Nâng tầm sản phẩm OCOP

Là huyện có nhiều lợi thế về phát triển sản phẩm OCOP, huyện Thanh Sơn đã có sự quan tâm, chỉ đạo để các chủ thể đầu tư, xây dựng sản phẩm, góp phần mở rộng địa bàn sản xuất nguyên liệu, nâng cao giá trị thành phẩm. Cùng với xây dựng các sản phẩm mới, huyện khuyến khích các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận tiếp tục đầu tư để thăng hạng sản phẩm.

Vùng chè nguyên liệu của HTX chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn được chăm sóc, thu hoạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đáp ứng điều kiện sản xuất sản phẩm hạng OCOP bốn sao.

Ông Hà Thế Anh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: Năm 2023, huyện Thanh Sơn dự kiến xây dựng sáu sản phẩm OCOP. Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, nhận thức của các chủ thể về vai trò OCOP được nâng cao nên huyện đã chính thức đánh giá được 11 sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó sáu sản phẩm được công nhận đạt hạng bốn sao, đủ tiêu chuẩn để mở rộng thị trường ra toàn quốc.

Tính đến nay, huyện Thanh Sơn đã có 28 sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt hạng ba sao, 18 sản phẩm đạt hạng bốn sao. Với số lượng sản phẩm OCOP bốn sao như trên đã khẳng định hướng đi đúng trong lộ trình phát triển sản phẩm OCOP của huyện. Để nâng tầm giá trị cho sản phẩm OCOP, huyện Thanh Sơn luôn xác định nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội với thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia. Đồng thời tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm và duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, huyện khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại như: Diễn đàn kết nối cung cầu; thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản. Thông qua đó, góp phần kết nối cung cầu giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các trung tâm thương mại, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... Những hoạt động trên đã góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện, hỗ trợ xây dựng hệ thống quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trong huyện và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại ngoài huyện, nâng cao năng lực bộ máy quản lý điều hành, thực hiện OCOP.

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ; ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung nguồn lực thực hiện, tạo động lực khuyến khích các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình, phát triển sản phẩm OCOP... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đối với các chủ thể phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới sản phẩm; duy trì, nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm đã công nhận đạt chuẩn OCOP; sử dụng logo sản phẩm OCOP theo đúng quy định; thực hiện đánh giá, phân hạng lại đối với các sản phẩm đã được công nhận quá 36 tháng. Tích cực quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hướng tới sản xuất bền vững...

Phan Cường

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/nang-tam-san-pham-ocop/207036.htm