Nâng sức cạnh tranh trong du lịch bằng sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong du lịch là một trong những vấn đề quan trọng trong việc phát triển du lịch và định vị thương hiệu. Những năm gần đây, các địa phương đẩy mạnh bảo hộ SHTT trong du lịch để khai thác tốt lợi thế cạnh tranh và nâng cao vị thế sản phẩm du lịch. Việc đăng ký bảo hộ (SHTT) cho các sản phẩm du lịch, giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch đó trong lòng khách hàng.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ giúp tăng khả năng cạnh tranh cho sân khấu “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ giúp du lịch tạo dựng niềm tin với khách hàng và đưa thương hiệu du lịch vươn tầm quốc gia, quốc tế. Nhiều sản phẩm du lịch nổi tiếng đã tạo dựng được thành công nhờ chính tên tuổi thương hiệu của mình.

Tạo dựng niềm tin cho khách hàng

Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước và hội nhập khu vực, quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng như lâu nay, SHTT đã trở thành một vấn đề quan trọng, đặt ra nhiều yêu cầu cần phải được nhìn nhận và bảo hộ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa nhận thức chính xác và đầy đủ về SHTT cũng như các vấn đề liên quan. Tình trạng vi phạm các quyền SHTT tràn lan, phổ biến, phức tạp và khó kiểm soát, chủ yếu tập trung nhiều vào các nội dung tên thương hiệu, tên sản phẩm du lịch,… Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là ý thức tôn trọng quyền SHTT của người dân còn kém, một số trường hợp do chưa có cơ hội tiếp cận các quy định pháp luật liên quan nên không nhận thức được về hành vi trái pháp luật của mình.

Theo doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group - doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang, thời gian qua, nhiều trải nghiệm du lịch sáng tạo từ chất liệu văn hóa đã được đón nhận, như: Tinh hoa Bắc Bộ, giải mã Hoàng thành Thăng Long, đêm linh thiêng Hỏa Lò… Việc phát triển du lịch sáng tạo tại Hà Nội đã góp phần làm đa dạng và nâng cao chất lượng cho hệ thống sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh, bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch. Tuy nhiên, đã có tranh chấp sáng tạo liên quan đến bản quyền vở sân khấu thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” với “Tinh hoa Bắc Bộ”; nhiều doanh nghiệp du lịch Hà Nội có tên gần giống nhau gây nhầm lẫn, như: Hanoitourist, Hanoitourism… Không ít sản phẩm du lịch bị sao chép trắng trợn, nhiều sản phẩm xuất xứ vẫn bị mất thương hiệu.

Tại các làng nghề du lịch, đăng ký bảo hộ SHTT cũng được quan tâm trong nhiều năm gần đây. Thực tế tại các làng nghề cho thấy, việc được bảo hộ nhãn hiệu đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất; đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm của địa phương, tăng thu ngân sách địa phương góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn có nhiều vụ việc liên quan đến SHTT diễn ra. Chẳng hạn tình trạng 2 đơn vị du lịch cùng làm về sản phẩm làng nghề truyền thống nhưng sử dụng cùng một tên thương hiệu, gây hiểu lầm cho khách du lịch là điều không hiếm thấy. Nhiều vụ việc vi phạm SHTT trong du lịch dẫn đến các vụ kiện kéo dài ròng rã nhiều năm.

Đối với người sản xuất, việc bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương sẽ giúp người sản xuất sản phẩm có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường; giúp nhà sản xuất duy trì được lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng; tăng doanh số và lợi nhuận; giúp nhà sản xuất đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thuận lợi, mở rộng thị trường xuất khẩu và giúp nhà sản xuất chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (đối với các hành vi chỉ dẫn sai lệch nguồn gốc của sản phẩm). Chẳng hạn, vải lụa Hà Đông là một trong những sản phẩm nổi tiếng trên thị trường và thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Tuy nhiên, không ít lần khách du lịch than phiền vì sự giống nhau của các thương hiệu sản phẩm lụa. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh.

