Năng suất lao động: Yêu cầu cấp thiết phải cải thiện

Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) thấp là điều rất đáng tiếc trong bức tranh sáng của tình hình kinh tế - xã hội. Năm 2020, NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đứng 'top cuối' Đông Nam Á, chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong 15 chỉ tiêu kế hoạch thực hiện năm 2022, tốc độ tăng NSLĐ là chỉ tiêu duy nhất không đạt. Điều này cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.

NSLĐ được đo bằng tổng hòa nhiều yếu tố, gồm có yếu tố vĩ mô như quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách…, hay yếu tố vi mô như quy mô, nội lực của DN, khả năng ứng dụng những thành tưụkhoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động, khả năng sử dụng nhân lực của các DN… tác động đến việc tăng NSLĐ.

Nguyên nhân làm cho NSLĐ chưa cao là do những điểm nghẽn về thể chế kinh tế; trình độ và kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp, chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Số lượng DN của chúng ta ít, trên 90% là DN nhỏ, siêu nhỏ. Thiếu những DN lớn dẫn dắt thúc đẩy phát triển. Hiện nay đầu tư của DN Việt Nam cho KHCN thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Ngoài ra còn tồn tại một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về thủ tục hành chính chậm được khắc phục.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với những mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045, trong đó, một trong ba đột phá chiến lược là tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, đẩy nhanh tốc độ tăng NSLĐ để hướng tới phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp. Lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế. Ý nghĩa của tăng NSLĐ đối với tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn khi các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm, khó khăn hơn, nguồn lao động đang bị ảnh hưởng do xu thế già hóa dân số trong tương lai.

Cải thiện NSLĐ có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với các nước trên thế giới. Kinh nghiệm của các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều tập trung đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước. Nâng cao NSLĐ, trước hết, chính DN cần phải tự lực, nâng cao chất lượng quản trị, nhân sự, ứng dụng công nghệ. Cùng với đó mạnh dạn hội nhập, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để có cơ hội bứt phá và từ đó nâng cao NSLĐ.

Về phía cơ quan quản lý cần đẩy mạnh cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, có chính sách phát triển KHCN, tháo gỡ rào cản tài chính đối với DN. Cải cách mạnh mẽ hơn khu vực DN Nhà nước, khơi thông các nguồn lực của xã hội. Ưu tiên các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc, có tính lan tỏa, những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ tốt, thúc đẩy NSLĐ trong nước.

Cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả, qua đó giảm rủi ro và chi phí cho DN. Giải quyết bài toán về tăng NSLĐ cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để tạo chuyển biến đột phá, qua đó triển khai những chính sách hiệu quả, từ tâm huyết của cả DN và Nhà nước, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế Việt Nam.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-suat-lao-dong-yeu-cau-cap-thiet-phai-cai-thien.html