Nâng tầm nông thôn mới ở Cầu Kè từ 'đòn bẩy' kinh tế hợp tác

Huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. Và việc tái cơ cấu nông nghiệp với vai trò quan trọng của các HTX, tổ hợp tác chính là 'đòn bẩy' góp phần giúp cho vùng quê này đạt được mục tiêu đó.

Ở xã Thông Hòa (huyện Cầu Kè) đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,16%, thu nhập bình quân đầu người lên 62,1 triệu đồng/người/năm. Hồi năm 2022 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, còn cách đây 5 năm xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới.

Nhìn từ điểm sáng Thông Hòa

Đạt được những thành quả đáng ghi nhận như vậy là nhờ xã Thông Hòa đã phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp, kinh tế hợp tác, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chủ động xây dựng nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

HTX Nông nghiệp Thông Hòa tạo ra mạng lưới kết nối nông sản trong địa phương và các vùng lân cận.

Trong đó phải kể đến mô hình của HTX Nông nghiệp Thông Hòa - chuyên sản xuất và kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp. HTX được thành lập từ năm 2014 và nhanh chóng tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống cho 50 thành viên ở xã Thông Hòa.

Ông Trần Văn Hùng, một nhà vườn ngụ tại Thông Hòa và là thành viên HTX, chia sẻ rằng trước đây, khi vườn cam đến gần mùa bán, ông thường lo lắng về giá cả và gặp khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, kể từ khi ông tham gia HTX và tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP, cam của ông đã được bán với giá cao hơn.

Đồng thời, ông Hùng cũng nhận được hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phân bón hữu cơ với giá 10 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, ông không chỉ có thị trường ổn định mà còn cải thiện được tình hình kinh tế gia đình. Đáng chú ý, ông không còn phải lo lắng và mất ngủ như trước đây.

Mỗi năm, HTX Nông nghiệp Thông Hòa cung cấp đến 15 nghìn tấn trái cây sạch cho thị trường trong nước và quốc tế. Ông Trần Thanh Phương, Giám đốc HTX, cho biết địa phương có thế mạnh về cây ăn trái. Tuy nhiên, bà con nông dân đã trải qua khó khăn với tình trạng không ổn định về giá cả và đầu ra. Điều này đã thúc đẩy HTX nỗ lực để xây dựng và phát triển lớn mạnh như hiện nay.

Theo ông Phương, HTX đã và đang tạo ra mạng lưới kết nối nông sản trong địa phương và các vùng lân cận, nhằm tiếp cận thị trường miền Bắc và nước ngoài. Hiện tại, thế mạnh của HTX tập trung vào các loại trái cây như cam, bưởi, dừa, mít, sầu riêng…

Châu Điền phát triển các tổ hợp tác

Còn ở xã Châu Điền (huyện Cầu Kè), cách đây 4 tháng đã ra mắt Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn tại ấp Châu Hưng. Việc thành lập tổ hợp tác này được cho là đáp ứng đúng nguyện vọng của nhiều người dân nơi đây. Bởi vì thời gian trước đó, việc phát triển chăn nuôi của các hộ dân ở ấp Châu Hưng vẫn còn tự phát, với quy mô nhỏ lẻ, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng đến môi trường, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Tổ hợp tác nuôi lươn đang tạo ra mối liên kết các hộ nông dân nuôi lươn trong xã Châu Điền với nhau.

Tổ hợp tác nuôi lươn đang tạo ra mối liên kết các hộ nông dân nuôi lươn trong xã Châu Điền với nhau.

Trước thực trạng đó, Hội Làm vườn huyện Cầu Kè kết hợp với Hội Cựu chiến binh huyện và chính quyền địa phương thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn ở xã Châu Điền. Đây là hướng đi mới, tất yếu theo nhu cầu thị trường nhằm tăng thu nhập cho nông dân ở địa phương.

Tổ hợp tác hiện có 7 thành viên do ông Dương Minh Đức, Chi Hội trưởng Cựu chiến binh ấp làm tổ trưởng. Tổ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi; tự chủ tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các thành viên.

