Nàng tiên cá da màu là chiêu trò nhưng đừng xúc phạm Halle Bailey

Cuộc chiến chống kỳ thị trong điện ảnh vẫn chưa bao giờ dừng lại. Câu chuyện nàng tiên cá da màu gây tranh cãi mới đây là dẫn chứng điển hình.

Kể từ lần đầu tiên đặt chân lên miền đất phim ảnh, người da đen đã được ví như “món đồ” trưng bày trong những lồng kính trong suốt của buổi triển lãm, một thứ “dễ nhìn thấy, nhưng khó chạm tới”.

Xuôi dòng thời gian, từ những đại diện khởi nguyên cho tới những biểu tượng mới, sắc tộc vẫn luôn được “đặt” trong phim như một biểu tượng, dù cho đó là sự chứng minh về nỗi khắc nghiệt mà ngành công nghiệp điện ảnh đối xử với họ.

Từng thước phim xoay quanh chủ đề màu da không đơn thuần chỉ là một câu chuyện để kể. Chúng luôn hàm chứa một tầng ý nghĩa sâu lắng đằng sau “vỏ bọc bình đẳng” vốn đã trở thành một chủ đề nhạy cảm xuyên suốt lịch sử.

Hành trình người gốc Phi đặt chân lên màn ảnh

Uncle Tom's Cabin (1903) và For Massa's Sake (1911) là những bước chân khởi đầu đầy chua chát của người da đen trong lĩnh vực truyền hình. Xuất hiện trên phim với tư cách tầng lớp hạ lưu, họ hy sinh cả cuộc đời trung thành với gia đình chủ, thậm chí không ngại bán mình thành nô lệ.

Kế tiếp đó, Gone with the Wind (1939) lại đem tới Mammy, phiên bản nữ của hình mẫu người phục vụ tận tụy như trong những tác phẩm tiền nhiệm dưới góc nhìn xoay quanh cuộc nội chiến Mỹ và thời kỳ tái thiết. Bên cạnh việc bị đóng khung là tầng lớp phục vụ, người da đen chỉ được xây dựng trên những hình mẫu cơ bản như Coon (lười biếng), Mulatto (bi kịch) hay Buck (tàn bạo).

 Vai diễn Mammy của Hattie McDaniel trong Gone with the Wind.

Vai diễn Mammy của Hattie McDaniel trong Gone with the Wind.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các nhà làm phim người Mỹ gốc Phi bắt đầu có tiếng nói mạnh mẽ hơn với việc đề cập đến căng thẳng sắc tộc. Một bộ phim tài liệu nổi tiếng đã bóc trần thái độ của xã hội đối với nạn phân biệt chủng tộc vào thời điểm đó là Am I Guilty (1940) của Ralph Cooper. Các diễn viên da đen dần trở thành những cái tên quen thuộc trên màn ảnh như Sidney Poitier và Harry Belafonte.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc họ phá bỏ được rào cản.

Nhắc đến những bộ phim phản ánh hay đại diện cho người gốc Phi vào nửa đầu thế kỷ 20, tất cả những gì mà ngành công nghiệp điện ảnh mang lại thực sự chỉ là một khuôn mẫu. Trong khi các nhân vật da trắng đang tham gia vào các cuộc phiêu lưu và không ngừng phát triển, biến hóa, người da đen lại bị đối xử như “phần còn sót lại” trên phim ảnh, không có điều kiện để thay đổi mà chỉ là những hình mẫu công thức, một chiều. Khán giả dễ dãi định nghĩa nhân vật thông qua cách mà họ ăn mặc, nói chuyện hay những việc mà họ thực hiện.

Hình tượng “Da đen tích cực” chỉ thực sự hiện diện trên màn ảnh từ những năm 1970, do chính những người gốc Phi tự tạo nên với “Blaxploitation”. Mặc những lời chê bai quá khích và bạo lực, họ đứng lên trên màn ảnh với tâm thế mạnh mẽ, sẵn sàng bảo vệ những gì được cho là đúng đắn và trở thành những nhà lãnh đạo trong câu chuyện của chính họ, tiêu biểu như bộ phim độc lập Sweet Sweetback's Baadasssss Song (1971) của Melvin Van Peebles.

Tạo nên một bước tiến triển mới trên hành trình tiếp cận nghệ thuật, những diễn viên da đen bắt đầu chạm những ngón tay đầu tiên tới những giải thưởng danh giá.

Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 12 diễn ra vào ngày 29/2/1940 tại L.A, Mỹ, nữ diễn viên Hattie McDaniel là người da đen đầu tiên nhận tượng vàng Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Giải thưởng với bà là một bước tiến nhỏ nhưng có ý nghĩa to lớn trên con đường tiến tới bình đẳng sắc tộc.

Năm 1964, Sidney Poiter là nam diễn viên gốc Phi đầu tiên đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc trong Lilies of the Field và mãi tới 38 năm sau, Halle Berry mới trở thành nữ diễn viên da đen đầu tiên đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc với tác phẩm Monster’s Ball (2001).

Bình đẳng hóa và chiêu trò thương mại

Mặc cho những nỗ lực không ngừng nghỉ đóng góp tiếng nói vào bộ môn nghệ thuật thứ bảy, nạn kỳ thị chủng tộc ở Hollywood vẫn tiếp diễn và những diễn viên da màu phải chịu đựng nhiều bất công.

Theo Jeffery Mio, những ông chủ trong ngành công nghiệp làm phim Hollywood tuyển chọn những ngôi sao da trắng vì họ là thỏi nam châm hút khách cho các phòng vé và có thể đảm bảo doanh thu cao cho tác phẩm. Tuy nhiên, thật ngớ ngẩn nếu cho rằng chỉ khi có các diễn viên da trắng đảm nhận vai chính, bộ phim mới thu hút được công chúng. Bằng chứng là Will Smith, Denzel Washington, David Oyelowo,... đều là các diễn viên da màu đã mê hoặc biết bao khán giả và giành được những giải thưởng điện ảnh, truyền hình danh giá.

Chính điều này đã tạo nên bức xúc khôn nguôi với bộ phận khán giả ủng hộ người da màu và phản đối những bất công họ đã phải chịu đựng trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Tom Rothman, Giám đốc hãng phim Sony cho rằng, cần có sự cân bằng giữa các diễn viên da trắng và da màu để tạo sự đa dạng cho điện ảnh.

Đánh hơi được xu hướng này từ khá sớm, ngành công nghiệp Hollywood không ngừng thay đổi và thích nghi để chiều lòng những “thượng đế của màn ảnh”, đem tới những cơ hội cạnh tranh cho các diễn viên gốc Phi, bất chấp việc những nhà hoạt động vì quyền của người da màu cho rằng, đó vốn dĩ là quyền lợi chứ không phải một “đặc ân”.

Sắc tộc là yếu tố gây tranh cãi không ngớt trong lịch sử phim ảnh.

Năm 1931, McDaniel chuyển tới L.A và bắt đầu tham gia diễn xuất trong một số bộ phim với vai trò là người hầu hoặc nô lệ, những vai mà các diễn viên da đen thời điểm đó thường từ chối. Sự quyết đoán đã giúp McDaniel có được vai diễn Mammy trong Gone with the Wind (1939). Tuy nhiên, một bộ phận khán giả lại quay lưng chỉ trích McDaniel vì chấp nhận những vai diễn dập khuôn, chủ yếu là người hầu.

Nhiều diễn viên da đen đã từng nhận đề cử và đoạt giải trong suốt lịch sử gần một thế kỷ của Oscar nhưng hầu hết đều nhờ vào những vai “buộc diễn viên phải là người da đen” ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Giáo sư Todd Boyd, một chuyên gia về văn hóa và điện ảnh của người Mỹ gốc Phi, nhận định: “Tại sao không thể là một diễn viên gốc Phi đóng vai mà Joaquin Phoenix thể hiện trong Her? Khi nào điều đó xảy ra thì mọi chuyện mới thật sự có biến chuyển”.

Chỉ tới một ngày cuối tháng 7/1971, tạp chí Time xuất bản một bài báo với tựa đề: "Mọi người đang tới rạp để chiêm ngưỡng các anh hùng da đen mới” - đó mới là thời điểm màu da đen trong điện ảnh chính thức được xã hội nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Eddie Murphy giải thích: "Vào thời điểm đó, chúng tôi không cảm thấy bị lợi dụng. Bởi con người có xu hướng tự hào khi thấy mình được đại diện. Những bộ phim này phản ánh sự bất công và nỗi tức giận mà rất nhiều người trong cộng đồng da đen cảm thấy vào thời điểm đó và tôi tin rằng chúng có thể đã mang lại cho họ sự can đảm cần thiết để đấu tranh cho những gì mà mình tin tưởng”.

