'Năng suất có ý nghĩa sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình'

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu thì việc cải thiện năng suất lao động của quốc gia có ý nghĩa sống còn.

Sáng 7/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá năng suất lao động của Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn còn kém so với số tương đối của các quốc gia trong khu vực.

Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD, bằng 7,3% Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Philippines…

4 nhân tố khiến năng suất lao động Việt Nam thấp

Ông cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Bộ trưởng chỉ ra 4 nhân tố chủ yếu tác động đến năng suất lao động và mong muốn hội nghị đưa ra được các giải pháp nhằm cải thiện.

Một là, quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý. Ví dụ như ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 16% GDP, nhưng lao động trong khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, hơn 42% tổng số lao động toàn xã hội.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Xuân Tiến.

Ngoài ra, những hạn chế về hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng thời gian lao động trong ngành nông nghiệp, bất cập về hạn điền, chuyển nhượng đất, hiệu quả sử dụng đất thấp... cũng trở thành điểm nghẽn đối với việc gia tăng năng suất lao động của khu vực nông nghiệp.

Hai là, các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế. Cụ thể là xếp hạng các chỉ số của Việt Nam so với các nước trên thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp. Ví dụ như năm 2018, năng lực cạnh tranh đứng thứ 77 thế giới, đổi mới sáng tạo đứng thứ 82, trong đó hợp tác đa bên trong đổi mới sáng tạo đứng thứ 92…

Ba là, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.

Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh, không chỉ tạo áp lực về gánh nặng phúc lợi xã hội mà còn đặt ra thách thức đối với lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế trước yêu cầu cao về chất lượng, kiến thức và kỹ năng.

Bốn là, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn thấp. Doanh nghiệp khu vực FDI có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp Nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Học hỏi tăng năng suất như Nhật Bản, Hàn Quốc

Người đứng đầu ngành KH&ĐT nhấn mạnh việc cải thiện năng suất lao động là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng.

“Cải thiện năng suất lao động có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng bài toán tăng nhanh năng suất lao động được đặt ra và cần phải có lời giải một cách toàn diện hơn, gấp rút hơn, hiệu quả hơn.

Về phương pháp cải thiện năng suất lao động, ông Dũng chỉ ra kinh nghiệm của các quốc gia đi trước nhấn mạnh đến phát triển khoa học và công nghệ. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc....

Các nước Đông Á đều đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước.

Bộ trưởng cho rằng cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực.

Ông cũng đánh giá khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế. Nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế.

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nang-suat-co-y-nghia-song-con-de-vuot-qua-bay-thu-nhap-trung-binh-post975548.html