Tổ hợp tác nuôi lươn này được đánh giá là đang tạo ra mối liên kết các hộ nông dân nuôi lươn trong xã Châu Điền với nhau, hỗ trợ nhau các kiến thức về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ hoạt động hiệu quả của tổ hợp tác đang giúp đời sống của nông dân nuôi lươn ở đây ngày càng nâng lên.

Theo Hội Làm vườn huyện Cầu Kè, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp vận động thành lập và đưa vào hoạt động được 6 tổ hợp tác, qua đó giúp nâng tổng số tổ hợp tác ở huyện đến nay do hội này vận động thành lập lên 142 tổ, chuyên sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, với gần 2.140 thành viên tham gia.

Còn với xã Châu Điền, với đặc thù là xã thuần nông và có trên 82,5% dân số là đồng bào Khmer, việc phát triển các tổ hợp tác như vậy là rất thiết thực, vừa giúp tạo sinh kế, nâng thu nhập cho bà con Khmer vừa góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thời gian qua, xã Châu Điền cũng luôn quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho nông dân, bà con Khmer thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất (đất lúa sang trồng màu, cây ăn trái…), liên kết trong sản xuất lúa với doanh nghiệp.

Đến nay, riêng Hội Nông dân xã Châu Điền đã xây dựng được 2 tổ trồng màu (ấp Ô Tưng A, Châu Hưng) có 26 thành viên, với 3,5ha, thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm; 84 hộ/130ha tham gia với Công ty Lộc Trời thực hiện liên kết sản xuất lúa (vụ Đông - Xuân) và dự kiến diện tích trong vụ Hè - Thu tăng lên 300ha.

Vào tháng 5/2023, UBND tỉnh Trà Vinh đã có quyết định công nhận xã Châu Điền đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Còn cách đó 4 năm, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở xã chỉ còn chiếm 2,34%. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 64,47 triệu đồng/năm.

Cùng HTX góp phần tái cơ cấu nông nghiệp

Cùng với hai xã nêu trên với “đòn bẩy” từ kinh tế hợp tác, hiện nay huyện Cầu Kè đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu đạt huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2023 sau khi đã được công nhận là huyện nông thôn mới từ cách đây 4 năm. Điểm ghi nhận là từ cuối năm 2022 toàn huyện đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Thạnh Phú, Ninh Thới, Thông Hòa, Tam Ngãi, An Phú Tân, Phong Phú, Hòa Tân, Châu Điền) và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu (An Phú Tân).

Huyện Cầu Kè đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Huyện Cầu Kè đang quyết tâm theo đuổi mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Để đạt mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao, nhiệm vụ trọng tâm của huyện Cầu Kè là tái cơ cấu nông nghiệp với vai trò quan trọng của các HTX và tổ hợp tác nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, khuyến khích mô hình trang trại, ứng dụng công nghệ sinh học, chú trọng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao.

Thời gian qua huyện Cầu Kè đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái (281,85ha); cải tạo vườn tạp sang trồng chuyên cây ăn trái (58,7ha), nâng tổng diện tích trồng cây ăn trái hiện có hơn 7.861ha. Huyện cũng chú trọng chuyển đổi theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch trên một số cây trồng chủ lực của huyện như cam sành, bưởi da xanh, xoài, dừa sáp…tạo sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vào thời gian tới, huyện Cầu Kè luôn ưu tiên các nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo kết hợp xây dựng nông thôn mới. Đến nay, diện mạo nông thôn huyện ngày càng thay da, đổi thịt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững. Thu nhập bình quân đạt 65,68 triệu đồng/người/năm. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm mạnh, chỉ còn 0,94%.

Đặc biệt, trong hoạt động kinh tế hợp tác, tính chung đến tháng 8/2023, huyện Cầu Kè có tổng số 14 HTX nông nghiệp và 261 tổ hợp tác (với gần 3.590 thành viên tham gia).

Huyện Cầu Kè không ngừng nâng chất tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả và khuyến khích thành lập mới các tổ hợp tác, HTX, cũng như mạnh dạn giải thể các tổ hợp tác, HTX hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.

Thanh Loan

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 -2025

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nang-tam-nong-thon-moi-o-cau-ke-tu-don-bay-kinh-te-hop-tac-1095090.html