Nâng tầm sản vật quê hương

Cùng với tôm khô, cua biển, cây bồn bồn mọc hoang và con ba khía lấm bùn cũng góp phần làm nên danh tiếng của xứ Cà Mau; nhiều năm gần đây, chính quyền địa phương các huyện Cái Nước, Đầm Dơi đã nỗ lực đưa sản vật quê mình thành những sản phẩm OCOP chất lượng, uy tín, đợi đến ngày Cà Mau 'thay áo mới'.

Biến cây mọc hoang thành đặc sản

Là một loại cây dại, mọc hoang và phát triển tự nhiên không cần dùng đến phân bón, hóa chất, bồn bồn nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Từ khi “tiếng lành đồn xa” về độ ngon và sạch, người dân 2 huyện Đầm Dơi và Cái Nước tỉnh Cà Mau bắt tay vào xây dựng vùng trồng và thương hiệu cho cây bồn bồn; hiện tại, loại cây này được trồng xen với lúa, tôm, bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, trên cả các cánh đồng nước ngọt, lợ, phèn chua.

Nông dân Nguyễn Minh Hòa, ngụ tại xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, người có nhiều năm gắn bó với cây bồn bồn nhớ lại, vào những năm 2002 - 2003, người dân huyện Cái Nước đi nhổ từng cây bồn bồn về bán cho khách đi đường, ban đầu, bồn bồn chỉ có giá khoảng 3.500 đồng/kg, ít người biết ăn nên đầu ra hạn chế. Tuy nhiên, thân bồn bồn vừa sạch vừa ngon, vừa giòn vừa ngọt đã nhanh chóng được người dân khắp nơi ưa chuộng. Đến nay, dưa bồn bồn đã có giá cao gấp chục lần, đầu ra ổn định có nhãn hiệu được công nhận.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cái Nước Nguyễn Văn Đức, những năm gần đây, việc trồng bồn bồn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân với khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, từ năm 2017, nhãn hiệu bồn bồn Cái Nước được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nhãn hiệu tập thể. Từ đó, nhu cầu tiêu thụ bồn bồn tăng lên cao. Hiện nay, Hội Nông dân huyện đã tham mưu UBND huyện Cái Nước xây dựng dự án nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả từ cây bồn bồn với diện tích 154ha kết hợp với nuôi tôm càng xanh để tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân. Đồng thời, có phương án hỗ trợ hợp tác xã trong việc đầu tư cơ sở sản xuất, trang thiết bị, quy trình kỹ thuật chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu.

Đại dịch qua đi, cùng với nỗ lực phục hồi và phát triển du lịch của chính quyền tỉnh, khách đến Cà Mau tăng vọt, các món ăn chế biến từ bồn bồn như gỏi bồn bồn, bồn bồn xào tôm, bồn bồn nấu canh cá rô, dưa bồn bồn… là sự lựa chọn ưu tiên của du khách khi đến vùng đất này nên nhiều người nắm bắt cơ hội chuyển từ bán lẻ ven đường sang đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thực hiện chương trình OCOP, thành lập hợp tác xã vừa giúp nông dân có đầu ra ổn định, giữ giá vừa vươn lên làm giàu, phát triển bản thân.

Hiện nay, hơn 150 hộ dân ở Cái Nước trồng bồn bồn, với 154ha tập trung sản xuất ở 4 xã được sử dụng nhãn hiệu tập thể, khẳng định giá trị của nhãn hiệu tập thể: “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước - Cà Mau”. Nhiều hợp tác xã chế biến dưa bồn bồn được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, không chỉ nổi tiếng trên địa bàn tỉnh, mà còn được các quán ăn, nhà hàng, khách sạn và các siêu thị Co.opmart trên cả nước lựa chọn, đưa vào hệ thống cung cấp cho người tiêu dùng.

Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi nỗ lực đưa con ba khía đi khắp cả nước

Xây dựng thương hiệu quê hương

Năm 2013, chị Trần Thị Xa - hiện là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi cùng chồng là kỹ sư thủy sản Nguyễn Văn Miên tình nguyện về huyện Đầm Dơi công tác theo đề án trí thức trẻ về nông thôn. Gắn bó với nông dân, nông thôn, vợ chồng chị Xa luôn ấp ủ về việc tạo chỗ đứng cho ba khía muối của quê nhà.

Do phù hợp với thổ nhưỡng nên ba khía ở Cà Mau sinh sôi phát triển không ngừng, cũng chính vì thế, trước đây ba khía là một trong những món thức ăn của người nghèo. Tuy nhiên, ăn rồi mới biết, ba khía tươi, ba khía làm mắm, ba khía muối ngon không kém gì cua biển. Nhận biết được giá trị của loại đặc sản này, cách đây 6 năm, chị Xa bắt đầu dành dụm vốn liếng, cùng chồng thực hiện xây dựng thương hiệu Ba khía Đầm Dơi. Ban đầu mỗi tuần chị chỉ bán được 30kg ba khía thành phẩm, đến năm 2019 con số này đã tăng lên 1,5 tấn thành phẩm thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Anh Miên - chồng chị Xa cho biết: thời gian gần đây, mỗi ngày cơ sở sản xuất 200kg ba khía thành phẩm, đáp ứng đủ số lượng đơn đặt hàng của khách; hiện tại cơ sở có hơn 20 nhân viên làm việc”.

Năm 2019, mỗi tháng cơ sở của anh chị cho ra lò 1,5 tấn sản phẩm, thu lợi 250 triệu đồng mỗi năm. Qua năm 2020, công suất, lợi nhuận tăng gấp đôi. Hiện, vợ chồng anh chị đã đầu tư hơn 800 triệu đồng nâng quy mô sản xuất với sản lượng 5 - 10 tấn sản phẩm mỗi tháng, 10 lao động thường xuyên làm việc tại cơ sở thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, HTX Ba khía Đầm Dơi có những sản phẩm chủ lực từ ba khía như: Ba khía muối, ba khía muối trộn sẵn, riêu ba khía, ba khía tươi cấp đông và ba khía cốm (ba khía đang trong giai đoạn lột vỏ) cấp đông, ba khía rang me…

Năm 2020, dự án “Ba khía Đầm Dơi - xây dựng thương hiệu sản phẩm quê hương” của chị Trần Thị Xa đã xuất sắc vượt qua 476 dự án khác và đoạt giải Nhất cuộc thi do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP. Cần Thơ và Mạng lưới khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.

Ngoài ra, sản phẩm ba khía muối của HTX Ba khía Đầm Dơi còn được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) công nhận vào top 200 sản phẩm nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam 2022.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Lê Minh Hiền, HTX Ba khía Ðầm Dơi là một trong những mô hình tiêu biểu của phong trào khởi nghiệp về đặc sản Cà Mau nói chung và huyện Đầm Dơi nói riêng. Hoan nghênh HTX Ba khía Đầm Dơi bởi tính sáng tạo và linh hoạt trong cách quảng bá hình ảnh sản phẩm ba khía muối duy nhất đạt OCOP 3 sao của tỉnh Cà Mau, Chủ tịch huyện Đầm Dơi cho biết, để nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm OCOP, năm 2023 huyện Đầm Dơi phấn đấu có thêm 6 sản phẩm tham gia nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Trong đó, HTX Ba khía Đầm Dơi có 4 sản phẩm tham gia nâng hạng như: ba khía muối, riêu ba khía, ba khía trộn sẵn và mắm tôm chua ngọt.

Bài và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/nang-tam-san-vat-que-huong-i349770/