Nâng tầm cho cán bộ ngành quân sự cơ sở

Được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, những năm gần đây, Trường Quân sự Quân khu 9 tiếp nhận từ Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Trần Quốc Tuấn) thực hiện nhiệm vụ đào tạo liên thông từ hệ trung cấp lên cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở.

Qua 5 khóa đào tạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 9 đều đánh giá cao học viên về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực; hoàn thành nhiệm vụ, chức trách theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Hào hứng, sôi nổi là không khí của học viên lớp đại học ngành quân sự cơ sở khóa 5 thực hành nội dung “Hành động của trung đội bộ binh đánh địch tiến công trước tiền duyên” trên thao trường Tiểu đoàn 3, Trường Quân sự Quân khu 9 mà chúng tôi được chứng kiến. Là người lên lớp nội dung, Trung tá Nguyễn Đức Thanh, giáo viên kỹ thuật chiến đấu bộ binh, Khoa Binh chủng hợp thành, Trường Quân sự Quân khu 9 luôn theo dõi, lắng nghe cách bố trí lực lượng, phân tích địa hình, địa vật, tình hình địch, ta… để cùng học viên tìm ra “cách đánh” hiệu quả trong mỗi tình huống đưa ra. Trong khi lên lớp, anh Thanh còn dẫn chứng về một số chiến lệ của quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long nên lớp học càng thêm hào hứng. “Đây là một trong những nội dung giảng dạy theo phương pháp dạy học tích cực mà chúng tôi áp dụng cho học viên lớp đại học ngành quân sự cơ sở, vừa lôi cuốn, lại giúp học viên dễ nhớ, dễ hiểu. Dù trên giảng đường, hay ngoài thao trường, phương pháp dạy học tích cực phải đảm bảo được các yếu tố như: Nhân cách sư phạm, kiểu mẫu về bài giảng, kiểu mẫu về thực hành”, Trung tá Nguyễn Đức Thanh nói.

 Học viên lớp đại học ngành quân sự cơ sở, Trường Quân sự Quân khu 9 huấn luyện điều lệnh đội ngũ.

Học viên lớp đại học ngành quân sự cơ sở, Trường Quân sự Quân khu 9 huấn luyện điều lệnh đội ngũ.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Hai, Hiệu trường Trường Quân sự Quân khu 9, khi thực hiện nhiệm vụ đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở cũng gặp không ít khó khăn do đây là nhiệm vụ mới; kinh nghiệm, kiến thức ngành quân sự cơ sở của cán bộ, giảng viên chưa nhiều; nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu chưa hoàn thiện; kinh phí, cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập dành riêng cho đối tường này còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, cùng với đổi mới phương thức đào tạo, thời gian qua, Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó khâu then chốt, mang tính đột phá là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học. Song song đó, Nhà trường lựa chọn, phân công cán bộ, giảng viên nắm vững kiến thức về công tác quốc phòng, quân sự địa phương tham gia xây dựng chương trình đào tạo; biên soạn giáo trình sát thực tế, địa bàn. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là những khoa, đơn vị trực tiếp giảng dạy, quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên. Qua các khóa đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở, 100% học viên tốt nghiệp ra trường; tỷ lệ khá, giỏi đạt trên 92%.

Trường Quân sự Quân khu 9 còn giáo dục, rèn luyện học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong học tập, duy trì thực hiện chế độ nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật. Công tác xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật được thực hiện bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, sau đó đến học viên. Để tạo môi trường thuận lợi và khơi dậy ý thức trách nhiệm của học viên, Nhà trường còn thực hiện tốt việc phát huy dân chủ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; thường xuyên giữ mối liên hệ với địa phương nhằm trao đổi về kết quả học tập, rèn luyện, nắm được hoàn cảnh của từng học viên để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.

Học viên Nguyễn Văn Sang, lớp Đại học ngành quân sự cơ sở khóa 5, Đại đội 31, Tiểu đoàn 3, chia sẻ: “Tuy học xa gia đình nhưng chúng tôi luôn tự giác học tập, rèn luyện, chấp hành nghiêm quy định của Nhà trường, kỷ luật Quân đội và pháp luật Nhà nước. Điều kiện học tập, nơi ăn, ở, sinh hoạt ở đây rất thoải mái, cán bộ, học viên xem nhau như anh em một nhà, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ nhau. Tôi sẽ cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, sau này phục vụ tốt hơn trên cương vị công tác của mình”.

Đối tượng đào tạo ngành quân sự cơ sở hiện nay đang giữ chức vụ, như: Phó chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, phường, thị trấn. Với phương châm: “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”, trong quá trình lên lớp, Nhà trường còn tăng cường các nội dung thực hành ngoài thao trường, sát với thực tế về quân sự, quốc phòng ở cơ sở. Ngoài các nội dung, chương trình theo quy định, Nhà trường còn phối hợp với các địa phương tổ chức cho học viên tham quan diễn tập chiến đấu trị an cấp xã; tăng cường huấn luyện đêm, thực hành các nội dung như: “Trung đội dân quân bảo vệ mục tiêu”, “Nhiệm vụ của Trung đội dân quân trong phòng, chống bạo loạn”, “Trung đội dân quân chiên đấu bảo vệ làng”… để rút kinh nghiệm.

Thiếu tá Nguyễn Văn Liêm, giáo viên Khoa Quân sự địa phương, Trường Quân sự Quân khu 9, cho biết: “Trong giảng dạy học viên lớp cao đẳng và đại học ngành quân sự cơ sở, chúng tôi thường giới thiệu những cách làm hay trong huấn luyện, xây dựng lực lượng dân quân. Để phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, trong thảo luận, chúng tôi động viên, khuyến khích học viên có thời gian tham gia lực lượng dân quân phát biểu, trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ để những học viên khác học tập”.

Với sự chủ động, quyết tâm của cán bộ, giáo viên, học viên, chất lượng giáo dục, đào tạo của Trường Quân sự Quân khu 9 những năm qua luôn đạt kết quả tốt. Từ đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nang-tam-cho-can-bo-nganh-quan-su-co-so-613172