Thế nhưng, trái ngược với dự tính ban đầu, chính sự nhồi nhét sáo rỗng và lạm dụng yếu tố “da màu” hòng câu kéo sự đồng cảm lại khiến khán giả cảm thấy ngán ngẩm. Đặc biệt, cộng đồng người gốc Phi càng trở nên nhạy cảm hơn vì cho rằng, đó không phải “bình đẳng hóa” mà chỉ đơn thuần là một chiêu trò thương mại của gã khổng lồ Hollywood.

Hollywood có đang lạm dụng yếu tố sắc tộc để câu kéo doanh thu.

Lễ trao giải Oscar cũng nhiều lần nhận chỉ trích nặng nề vì tôn vinh các tác phẩm thể hiện sai lịch sử của người da màu, thậm chí là tẩy trắng nạn phân biệt chủng tộc, khắc họa người da màu trở nên thụ động, tiêu cực.

Các bộ phim như Guess Who’s Coming To Dinner (1968), The Blind Side (2009), Green Book (2019),… tuy được đánh giá cao nhưng đều nhận phản hồi tiêu cực vì thiếu chiều sâu khi đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Tồi tệ hơn là việc xây dựng khuôn mẫu, định kiến tiêu cực về hình ảnh người da màu trên màn ảnh.

Đơn cử, Monster’s Ball (2001) mặc dù nhận được sự tán dương cho kịch bản và diễn xuất vẫn bị khán giả lẫn giới phê bình chỉ trích vì hình tượng phụ nữ da đen trong phim. Bản thân nữ diễn viên Angela Bassett từng tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận những vai diễn khuôn mẫu tiêu cực như thế, dù cho nó có thể giúp cô đoạt giải.

Cái bẫy của việc chiếm dụng văn hóa

Các thập kỷ trước, những bộ phim về người da màu nhưng các diễn viên da trắng đã nắm gọn vai chính trong tay như The Sands of Time (2010), The Lone Ranger (2013), Gods and Kings (2014) khiến khán giả không khỏi cảm thấy khó hiểu về các quyết định của đạo diễn.

Gần đây nhất, sau khi Disney tung trailer "Nàng tiên cá" Ariel nổi tiếng dưới sự thủ vai của nữ ca sĩ da màu Halle Bailey, phần lớn người xem phản ứng dữ dội trước quyết định của hãng phim này.

Nhiều cuộc tranh luận nổ ra và sự xuất hiện của diễn viên gốc Phi tiếp tục trở thành đề tài mổ xẻ. Không ít ý kiến cho rằng hành động này cốt chỉ nhằm mục đích tranh giải Oscar vì lễ trao giải của Viện Hàn lâm thường ưu ái các phim về người da đen, đồng tính và nữ quyền.

Halle Bailey là nạn nhân của cái bẫy chiếm đoạt văn hóa.

“Việc gán ghép nhân vật mang nét đặc trưng văn hóa Bắc Âu vào một diễn viên gốc Phi là hành vi xâm phạm văn hóa của người da màu. Bởi cách thức người gốc Phi thể hiện bản thân qua âm nhạc, tình yêu, qua lịch sử xã hội đều khác biệt và không liên hệ tới nguồn gốc và bối cảnh sinh ra nhân vật nàng tiên cá”, nhà phê bình D. Jeremy bức xúc.

Trên khắp các blog và trang mạng xã hội, những cuộc tranh luận bùng nổ về việc nhà Disney đã chiếm dụng văn hóa ra sao, đã xào nấu và thảy vào câu chuyện cổ tích những văn hóa Mỹ thế nào. Đa số đi tới kết luận, The Little Mermaid chỉ là một phiên bản truyền bá lệch lạc so với nguyên tác, được tô vẽ vỏ bọc bình đẳng sắc tộc cốt chỉ làm nền cho tham vọng thu về doanh số phòng vé lớn. Việc tráo đổi màu da như thể cướp đoạt chủng tộc của một nhân vật được hình thành lâu nay, dẫu đó chỉ là cổ tích, hư cấu.

Đứng trước những rìu búa chỉ trích của dư luận, Halle Bailey hoàn toàn vô tội và đáng thương trong bê bối tranh cãi này. Cô nàng diễn viên trẻ chỉ là một trong số những nạn nhân của việc thương mại hóa câu chuyện sắc tộc tại kinh đô Hollywood sặc sỡ nhưng đầy tai tiếng.

Và, vì là nạn nhân, cô không đáng bị chỉ trích và phân biệt.

Tống Khang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nang-tien-ca-da-mau-la-chieu-tro-nhung-dung-xuc-pham-halle-bailey-post1356373.html