Nặng tình với đồng đội

Nhiều năm qua, các Cựu binh Ban liên lạc (BLL) Trung đoàn 96 luôn đi tìm, đưa hài cốt liệt sĩ (HCLS) quê Quảng Nam về nghĩa trang quê nhà để gia đình tiện hương khói. Ngoài ra, BLL còn xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ gia đình các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm đó phần nào giúp BLL Trung đoàn 96 vơi đi niềm nhớ thương đồng đội.

Nhiều năm qua, các Cựu binh Ban liên lạc (BLL) Trung đoàn 96 luôn đi tìm, đưa hài cốt liệt sĩ (HCLS) quê Quảng Nam về nghĩa trang quê nhà để gia đình tiện hương khói. Ngoài ra, BLL còn xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ gia đình các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm đó phần nào giúp BLL Trung đoàn 96 vơi đi niềm nhớ thương đồng đội.

BLL Trung đoàn 96 đưa HCLS về nghĩa trang quê nhà.

BLL Trung đoàn 96 đưa HCLS về nghĩa trang quê nhà.

Cống hiến tuổi trẻ

Chúng tôi gặp các Cựu binh BLL Trung đoàn 96 ở lễ bàn giao, truy điệu 9 HCLS được tổ chức trang nghiêm tại nghĩa trang các xã Quế Phú, Quế Phong, Quế An (H. Quế Sơn, Quảng Nam) vào tháng 7-2019. Thắp xong nén hương tỏ lòng tưởng nhớ, Phó trưởng BLL Trung đoàn 96 Phạm Đăng Tiến (63 tuổi, trú H. Duy Xuyên, Quảng Nam) tâm sự, ngoài 9 HCLS ở Quế Sơn, đợt này BLL cũng đưa về bàn giao 3 HCLS ở TX Điện Bàn. Đến nay, BLL Trung đoàn 96 đã phối hợp với Sư đoàn 309 TP Hồ Chí Minh đưa 218 HCLS ở Quảng Nam về các nghĩa trang quê nhà, hiện chỉ còn những HCLS quê ở H. Phú Ninh và TP Tam Kỳ (Quảng Nam), dự kiến năm sau sẽ đưa về.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tiến nhớ lại: Hưởng ứng cuộc tổng động viên, tháng 10-1978, gần 1.000 thanh niên tuổi đời mười tám đôi mươi ở H. Duy Xuyên tham gia vào Trung đoàn 96 F309. Huấn luyện được 1 tháng, những chiến sĩ tân binh Trung đoàn 96 được điều động lên biên giới giúp Campuchia đánh quân Pôn Pốt tại các địa danh XA, XB, Đồi Không Tên giáp biên giới Việt Nam. Sau 1 tháng chiến đấu, quân ta đã chiếm đóng được các căn cứ của quân Pôn Pốt tại vùng biên. Tiếp đến, dưới sự chỉ đạo của Sư đoàn 309 và Mặt trận 59 Quân khu 5, Trung đoàn 96 đã mở nhiều chiến dịch truy quyét đánh tàn quân Pôn Pốt giải phóng nhiều địa phương ở phía Nam Campuchia, sau đó tiếp tục đánh lên phía Tây Campuchia, đẩy đuổi tàn quân sang nước Thái Lan.

“Ở đây, cuộc sống của bộ đội ta gặp rất nhiều khó khăn. Do ở vùng núi đường đi hiểm trở, xa hậu phương nên công tác chi viện lương thực gặp rất nhiều khó khăn. Bộ đội ta phải dùng thức ăn khô để dễ vận chuyển lúc hành quân. Điều khó khăn nhất là ở vùng núi bệnh sốt rét hoành hành khiến bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao, các đồng chí đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ anh dũng chiến đấu liên tiếp giành thắng lợi trên mọi mặt trận. Sau khi đẩy đuổi được quân Pôn Pốt ta khỏi nước Campuchia, bộ đội ta vẫn ở lại 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, không cho tàn quân quay lại phản công để chính quyền Campuchia khắc phục hậu quả chiến tranh”- ông Tiến kể.

