Nâng tầm chủ nghĩa đa phương

Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) vừa được tổ chức tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những thành công tốt đẹp. Đây là hội nghị Bộ trưởng ASEAN đầu tiên trong năm 2020, khởi đầu Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam với chủ đề 'Gắn kết và chủ động thích ứng'.

Sự đoàn kết, nhất trí vì lợi ích chung trong ASEAN sẽ tạo ra sự gắn kết, thu hút sự ủng hộ của người dân trong Cộng đồng ASEAN. Ảnh: VNA

Sự đoàn kết, nhất trí vì lợi ích chung trong ASEAN sẽ tạo ra sự gắn kết, thu hút sự ủng hộ của người dân trong Cộng đồng ASEAN. Ảnh: VNA

Đề xuất và sáng kiến của Việt Nam được đánh giá cao

Tại hội nghị, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề liên quan đến các ưu tiên của ASEAN cho năm 2020, xây dựng cộng đồng ASEAN, thúc đẩy đối ngoại ASEAN. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước còn trao đổi về tình hình khu vực và thế giới, định hướng cho ASEAN đối phó với các thách thức và cơ hội tại khu vực và thế giới; đồng thời củng cố đoàn kết vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Trên tinh thần đó, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa khu vực mở và chủ nghĩa đa phương.

Đối với chủ đề chính và các sáng kiến của Việt Nam cho ASEAN 2020, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình và cho rằng phù hợp với mục đích trọng tâm của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như có sự học hỏi, tiếp nhận những nỗ lực của các Chủ tịch ASEAN trước. Theo đó, trong năm 2020, ASEAN sẽ tiếp tục củng cố sự thống nhất, đoàn kết, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, tôn vinh hình ảnh Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh bảo vệ môi trường, an ninh, hòa bình và bình đẳng giới. Bộ trưởng các nước cũng thống nhất với chương trình hoạt động của ASEAN 2020 do Việt Nam đề xuất. Cụ thể, ASEAN sẽ đánh giá giữa kỳ tiến trình xây dựng Cộng đồng và phương hướng phát triển ASEAN sau năm 2025, các hoạt động nhằm phát triển tiểu vùng Mê Kông, nâng cao quyền của phụ nữ...

Về vấn đề Biển Đông, các đại biểu đánh giá cao một số tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); đồng thời tái khẳng định, các nước cần thúc đẩy lòng tin, kiềm chế không để xảy ra các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; coi trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là cơ sở trong các vấn đề tranh chấp. Bộ trưởng các nước còn khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng, thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được COC một cách hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong tuyên bố báo chí được đưa ra sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí triển khai kết quả thảo luận của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 và 35, trong đó bao gồm việc tăng cường các quan hệ đối tác hiện có và thăm dò khả năng thiết lập các quan hệ đối tác mới nhằm nhằm chia sẻ về tầm nhìn của khu vực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; xem xét tổ chức thêm hoạt động của ASEAN tại trụ sở mới của Ban Thư ký ASEAN nhằm tối ưu hóa công năng tòa nhà; và nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó của Cộng đồng ASEAN trước các thách thức hiện tại và trong tương lai như các thảm họa thiên nhiên thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, sự ủng hộ của các nước cho thấy sự đoàn kết, nhất trí trong ASEAN. Đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, tích cực hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Đoàn kết, nhất trí vì lợi ích chung trong ASEAN

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020, hiện nay, các tiến trình đa phương đang gặp phải nhiều thách thức, khó khăn. Vì vậy, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực duy trì và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và các hệ thống thương mại đa phương của khu vực. Với bối cảnh đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam lựa chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” để hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN kết nối, thích ứng hiệu quả trước những thách thức, nâng tầm các giá trị đa phương.

Toàn cảnh Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat). Ảnh: TTXVN

Cùng với chủ đề chung, Việt Nam đề xuất các ưu tiên trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội. Cụ thể, Việt Nam đề xuất thúc đẩy các lập trường chung để ASEAN cùng ứng phó trước các vấn đề, sự kiện trong khu vực và thế giới; đẩy mạnh thương mại, liên kết kinh tế, tăng cường nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao hình ảnh nhận diện của ASEAN thông qua việc sử dụng cờ ASEAN, tạo lập đường đi riêng của công dân ASEAN ở các cửa khẩu của các nước thành viên ASEAN, tận dụng trụ sở mới của ASEAN tại Thủ đô Jakarta, Indonesia...

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, sự đoàn kết, nhất trí vì lợi ích chung trong ASEAN sẽ tạo ra sự gắn kết, thu hút sự ủng hộ của người dân trong Cộng đồng ASEAN và các đối tác bên ngoài. Trong năm nay, các nước ASEAN sẽ tiến hành đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các Kế hoạch tổng thể của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Vì vậy, để hướng tới những mục tiêu của ASEAN 2025, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, ASEAN cần tạo ra nhiều giá trị chung hơn nữa. Đặc biệt, nhằm kêu gọi các nước trong Cộng đồng ASEAN xây đắp giá trị, lợi ích chung, Việt Nam đã đưa ra khẩu hiệu “Tư duy cộng đồng, hành động cộng đồng”.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, trong năm 2020, với vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, sự tham gia chủ động, tích cực của Việt Nam trong ASEAN đã và đang góp phần nâng cao hình ảnh, vai trò, vị thế của ASEAN trên trường quốc tế, tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nang-tam-chu-nghia-da-phuong/