Nắng nóng kéo dài, chỉ số tia UV tăng cao

Theo dự báo thì trong những ngày tới, nắng nóng có thể diễn ra ở Bắc Bộ còn Trung Bộ có khả năng tiếp tục đợt nắng nóng kỷ lục.

Cụ thể, đợt nắng nóng này ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài 3-4 ngày tới. Ở các tỉnh Trung Bộ tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày tới.

Riêng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên mực 1500m nên tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc cục bộ có mưa to (lượng mưa 20-50mm/12 giờ, có nơi trên 70mm/12 giờ).

Các tỉnh Trung Bộ thì vẫn tiếp tục có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-17 giờ.

Bên cạnh đó, chỉ số tia UV ở Hà Nội, Đà Nẵng có giá trị từ 7-10 ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Theo các chuyên gia, chỉ số UV là chỉ số đo lường về cường độ của bức xạ tử ngoại từ mặt trời tại một địa điểm cụ thể vào một ngày cụ thể.

Theo đó, tác hại cấp tính phổ biến nhất của tia UV là cháy nắng do tiếp xúc quá mức trong thời gian ngắn. Đặc biệt, khi nắng nóng đỉnh điểm có thể gây say nắng hoặc say nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đội nón rộng vành, sử dụng dù, đeo mắt kính màu sậm, bịt kín khẩu trang và tránh nắng trong bóng râm, cây có bóng mát để hạn chế tác động từ tia UV.

Thông thường tia UV có nhiều trong ánh sáng tự nhiên, nên việc tiếp xúc với loại tia có hại này hàng ngày sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cơ thể đặc biệt là hoạt động của đôi mắt.
Về mặt bản chất, tia UV ( hay còn gọi là tia cực tím, tia tử ngoại) là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X, không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Tia UV cũng là thành phần có sẵn trong ánh sáng mặt trời. Bản chất là 1 loại tia có hại đối với cơ thể người, tia UV sẽ ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất khi tiếp xúc bề mặt da và mắt người, làm giảm sức đề kháng về lâu về dài.
Loại tia này sẽ tác động vào lớp da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, tấn công lớp hạ bì làm da sạm đen gây hiện tượng rám nắng da. Ngoài ra việc tiếp xúc với nắng ở cường độ cao sẽ làm da tạo nếp nhăn, gây tổn thương và dẫn đến ung thư da.
Phần lớn tia UV bị hấp thụ và bức xạ ngược lại bởi tầng ozon- lá chắn của trái đất. Tuy nhiên ngày nay môi trường ngày càng bị ô nhiễm, cùng với hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên từng ngày, tầng ozon bị suy giảm nghiêm trọng.

CK

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nang-nong-keo-dai-chi-so-tia-uv-tang-cao-153226.html