BLL Trung đoàn 96 và Sư đoàn 309 tặng nhà tình nghĩa cho những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Đi tìm hài cốt đồng đội

Ông Tiến tâm sự: Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, giúp nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt, bộ đội ta nhận lệnh rút quân về nước. Điều buồn nhất, sau cuộc chiến bộ đội ta hy sinh rất nhiều, riêng Trung đoàn 96 đã mất gần nửa quân số. Nghĩ đến những đồng chí, đồng đội đã hy sinh, năm 1990 Trung đoàn 96 đã tập hợp các đồng đội còn sống thành lập BLL Trung đoàn 96 và đưa ra nhiệm vụ phải kết nối, giúp đỡ gia đình các đồng đội đã hy sinh và đồng chí có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi thành lập, BLL được các cấp chính quyền đồng thuận, vận động xây mới 9 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 1 căn, tặng bò giúp đồng đội phát triển kinh tế. Ngoài ra, BLL còn tìm công ăn việc làm cho thân nhân gia đình đồng đội; tặng quà, đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo trên địa bàn... Các đồng chí tham gia chiến đấu hy sinh ở Campuchia, hài cốt được đưa về nghĩa trang các địa phương vùng giáp biên giới. Phần mộ ở xa nên nhiều gia đình chưa từng đến thắp cho con, em nén hương nên ấp ủ nỗi lòng thương nhớ, mong ước được đưa các anh về quê nhà. BLL hiểu được nỗi lòng đó, nhưng đến năm 2016, lúc nhiều cán bộ về hưu mới có cơ hội cùng nhau thực hiện. Khi đó, BLL đã phối hợp với Chi hội 5 nghĩa tình đồng đội Sư đoàn 309 ở phía Nam đi tìm, đưa tất cả HCLS quê ở Quảng Nam về nghĩa trang quê nhà để gia đình tiện hương khói.

“Cảm động nhất là trường hợp của cụ Thái Trung (83 tuổi) cha của Liệt sĩ Thái Xim hy sinh tại chiến trường Campuchia, hài cốt được đưa về nghĩa trang tỉnh Bình Dương chôn cất. Gia đình ông Trung rất khó khăn, bản thân bị bệnh nặng lại phải chăm sóc người con bị bệnh động kinh nên 40 năm qua chưa 1 lần được vào thắp nén hương cho con. Khi BLL đưa ông vào làm thủ tục đưa HCLS về quê, ông đã ôm chầm lấy phần mộ của con trai khóc nức nở, ai chứng kiến cảnh tượng đó cũng đau lòng khôn xiết. Có nhiều phần mộ ghi sai địa chỉ quê nhà, tên họ khiến việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm đưa các anh về đúng quê hương, đúng gia đình nên BLL đã lặn lội xác minh, có nhiều phần mộ mất vài năm mới tìm ra. Như Liệt sĩ Lê Văn Thành quê ở xã Điện Phương nhưng trên bia lại ghi là ở xã Điện Phong xác minh mãi không ra. Sau đó, BLL đã liên hệ Sư đoàn 309 lục lại danh sách phát hiện người mẹ tên Hòa. Tiếp tục xác minh phát hiện có bà Trịnh Thị Hòa là Mẹ VNAH ở xã Điện Phương. Tiếp tục xác minh đúng danh tính liền đưa về nghĩa trang quê nhà để gia đình hương khói”- ông Tiến bộc bạch.

“Sau khi hoàn thành công việc đưa các HCLS ở Quảng Nam về, BLL sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị đưa các HCLS quê ở TP Đà Nẵng, Quảng ngãi về nghĩa trang quê nhà. Thời gian đến, BLL Trung đoàn 96 sẽ tiếp tục giúp đỡ gia đình các đồng đội còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều khiến các thành viên trong BLL trăn trở nhất là đến nay vẫn chưa tìm ra hài cốt của Liệt sĩ Trần Văn Vương hy sinh năm 1983 tại chiến trường Campuchia. BLL dự tính đầu năm 2020 sẽ quay lại chiến trường xưa tìm lại đồng chí. Đồng chí Vương còn người mẹ già 94 tuổi vẫn đang “cầm cự” chỉ muốn được thắp cho con trai một nén hương trước lúc ra đi”- ông Tiến trải lòng.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_217946_nang-tinh-voi-dong-doi.aspx