Nặng về dạy chữ và kiến thức hàn lâm khiến trẻ sợ đến trường

Chất lượng dạy học hiện chưa cao, rất chậm đổi mới; tư duy giáo dục vẫn nặng về dạy chữ, dạy kiến thức hàn lâm mà coi nhẹ việc dạy - học kỹ năng, đạo đức, học nghề.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 15/11, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, vấn đề đổi mới giáo dục đã đặt ra suốt 20 năm qua nhưng thực tế không ít sinh viên ra trường vẫn không viết nổi một văn bản hành chính đúng quy cách; các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng thì than dài vì phải đào tạo lại. Ở các cấp học, việc đến trường cũng chưa phải là niềm vui, trở thành khát khao của mỗi học sinh. "Một trong những mục tiêu của giáo dục là để hội nhập quốc tế nhưng Luật và Nghị định không có bất kỳ điều khoản nào quy định ngoại ngữ là một công cụ bắt buộc, hình thành nền tảng cơ bản nhất cho hội nhập. Trẻ em Việt Nam được học tiếng Anh từ rất sớm nhưng rất nhiều trường hợp không thể sử dụng tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT", đại biểu Nhân nhận định.

Đại biểu Nhân bày tỏ lo lắng khi nhìn các bạn trẻ sinh những năm 2000, khi đất nước đã hội nhập, vẫn rất vất vả sử dụng tiếng Anh và mục tiêu hội nhập quốc tế của giáo dục còn nhiều chông gai nếu không chế định tiếng Anh là công cụ bắt buộc trong dạy học như Singapore hay Philippines đã làm.

Đồng tình ý kiến trên, đại biểu Cao Đình Thưởng (Thái Bình) phân tích, chất lượng dạy học hiện chưa cao, rất chậm đổi mới, tư duy giáo dục vẫn nặng về dạy chữ, dạy kiến thức hàn lâm mà coi nhẹ việc dạy - học kỹ năng, đạo đức, học nghề. Điều này làm cho việc học tập trở thành áp lực quá lớn khiến một bộ phận trẻ em sợ đến trường. Qua đó, cũng dẫn tới sai lầm của nhiều phụ huynh, muốn con mình thành con người ta, phải giỏi một cách quá sức.

Về công tác đào tạo giáo viên, chuẩn trình độ, chế độ với nhà giáo, đại biểu đề nghị, cần phải đầu tư cho "máy cái" của giáo dục nước ta ở các trường sư phạm. Các trường cần chọn người có phẩm chất, năng lực vào các trường sư phạm và có chế độ ưu đãi rất cao với nhà giáo; thực hiện hướng chuẩn cho giáo viên, phương thức đào tạo tiến tới giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều có trình độ đại học. Ở cấp mầm non không nhất thiết phải đào tạo 4 năm mà có thể rút ngắn từ 2,5 - 3 năm; cần chọn cô giáo trẻ, có sức khỏe để các cháu có tiếp cận học vấn ngay từ thời còn trẻ thơ.

Về chương trình sách giáo khoa, theo đại biểu Thưởng, cần phải rà soát điều chỉnh kỹ lưỡng. Nhiều ý kiến của cử tri phản ánh, chương trình sách giáo khoa phải thống nhất bởi nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, còn lại là sách tham khảo, sách nâng cao phải được thẩm định chặt chẽ, nội dung tinh gọn, mang bản sắc Việt Nam và hiện đại theo chuẩn quốc tế.

Chương trình phổ thông phải hiện đại, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học. Người viết sách giáo khoa phải thực sự giỏi và am hiểu sâu sắc về nội dung, chương trình và tâm lý sư phạm. “Nên chăng phát động cuộc thi viết sách giáo khoa trong giáo viên phổ thông để chương trình sách giáo khoa không bị hàn lâm, giáo sư hóa, tiến sỹ hóa. Nếu quá nhiều bộ sách giáo khoa thì rất khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và dễ dẫn đến loạn. Lúc ấy, giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hậu quả là khôn lường”, đại biểu Thưởng nói.

Về kỳ thi tốt nghiệp PTTH, theo đại biểu Thưởng, không nên tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay. Việc thi và đánh giá học sinh hết cấp 3 nên để các địa phương tự làm, tự tổ chức. Có chăng chỉ nên tổ chức kỳ thi quốc gia để chọn sinh viên đại học, cao đẳng; làm một cách khoa học, chặt chẽ để mỗi người không dám tiêu cực, không cần tiêu cực và không thể tiêu cực.

Lam Dương

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nang-ve-day-chu-va-kien-thuc-han-lam-khien-tre-so-den-truong-d2058397.html