RecSports Việt Nam là một DN hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch thể thao và giáo dục thể chất. Các sản phẩm dịch vụ công ty cung cấp mang tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, vừa rồi một số đơn vị đã nhái tên thương hiệu và coppy dịch vụ, khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ, doanh thu bị sụt giảm và tổn hại uy tín hình ảnh công ty xây dựng lâu năm.

Một sản phẩm du lịch hay một điểm đến du lịch muốn phát triển không chỉ cần thị trường biết đến, mà quan trọng hơn là cần giữ chân du khách bằng sự tín nhiệm. Sự tín nhiệm đó chỉ có thể được duy trì nhờ vào hệ thống tiêu chí chất lượng và kiểm soát chất lượng của mỗi loại tài sản trí tuệ. Khai thác tài sản trí tuệ trong du lịch là hướng phát triển bền vững, giúp các địa phương khác vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa, đồng thời có thể mang lại lợi ích kinh tế cho chính địa phương đó.

Bảo hộ thương hiệu sản phẩm du lịch

Nhờ khẳng định tên tuổi thương hiệu, sản phẩm du lịch tạo dựng được niềm tin với khách hàng, trở thành điểm nhấn và dễ dàng vươn lên trên thị trường. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, việc bảo vệ nhãn hiệu hết sức cần thiết đặc biệt đối với các doanh, cá nhân có mối quan hệ thương mại quốc tế hoặc có sự cạnh tranh cao trên thị trường. Việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm du lịch giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch đó trong lòng khách hàng. Mặt khác, việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giúp DN, nhà sản xuất mở rộng quy mô sản phẩm, dịch vụ, sức cạnh tranh cao góp phần quảng bá du lịch địa phương, quốc gia.

Khách hàng nhầm lẫn vì đến sai địa chỉ thương hiệu chính gốc. (Ảnh: Thu Hằng)

Bên cạnh đó, việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm du lịch sẽ là một công cụ đắc lực, trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của khách du lịch với một điểm đến du lịch hoặc một sản phẩm du lịch.

Để phát huy hiệu quả giá trị của tài sản trí tuệ trong phát triển ngành Du lịch, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) Nguyễn Văn Bảy cho rằng, các địa phương cần phải lựa chọn ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ có tính liên kết với cộng đồng địa phương và khả năng tham gia vào chuỗi du lịch; nên xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch. Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý nếu được sử dụng một cách chiến lược sẽ là công cụ SHTT hữu hiệu để thực hiện việc tiếp thị tập thể, quảng bá sản phẩm và dịch vụ của địa phương.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, quản lý và khai thác tốt các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Coi trọng uy tín chất lượng của sản phẩm, dịch vụ nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Và cũng cần có chính sách quản lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo hộ quyền SHTT không chỉ trong nước mà còn sớm bảo hộ ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp du lịch, đơn vị hay cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch cần hiểu rõ và coi SHTT, nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý hàng hóa là tài sản. Cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn, ấn phẩm, dữ liệu về SHTT trong du lịch Thủ đô, là cơ sở để doanh nghiệp du lịch và nhà cung cấp dịch vụ du lịch hiểu đúng về vai trò về SHTT và thực hành nó trong hoạt động du lịch.

Về cơ chế chính sách liên quan đến SHTT trong lĩnh vực du lịch cần cụ thể và chi tiết hóa thể chế, chính sách tác động đến khai thác SHTT để phát triển du lịch. Cụ thể các chính sách thừa nhận giá trị SHTT trong du lịch, chuyển nhượng quyền sử dụng SHTT, giải quyết các tranh chấp. Xây dựng hệ thống tiêu chí, xác định giá trị thương hiệu du lịch, nhãn hiệu du lịch giúp khách hàng nhận diện uy tín của doanh nghiệp và tạo động lực cho doanh nghiệp khai thác SHTT mở rộng kinh doanh. Xây dựng các quy định, quy chế về công bố, công khai SHTT trong du lịch.

Thái Ngân

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-suc-canh-tranh-trong-du-lich-bang-so-huu-tri-tue-post473346.html