Nắng nóng ở Bắc và Trung Bộ còn kéo dài đến tháng 8/2020

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nắng nóng còn xảy ra ở Bắc Bộ trong tháng 7 và từ tháng 7- 8/2020 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc xoáy trên phạm vi toàn quốc…

Ngày 20/7, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Họp báo thường kỳ quý II/2020, nhằm cung cấp thông tin đến các cơ quan thông tin đại chúng về kết quả công tác nổi bật 6 tháng đầu năm 2020 và Chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Bộ.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, 6 tháng đầu năm, công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân tăng hơn; thu tiền sử dụng đất tính đến 15/6/2020 đã đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm, là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016. Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở địa phương tăng từ 80,03 lên 85,62%...

Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm được chi phí tương đương với khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm. Tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh. Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành để thích ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh.

Bộ TN&MT cũng cho biết, Bộ đã hoàn thành 100% đề án, nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, kịp thời hoàn thiện thể chế, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện đầu tư; đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đề xuất các chính sách về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường…; phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp chủ động trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng…

Để hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng cho biết: Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, điểm nghẽn, những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn để tạo động lực cho phát triển. Đồng thời, tập trung triển khai công tác lập quy hoạch triển khai công tác lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành để trình phê duyệt vào đầu nhiệm kỳ đảm bảo các định hướng lớn, định hình không gian phát triển của đất nước…

Tại buổi họp báo, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định diễn biến khí tượng thủy văn trong 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, từ tháng 7 - 9/2020, bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng hoạt động trên khu vực biển Đông và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Nắng nóng còn xảy ra ở Bắc Bộ trong tháng 7 và từ tháng 7- 8/2020 ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc xoáy trên phạm vi toàn quốc, gió mạnh trên biển do tác động của gió mùa Tây Nam vào thời kỳ từ tháng 7-8/2020 ở vùng biển phía Nam Biển Đông. Tình hình nguồn nước từ tháng 7 - 9/2020 trên các lưu vực sông phổ biến thiếu hụt từ 20 đến 40% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt thiếu hụt tại hạ lưu sông Thao, hạ lưu sông Hồng.

Về lĩnh vực tài nguyên nước, Cục phó Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, thời gian tới Cục sẽ phối hợp với Tổng Cục KTTV, các địa phương và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng trong 9 Quy trình vận hành liên hồ chứ khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là các hồ chứa có vai trò quan trọng cấp nước cho hạ du.

Cùng với việc phối hợp tăng cường dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn mặn, xâm nhập mặn... Cục và các đơn vị liên quan sẽ đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm; nghiên cứu, đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng.../.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/xa-hoi/nang-nong-o-bac-va-trung-bo-con-keo-dai-den-thang-8-2020-559662.html