Nắng nóng tại Bắc Bộ và Trung Bộ, có nơi hơn 40°C

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa phía đông nam vùng áp thấp nóng phía tây với đới gió tây nam gây hiệu ứng phơn, khu vực tây bắc Bắc Bộ và vùng núi các tỉnh Trung Bộ xuất hiện nắng nóng cục bộ.

Cán bộ nông lâm xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Thanh Tân

Cán bộ nông lâm xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Thanh Tân

Từ hôm nay (18-4), nắng nóng sẽ mở rộng ra các tỉnh Trung Bộ và khu vực phía tây Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37°C, riêng khu vực vùng núi các tỉnh Trung Bộ phổ biến 38-39°C, có nơi hơn 40°C;nắng nóng cục bộ sẽ xảy ra ở các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ với nền nhiệt độ khoảng 34 - 35°C, từ ngày mai (19-4) nắng nóng sẽ xảy ra diện rộng trên khu vực này với nền nhiệt độ phổ biến 34 - 37°C. Thời gian có nhiệt độ hơn 35°C từ 12-16 giờ mỗi ngày.

Đợt nắng nóng diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có thể kéo dài đến ngày 22-4, riêng khu Tây Bắc, vùng núi phía tây của bắc Trung Bộ, các tỉnh trung và nam Trung Bộ nắng nóng có thể kéo dài hơn.

* Hơn 1.000 ha lúa tại tỉnh Yên Bái đã xuất hiện bệnh khô vằn, 542 ha bị bệnh đạo ôn lá và 200 ha bị bệnh rầy nâu. Nhằm giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra, người dân đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Tỉnh cũng khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp phòng trừ kịp thời và tổ chức các lớp tập huấn, thanh tra, kiểm tra các đại lý thuốc bảo vệ thực vật nhằm thắt chặt quản lý các loại thuốc trên thị trường, hướng dẫn sử dụng đúng cách, đúng liều lượng đối với các loại thuốc.

* Bờ biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) bị sóng, gió xâm thực, gây sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, sạt lở nặng nhất là trên địa bàn ấp Tân Phú, chiều dài 1.200 m, nơi có 22 hộ dân sinh sống và địa bàn ấp Cầu Muống dài 1.300 m, có 25 hộ dân sinh sống cùng nhiều công trình tiện ích, sản xuất, giao thông... Để giúp đỡ người dân, tỉnh đã đầu tư 14,5 tỷ đồng để di dời, bố trí chỗ ở ổn định cho 47 hộ dân sống trong những vùng sạt lở nguy hiểm nêu trên.

* TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) đối với hải sản đánh bắt. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã xử phạt 16 trường hợp vi phạm, tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra 570 tàu cá và đã xử phạt hành chính một số phương tiện về các hành vi như không có nhật ký khai thác thủy sản, không ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định...

* Nông dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đang phấn khởi bước vào mùa thu hoạch dưa hấu bởi vừa được mùa, được giá. Nhờ thời tiết thuận lợi, việc thu hoạch dưa hấu sớm hơn nửa tháng. Dưa hấu trái to đều, đẹp, được thương lái đến mua tận ruộng với giá 6.500 - 8.000 đồng/kg. Huyện Bố Trạch trồng gần 1.200 ha dưa hấu, bình quân mỗi ha thu hoạch 25 - 30 tấn quả, trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 40 đến 50 triệu đồng/ha.

* Ngày 17-4, UBND thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi tại xã Đông Lĩnh, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, quản lý chặt chẽ đàn lợn; thực hiện nghiêm công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, giám sát phát hiện, báo cáo, xử lý kịp thời các trường hợp có lợn mắc bệnh phát sinh sau dịch theo đúng quy định.

* Tỉnh Đác Lắc vừa ban hành quyết định mức hỗ trợ tiêu hủy đối với lợn bị mắc bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chủ vật nuôi sẽ được hỗ trợ 35.000 đồng/kg đối với lợn con, lợn thịt; 70.000 đồng/kg đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác; thời gian áp dụng mức hỗ trợ từ ngày 7-3-2019, nguồn kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách theo phân cấp.

* Khoảng 22 giờ ngày 16-4, một trận mưa lớn kèm lốc xoáy xảy ra tại hai xã Ia T’Mốt và Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đác Lắc làm sập và tốc mái hàng chục ngôi nhà dân, trường học.

Theo thống kê chưa đầy đủ của huyện Ea Súp, khoảng 20 ngôi nhà trên địa bàn xã Ia T’Mốt và Ea Lê bị tốc mái hoàn toàn; một người dân bị thương do lốc xoáy là ông Hoàng Văn Cầu, 70 tuổi ở thôn 14, xã Ia T’Mốt đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Ea Súp. Lốc xoáy cũng khiến ba nhà của giáo viên, hai phòng học của Trường tiểu học Trần Quốc Toản, xã Ia T’Mốt bị tốc mái hoàn toàn, nhiều diện tích hoa màu của người dân bị đổ, ngã, gây thiệt hại nặng nề.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39890002-nang-nong-tai-bac-bo-va-trung-bo-co-noi-hon-40%C2%B0c.html