Nắng nóng sắp diễn ra trên diện rộng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở vào khoảng 20 đến 22 độ vĩ bắc hoạt động yếu; kết hợp với tác động của vùng áp thấp nóng phía tây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía đông nam khiến nhiệt độ toàn miền bắc tăng nhanh.

Sau ba ngày ngập chìm trong nước, hiện tại người dân khối 4B, thị trấn Anh Sơn (Nghệ An) vẫn phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: THÁI HIỀN

Nắng nóng với cường độ nhẹ đã ảnh hưởng một số địa phương khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía bắc. Trong vài ngày tới, tại các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ xảy ra nắng nóng diện rộng.

* Hiện, lũ trên các sông ở tỉnh Thanh Hóa xuống dưới mức báo động 1, dự báo lũ trên các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục xuống. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; ngập lụt ở vùng trũng thấp, nhất là huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. Hiện nay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều. Trong hai đến ba ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm, sau đó lên theo triều.

Đến ngày 25-8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,9 m, dưới báo động 2 là 0,1 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,4 m, dưới báo động 2 là 0,1m. Đến ngày 31-8, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,1 m, trên báo động 2 là 0,1 m; tại Châu Đốc lên mức 3,6 m, trên báo động 2 là 0,1 m. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1, cấp 2.

* Ngày 20-8, công tác khắc phục, xử lý sự cố lưới điện tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 và hoàn lưu bão được tiến hành khẩn trương. Nhiều địa phương cơ bản khắc phục xong sự cố và cấp điện trở lại cho khách hàng. Thống kê sơ bộ, toàn Tổng công ty Điện lực miền bắc ước thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng.

* Tính đến nay, mưa lũ tại Nghệ An đã khiến sáu người chết, 37 nhà bị sập và tốc mái, hơn 2.300 nhà bị ngập, 433 hộ dân phải di dời do bị sạt lở và ngập sâu; chín điểm trường bị ảnh hưởng và ngập nước. Hơn 4.100 ha lúa cùng nhiều diện tích hoa màu khác bị ngập; 16.953 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, chết; 1.089 ha diện tích thủy sản bị ngập. Tổng chiều dài đường giao thông bị sạt lở hơn 22,5 km; 52 cầu tạm bị cuốn trôi. Hiện, ở các địa phương vùng miền núi tỉnh Nghệ An không còn mưa lớn và nước lũ đã rút. Tuy nhiên, nhiều nhà dân và trường học vẫn ngập trong bùn.

* Sáng 20-8, mực nước tại sông Lam dâng cao khiến nhiều diện tích cây trồng của huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị ngập nặng. Hiện, mực nước tại các xã Hưng Nhân, Hưng Lam, Hưng Lĩnh, Hưng Long, Hưng Châu tiếp tục dâng cao. Thống kê sơ bộ, hiện có đến 500 ha lúa và 1.000 ha hoa màu vùng ven đê tả Lam bị ngập toàn bộ.

* Ngày 20-8, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã phối hợp chính quyền xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn tổ chức đoàn công tác đi thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, tặng quà cho tám hộ dân có nhà bị trôi, ngập do lũ. Đoàn đã tặng mỗi gia đình một thùng mì tôm và 300 nghìn đồng. Chiều 20-8, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã cử đoàn công tác có sự tham gia của các y, bác sĩ lên huyện miền núi Kỳ Sơn (huyện bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua) để khám, chữa bệnh, phát thuốc, giúp địa phương và người dân tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, tránh nguy cơ dịch bệnh.

* Cùng ngày, ngành y tế Thanh Hóa đã cử đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường sau mưa lũ tại xã Thiệu Dương và phường Đông Hải (TP Thanh Hóa). Ở các địa phương này, sau khi nước rút đã để lại một lượng bùn, rác thải… gây ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

* Hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu của người Mông tại bản Tả Phình 1, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có nguy cơ bị mất trắng do ngập sâu trong nước lũ nhiều ngày liền. Xã chỉ đạo, khi nước rút, người dân có thể canh tác cây ngắn ngày, rau màu để phục vụ cuộc sống.

* Tại tỉnh Kiên Giang, vào lúc 0 giờ 30 phút sáng 20-8, mưa to kèm theo gió lốc giật mạnh làm sập và tốc mái 34 căn nhà và một nhà kho ở xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, ước thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vĩnh Điều đã cử 23 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả. Huyện hỗ trợ mỗi hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn hai triệu đồng.

* 125 ha tiêu ở tỉnh Phú Yên đang mắc bệnh chết chậm, chết nhanh, còn 100 ha tiêu trong giai đoạn thu hoạch bị tuyến trùng rễ. Hầu hết diện tích tiêu bị bệnh tập trung tại huyện Tây Hòa, vùng trồng tiêu lớn nhất tỉnh. Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh yêu cầu nông dân tuân thủ quy trình quản lý bệnh trên cây đã được khuyến cáo.

Kiểm tra công tác an toàn đập, hồ chứa thủy lợi

Chiều 20-8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng dẫn đầu đi kiểm tra thực tế, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện. Tỉnh kiến nghị Tổng cục Thủy lợi cần sớm hoàn thành bản đồ ngập lụt vùng hạ du trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn để bàn giao cho địa phương vận hành trong thực tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu bổ sung bản đồ về khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có nguy cơ sạt lở cao để tỉnh có phương án bố trí sắp xếp dân cư phù hợp. Cùng ngày, Đoàn công tác đã làm việc với Công ty thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My.

* Ngày 20-8, Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Đoàn công tác đề nghị, thời gian tới tỉnh Kon Tum cần bảo đảm an toàn cho nhóm hồ chứa lớn; rà soát tổng thể khả năng xả lũ. Đối với các công trình vừa và lớn, cần giao cho đơn vị có chuyên môn quản lý; với các công trình nhỏ, cần kiện toàn lại tổ chức thủy lợi cơ sở như hợp tác xã hay tổ hợp tác. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và các tuyến đường giao thông bị hư hỏng do thiên tai; hỗ trợ 10 tỷ đồng sửa chữa ba công trình hồ chứa.

Kiểm tra công tác an toàn đập, hồ chứa thủy lợi

Chiều 20-8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng dẫn đầu đi kiểm tra thực tế, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện. Tỉnh kiến nghị Tổng cục Thủy lợi cần sớm hoàn thành bản đồ ngập lụt vùng hạ du trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn để bàn giao cho địa phương vận hành trong thực tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu bổ sung bản đồ về khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có nguy cơ sạt lở cao để tỉnh có phương án bố trí sắp xếp dân cư phù hợp. Cùng ngày, Đoàn công tác đã làm việc với Công ty thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My.

* Ngày 20-8, Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum về công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Đoàn công tác đề nghị, thời gian tới tỉnh Kon Tum cần bảo đảm an toàn cho nhóm hồ chứa lớn; rà soát tổng thể khả năng xả lũ. Đối với các công trình vừa và lớn, cần giao cho đơn vị có chuyên môn quản lý; với các công trình nhỏ, cần kiện toàn lại tổ chức thủy lợi cơ sở như hợp tác xã hay tổ hợp tác. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và các tuyến đường giao thông bị hư hỏng do thiên tai; hỗ trợ 10 tỷ đồng sửa chữa ba công trình hồ chứa.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37376002-nang-nong-sap-dien-ra-tren-dien-rong.html