Nắng nóng gay gắt, trẻ em, người già 'thi nhau' nhập viện

Thời tiết nắng nóng, có ngày lên tới 39 độ C khiến cả người lớn lẫn trẻ em 'thi nhau' vào bệnh viện vì các bệnh về tiêu hóa, hô hấp…

Con trai chị Vân phải nhập viện cấp cứu vì tiêu chảy nhiều lần/ngày do nắng nóng. Ảnh: B.Nhàn

Nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng đông bệnh nhân đến khám và điều trị, thậm chí là quá tải vì ca bệnh nặng tăng cao, nhất là ở người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền.

* Trẻ em vào viện vì tiêu chảy tăng cao

Khoảng 2 tuần nay, hầu như ngày nào, khu khám bệnh tiêu hóa của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đông bệnh nhân. Có em nôn ói ngay trong lúc chờ tới lượt khám. Và khi ấy, bác sĩ phải khám ngay và đưa bé xuống phòng truyền dịch để bù nước.

Ngay trong đêm, chị Phạm Thị Vân (ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) đã phải ôm con mới 1 tuổi nhập viện cấp cứu vì tiêu chảy, sốt và ói. Do bé ói, tiêu chảy nhiều lần nên các bác sĩ phải truyền dịch để bé không bị suy kiệt do mất nước quá nhiều.

“Con mới bị bệnh có 1 ngày mà gầy sọp hẳn đi, tôi rất suốt ruột. Nắng nóng gay gắt như hiện nay thì người lớn còn mệt, huống chi trẻ nhỏ” - chị Vân bày tỏ.

Với những trẻ lớn, thời tiết nóng nực cũng khiến các em phải nghỉ học giữa buổi. Đang đi làm, anh Trần Tuấn Anh (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) phải bỏ dở công việc để đến trường đón con về nhà. Con anh - bé Trần Thu Hà (11 tuổi, đang học lớp 5) bị đau bụng, sốt và ói.

“Con học buổi chiều nên đến trường buổi trưa. Trời nắng nóng quá, dù ở lớp có quạt trần nhưng con vẫn thấy nóng và mệt” - bé Hà nói.

Chỉ trong 1 đêm, bé Hà ói đến 7 lần. Quá suốt ruột, anh Tuấn Anh đã đưa con đi khám ngay sáng hôm sau.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai ghi nhận hơn 1,4 ngàn lượt bệnh nhi đến khám, nhập viện do bệnh lý tiêu hóa. Theo các bác sĩ, bệnh tiêu chảy có tính chất lây lan. Bé nhỏ thường bị nặng hơn, mất nước nhanh dễ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm.

* Người già suy kiệt, bệnh nặng hơn do nắng nóng

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn tuổi nhập viện do tiêu hóa cũng tăng cao.

Bà Bùi Thị Mai, 74 tuổi (ngụ phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) bị tiêu chảy nhiều lần/ngày. Dù vậy, gia đình vẫn chủ quan không đi khám bệnh mà tự mua thuốc. Hậu quả, bà Mai phải nhập viện cấp cứu với tình trạng rất nặng.

Bà phải điều trị hồi sức tích cực và kháng sinh mạnh mới qua khỏi lưỡi hái “tử thần”, mặc dù bà Mai không có bất cứ bệnh nền nào trước đó.

Nắng nóng khiến nhiều người già phải nhập viện trong tình trạng nặng tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn

Bà Phạm Thị Kim Đào, 74 tuổi, ngụ tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch (vốn có sẵn bệnh đái tháo đường nhiều năm) vừa phải trải qua đợt điều trị tích cực vì nhiễm trùng huyết do nhiễm trùng tiêu hóa gây ra. Sau vài ngày sốt nhưng người nhà không phát hiện và đưa đi khám kịp thời nên bà Đào trở bệnh nặng.

“Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết khá nặng, đe dọa tính mạng. Chúng tôi phải điều trị tích cực, sử dụng kháng sinh… và theo dõi sát hơn 1 tuần bệnh nhân mới tạm ổn” - bác sĩ Dương Tấn Thọ, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay.

Bác sĩ Dương Tấn Thọ, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, khoa đang trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân nhập viện đông, tăng 20% so với tháng trước.

Theo bác sĩ Thọ, nếu gia đình có người già, nhất là những người có bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy thận… cần quan tâm, chăm sóc và theo dõi kỹ sức khỏe khi nắng nóng. Từ đó, kịp thời phát hiện các bệnh lý cấp tính có thể xảy ra, tránh tình trạng phát hiện trễ dẫn đến tình trạng bệnh nặng mới đưa đi cấp cứu.

Ngoài ra, người lớn tuổi dù không có bệnh nền nhưng mắc các bệnh như tiêu chảy, sốt, ói… cũng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để có hướng điều trị tích cực. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc uống vì có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.

* Bệnh viện quá tải, kín giường bệnh

Bác sĩ Thọ nhấn mạnh, thời tiết nắng nóng khiến cho người lớn tuổi ăn uống kém hơn, kéo theo sức khỏe giảm sút. Ngoài ra, những người có bệnh nền dễ bị nhiễm trùng tiêu hóa dẫn đến choáng nhiễm trùng, thậm chí là tử vong. Nhiều tuần nay, số bệnh nhân nhập viện mới mỗi ngày luôn cao hơn số giường sẵn có, do đó, nhiều người phải tạm thời nằm ghế chờ giường trống. Để giảm tải, khoa phải cho bệnh nhân xuất viện ngay khi điều trị ổn.

Khoảng 2 tuần nay, trẻ đến khám và nhập viện do bệnh tiêu hóa tăng cao tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn

Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ Đinh Thị Huệ, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, nhiều trẻ đã vào viện khám với triệu chứng: sốt, ói, đau bụng và tiêu chảy. Cả số ca khám ngoại trú lẫn nội trú đều tăng. Tại Khoa Tiêu hóa, trung bình mỗi ngày có 15-20 ca bệnh nhập mới điều trị.

“Có ngày cao điểm, khoa tiếp nhận chữa trị nội trú cho 55 bệnh nhi, trong đó, ¾ là bệnh nhân mắc bệnh về đường tiêu hóa do thời tiết nắng nóng. Trong đó, các bé đều bị sốt cao, nôn ói và tiêu chảy nhiều lần trong ngày, thậm chí là co giật” - bác sĩ Huệ cho hay.

Bác sĩ Huệ khám cho bệnh nhi bị tiêu chảy tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: B.Nhàn

Bác sĩ Huệ khuyến cáo, nắng nóng dễ khiến đồ ăn bị ôi, thiu. Để phòng tránh bệnh đường tiêu hóa thì phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất vẫn là ăn chín, uống sôi, uống đầy đủ nước, không ăn thức ăn ôi thiu…

Còn đối với trẻ thì ngoài việc cho ăn đảm bảo an toàn thực phẩm thì cần vệ sinh tay chân cho trẻ thường xuyên. Người chăm sóc bé cũng phải rửa tay khi chăm sóc hay cho bé ăn. Điều đáng chú ý là bé mắc bệnh này thì vẫn bị tái lại, có thể là vài lần trong năm.

Ngoài bệnh lý tiêu hóa, thời tiết này cũng khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như đau họng, sốt, ho.

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202403/nang-nong-gay-gat-tre-em-nguoi-gia-thi-nhau-nhap-vien-acc3871/