiện chương trình lắp đặt thiết bị đo mưa tự động cho một số tỉnh gồm: Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Đến nay, việc triển khai lắp đặt đã hoàn thành. Tổng số trạm đã lắp đặt là 65 trạm tại 65 xã.

* UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng các đơn vị chức năng vừa tiến hành kiểm tra công tác thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp và vệ sinh môi trường tại cảng cá Thuận An. Đoàn đã kiểm tra các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, có dấu hiệu vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; trong đó, tập trung vào việc kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, nhật ký khai thác, thu mua…

* Tại Bạc Liêu, kênh Cả Vĩnh và kênh Phú Tòng - đoạn từ cống Nước Mặn và cống Cả Vĩnh đến cổng chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) tình trạng sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng, có những đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 3 đến 4 m, làm hỏng đường giao thông, tạo thành hàm ếch, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất và đời sống của hàng trăm hộ dân sinh sống dọc tuyến kênh.

* Tại Bình Thuận, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Ban 7), chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Sông Lũy cho biết: mục tiêu năm 2019 của công trình là xây dựng đập chính, hoàn thiện cống lấy nước sinh hoạt (cả ống dẫn sau đập)... Tuy nhiên, đến nay UBND huyện Bắc Bình mới bàn giao được 78,8 trong số 80 ha mặt bằng khu vực xây dựng công trình đầu mối và 82,76 trong số 107 ha các mỏ vật liệu. Hiện còn vướng 15 hộ dân không cho nhà thầu vào lấy đất nên không thể triển khai thi công.

* Hiện huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cơ bản gieo cấy xong 3.500 ha lúa mùa. Tuy nhiên, ở các chân ruộng lúa vừa mới xuống giống tại hai xã Pờ Ly Ngài và Ngàm Đăng Vài, ốc bươu vàng đang sinh sản nhanh và phá hoại trên diện rộng, mật độ trung bình 30 đến 50 con/m2.

* Tại Đồng Nai, tính đến đầu tháng 7-2019, toàn tỉnh có gần 451 ha sắn bị bệnh dịch khảm lá sắn (chiếm 4% diện tích sắn toàn tỉnh). Nguyên nhân dịch khảm lá sắn lây lan do nông dân sử dụng giống sắn đã nhiễm bệnh; khâu kiểm soát giống chưa tốt; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa hiệu quả...

* Tại huyện Cần Giuộc (Long An) tính đến đầu tháng 7, nông dân đã thả nuôi 1.390 ha tôm. Tỷ lệ tôm nhiễm các bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy có giảm so với các năm trước, tuy nhiên các bệnh về môi trường, đường ruột tăng lên do thời tiết nắng nóng, tảo độc, tảo hại phát triển trong ao tương đối nhiều.

* Chi cục Bảo vệ thực vật Thanh Hóa đã kiểm tra và phát hiện hơn 2 ha lúa của 13 hộ thuộc các thôn: Thanh Xuân, Nhạ Lộc, Đại Đồng 2 và Đại Đồng 3 bị chết rải rác từ ngày 22-6 do phun thuốc trừ cỏ. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thuốc, bao bì, nhãn mác thuốc trừ cỏ gửi đi phân tích nhằm xác định nguyên nhân lúa chết. Trước mắt, doanh nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật thống nhất hỗ trợ 800 nghìn đồng/sào cho người dân.

* Khoảng 11 giờ 30 phút trưa 12-7, tại khu vực đồi Củ Lạc thuộc địa phận xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) xảy ra vụ cháy rừng keo tràm của dân. UBND thị xã Hương Trà đã huy động hơn 300 người tham gia chữa cháy.

Do thời tiết nắng nóng kết hợp gió tây nam và địa hình đồi núi dốc khiến ngọn lửa nhanh chóng cháy lan, việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Sau gần bốn giờ nỗ lực dập lửa, đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, các lực lượng chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40851202-nang-nong-gay-gat-tai-bac-bo-va-trung-bo.html