Nâng tầm cho sản phẩm làng nghề Thủ đô vươn xa

Hà Nội là đất trăm nghề với bao tinh hoa hội tụ. Các làng nghề Thủ đô đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Nhưng qua năm tháng, nhiều làng nghề dần mai một, nhiều sản phẩm thủ công không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Trước thực tế này, thành phố đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ để không chỉ giữ được 'sức sống' mà còn phát triển, nâng tầm để sản phẩm làng nghề bay cao, bay xa.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Năm thứ 11 tổ chức, Hội chợ Quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Giftshow) vẫn thu hút hơn 10.000 khách tham quan, giao dịch theo cả hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, hầu hết là các nhà nhập khẩu nước ngoài, đến tìm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tiêu biểu và đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu. Giám đốc Công ty TNHH An Đô (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) Vũ Thị Cẩm Tú chia sẻ: “Những bộ bát đĩa, bình hoa… của gốm Bát Tràng rất được khách hàng châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… yêu thích. Thông qua những cuộc hội chợ như thế này, cơ sở sản xuất tại làng nghề như chúng tôi được tiếp cận các nhà nhập khẩu quốc tế, quảng bá sản phẩm và tiến tới thực hiện các đơn hàng xuất khẩu giá trị cao”.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, qua 11 năm tổ chức, Hanoi Giftshow đã khẳng định vai trò là Hội chợ chuyên ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu uy tín của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thu hút hơn 5.000 gian hàng của hơn 2.250 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đến từ các tỉnh thành phố và hơn 30 quốc gia có các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu tham gia. Bên cạnh đó, các kỳ Hội chợ đã ghi nhận hơn 115.000 lượt khách tham quan, giao dịch mua sắm. Trong đó có hơn 7.000 lượt nhà nhập khẩu, khách thương mại quốc tế tham gia các hoạt động kết nối giao thương, hàng nghìn hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn đã được giao dịch ký kết, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ từ 6-8%/ năm.

Ban giám khảo chấm điểm các sản phẩm tham gia cuộc thi thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023.

Chỉ qua một hội chợ nhưng những con số “biết nói” trên cũng cho thấy, các sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội vẫn đang có sức hút mạnh mẽ với người tiêu dùng dù đã trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển. Bằng bàn tay tài hoa của người thợ, hơn 400 năm qua, những nan tre, sợi mây đã nuôi dưỡng biết bao người con của làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Hiện nay, ở Phú Vinh vẫn có tới khoảng 98% hộ dân theo nghề truyền thống của cha ông. Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, từ những món đồ trang trí, thời trang như túi xách, đèn… cho tới những đồ nội thất như bàn ghế, tủ… Sản phẩm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã đi tới tận những thị trường xa xôi và chinh phục những người tiêu dùng “kỹ tính” như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… Bình quân, mỗi năm làng nghề Phú Vinh sản xuất đạt lợi nhuận từ 100 đến 200 tỷ đồng.

Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng có tuổi đời tới hơn 1.000 năm và đến nay vẫn đang ngày càng phát triển, mở rộng và nức tiếng gần xa. Nhờ tâm huyết giữ nghề, chịu khó đổi mới mẫu mã, thiết kế cho phù hợp mà vẫn giữ nét đặc trưng của gốm Bát Tràng, đời sống người dân nơi đây đã trở nên giàu có nhờ những sản phẩm gốm sứ. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất ở đây thu về gần 30 triệu USD chỉ từ hàng xuất khẩu, chưa tính tới lượng tiêu thụ trong nước. Đáng nói, trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí, chất thải độc hại... Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, hơn 90% cơ sở sản xuất đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại sử dụng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh.

Các nghệ nhân giới thiệu sản phẩm làng nghề Thủ đô Hà Nội tới lãnh đạo Sở Công Thương Lào.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện trên địa bàn thành phố, tập trung hơn 1.350 làng nghề với khoảng 176.000 hộ làm nghề, là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất và chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề Hà Nội ước đạt bình quân hơn 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị xuất khẩu.

Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương và tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

Giữ cho làng nghề sống mãi

Tuy nhiên, đứng trước sự đổi thay của cuộc sống, nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội cũng khó tránh được sự mai một hoặc gặp nhiều khó khăn trong duy trì, phát triển. Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa cho biết, các làng nghề Hà Nội vẫn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức như vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung; công nghệ chưa có nhiều cải tiến; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định trong khi yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe…

Đơn cử, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) Phạm Khắc Hà cho biết, làng nghề Vạn Phúc hiện đang gặp khó khăn trong phát triển. Năm 2001, cả làng có gần 500 máy dệt thì hiện tại chỉ còn gần 200 máy đang hoạt động. Số nghệ nhân của làng liên tục giảm qua các năm. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu không ổn định do các vùng trồng dâu nuôi tằm thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào cao. Lợi nhuận từ nghề truyền thống bị giảm nên lớp trẻ không mấy mặn mà kế cận.

Để khắc phục những khó khăn này, đồng thời, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các làng nghề vừa gìn giữ vừa phát triển, thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, từ đào tạo nghề, phát triển thị trường cho tới đổi mới mẫu mã sản phẩm, công nghệ sản xuất. Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong hơn 10 năm qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức gần 1.000 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho hơn 38.000 lao động nông thôn với các nghề như may mặc, cơ khí, mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ... Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề này, hơn 80% số lao động đã có việc làm. Hàng trăm lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất bằng nguồn kinh phí khuyến công. Chương trình góp phần nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội thu hút sự quan tâm của khách nước ngoài

Đặc biệt, để hỗ trợ các làng nghề tìm kiếm thị trường, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tổ chức hoặc hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, chất lượng của các mặt hàng, ngành hàng ngày càng được nâng cao, nhiều sản phẩm mới có tính sáng tạo được trưng bày thu hút nhiều nhà nhập khẩu, khách quốc tế, nhiều giao dịch và thỏa thuận hợp tác giao thương của các doanh nghiệp với sở sản xuất với các nhà nhập khẩu, khách thương mại trong nước và quốc tế được kết nối và ký kết.

Một trong những điểm còn hạn chế của các sản phẩm làng nghề Hà Nội chính là ở khâu mẫu mã thiết kế. Để khắc phục điều này, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ 69 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thiết kế 276 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới đưa ra thị trường. Đồng thời, tổ chức 4 kỳ bình chọn và công nhận 180 sản phẩm/bộ sản phẩm là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố Hà Nội; 10 cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ cấp Thành phố thu hút sự tham gia của hơn 1.000 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân tham gia dự thi với tổng số gần 2.600 sản phẩm/bộ sản phẩm…

Sản phẩm nón lá truyền thống của làng nghề Hà Nội được quảng bá tại nhiều Hội chợ, triển lãm.

Mới đây nhất, thành phố đã công nhận và trao giải cho 90 sản phẩm đạt giải Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023. Các sản phẩm đoạt giải đã được các nghệ nhân, thợ giỏi kết hợp sáng tạo từ nhiều loại nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thiết kế, chế tác đã tạo ra những mẫu sản phẩm, tác phẩm vừa mang "hơi thở" hiện đại vừa có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, vừa bảo đảm tính ứng dụng.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến (làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: “Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thành phố đã mang lại những giá trị, động viên những người thợ làng nghề tích cực tìm tòi, sáng tạo, đóng góp những mẫu thiết kế mới, vừa nâng tầm giá trị nghệ thuật, vừa cải tiến sản phẩm làng nghề phục vụ xuất khẩu. Các nghệ nhân, người thợ làng nghề cũng mong thành phố, nhà nước có thêm sự đãi ngộ, hỗ trợ để người làm nghề thêm gắn bó, gìn giữ, phát triển nghề. Bởi thực tế, nghề thủ công rất dễ bị mai một mà có những nghề nếu mất đi sẽ rất khó khôi phục lại”.

Có thể thấy, các làng nghề của Hà Nội đã và đang phát huy những giá trị truyền thống to lớn, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của Thăng Long-Hà Nội. Do đó, cần có sự bắt tay, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nước, chính quyền địa phương với những người làm nghề để tiếp tục phát triển, gìn giữ làng nghề, thúc đẩy gia tăng tỷ trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động ngoại thành, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-tam-cho-san-pham-lang-nghe-thu-do-vuon-xa-746396