Nàng Xasa kiều diễm, kỳ lạ

Những ai thích tìm hiểu về đất nước, con người Nga, hẳn biết đến cái tên Alexandra Kollontai (1872 - 1952), gọi thân mật là Xasa, một số phận đầy thăng trầm, thay đổi và có nhiều dấu ấn trong thời kỳ trước, trong và sau Cách mạng tháng Mười Nga.

Thiếu thời và hôn nhân đầu

Chân dung Alexandra Kollontai (1872 - 1952).

Chân dung Alexandra Kollontai (1872 - 1952).

Xasa thuở thiếu thời là một học sinh ngoan. Khi lớn lên có chung niềm yêu thích như cha cô đối với lịch sử và thông thạo nhiều ngôn ngữ. Cô nói tiếng Pháp với mẹ và các chị gái, tiếng Anh với vú em, tiếng Phần Lan với nông dân tại một điền trang gia đình được thừa kế từ ông ngoại và còn học thêm cả tiếng Đức.

Năm 16 tuổi cô trở thành một thiếu nữ khả ái với mớ tóc lượn sóng màu mật ong, mắt xanh nước biển đầy mơ mộng nhưng quả quyết. Ở nàng nếu các nhà nhân tướng phương Đông nhìn thấy sẽ phán rằng có một nét không ổn, đó là dáng đi kiểu “Xà hành” (rắn trườn). Dân gian cho rằng: “Tướng đi uốn khúc mình xà. Trai thì đơn lẻ, gái qua nhiều chồng”

Mới đến tuổi trăng tròn, nàng đã kịp làm cho một bạn trai là Vanhia thất tình tự tử. Năm 17 tuổi, nàng ngày càng được nhiều người hâm mộ, trong số đó có cả một viên tướng và hàng lô sĩ quan, nhà ngoại giao... Cha nàng mang quân hàm thiếu tướng Đế quốc Nga đã mang nàng đến Tbilixi (Thủ đô của Gruzia ngày nay) khi ông đi công cán.

Thành phố Tbilixi đầy ánh nắng và hoa, rượu nho.... vào khoảng năm 1890/1891, lúc đó Xasa mới 19 tuổi. Tại Tbilixi, chàng anh họ xa của Xasa - trung úy trẻ Vladimir Ludvigovich Kollontai (1867 - 1917) đã đón tiếp nàng Xasa xinh đẹp, rồi hai người phải lòng nhau.

Gia đình Xasa đã phản đối gay gắt mối quan hệ đó vì chàng trai trẻ quá nghèo, không tương xứng với con gái họ. Cha mẹ cô dùng cách gửi Xasa đi du lịch Tây Âu với hy vọng cô sẽ quên Vladimir, nhưng cặp đôi vẫn đính ước với nhau bất chấp tất cả và kết hôn ở nước ngoài vào năm 1893.

Xasa sinh một cậu con trai tên là Mikhail vào năm 1894. Năm 1898, cô gửi con lại cho cha mẹ mình để theo học kinh tế ở Zurich, Thụy Sĩ, với Giáo sư Heinrich Herkner. Sau đó, cô đã đến thăm Anh, gặp các thành viên của phong trào xã hội chủ nghĩa Anh.

Sau một thời gian, Xasa bắt đầu chán cuộc sống gia đình, nàng có nhân tình là người bạn chung của hai vợ chồng cô... Rồi vẫn muốn có cái mới, có sự dịch chuyển, nên Xasa tiếp tục lên đường đi các nước Thụy Sỹ, Pháp, Đức, Italia...

Cô bắt đầu dành thời gian để bắt đầu đọc các tác phẩm văn học chính trị theo chủ nghĩa dân túy cấp tiến và chủ nghĩa Mác cũng như viết tiểu thuyết.

Con đường chính nghiệp

Xasa trở lại Nga vào năm 1899, lúc đó cô gặp Vladimir Ilych Ulyanov tức Vladimir Lenin. Ban đầu Xasa bị thu hút bởi những ý tưởng dân túy về việc tái cấu trúc xã hội dựa trên mô hình công xã Mir (Hòa bình), rồi lại sớm từ bỏ điều này để theo các tư tưởng cách mạng khác.

Sự nhấn mạnh ý thức giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác cùng lý tưởng cách mạng giành chính quyền và xây dựng xã hội công nghiệp hiện đại, đã thu hút Xasa và nhiều đồng nghiệp trong giới trí thức cấp tiến của Nga. Những hoạt động đầu tiên của Xasa Kollontai khá rụt rè và khiêm tốn, cô làm liên lạc viên cho các cán bộ phong trào Marxist vừa chớm nở ở St.Petersburg.

Cô trở thành thành viên của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga trong năm 1899 ở tuổi 27. Năm 1906, Xasa quyết định gia nhập phái Mensheviks (Thiểu số).

Cô lưu vong đến Đức vào năm 1908 sau khi xuất bản cuốn “Phần Lan và chủ nghĩa xã hội”, trong đó kêu gọi nhân dân Phần Lan đứng lên chống lại sự áp bức trong Đế quốc Nga. Cô đã đi khắp Tây Âu và làm quen với Karl Kautsky, Clara Zetkin, Rosa Luxemburg, và Karl Liebknecht...

Năm 1915, cô đoạn tuyệt với những người Menshevik và trở thành một thành viên của những người Bolshevik (Phái đa số).

Dấn thân cách mạng vô sản và những thăng trầm

Trên thực tế, suốt những năm 1914 - 1917, cô đã có dịp tiếp xúc với Lênin, được Lênin giao cho việc dịch một cuốn sách của chính Lênin để in ra ở Mỹ và nhiều nhiệm vụ khác khi ông trở về St. Petersburg lãnh đạo Cách mạng tháng 10. Năm 1917, Xasa được bầu vào Ủy ban hành động cách mạng của Petersburg.

Do có sắc đẹp đậm đà, bí ẩn cộng với tài hùng biện, diễn thuyết nên Xasa được Lênin phân công thuyết phục thủy quân đứng về cách mạng. Được Paven Đybenco - Chủ tịch Ủy ban thủy binh Nga hâm mộ, bảo vệ nên Xasa đã thành công mỹ mãn: Thủy quân trên các chiến hạm ở Peterbua đã ngả hẳn sang phía Bônshêvich.

Mặc dù lúc đó Xasa 45 tuổi, còn Pavel mới 28 tuổi nhưng 2 người vẫn yêu nhau thắm thiết. Đây không phải là mối tình đầu tiên và cuối cùng của Xasa kiều diễm.

Năng khiếu diễn thuyết của Xasa dần bộc lộ và phát triển, cô nói chuyện rất lôi cuốn trong các buổi hội họp của công nhân và làm quen với nhà kinh tế theo đường lối dân chủ xã hội của Nga là Maxlov. Ông này mê Xasa đến nỗi dù đang có gia đình vợ con vẫn cứ chạy theo Xasa.

Cuộc tình này chấm dứt khi nhà cách mạng của giai cấp vô sản Nga Alexandr Sliapnicov kém bà 30 tuổi xuất hiện và hai người lập tức sang nước ngoài, nhưng kết cục vẫn là lời chia tay. Trong thời gian Cách mạng tháng 10, người được Xasa yêu là chàng lính thủy Pavel Đybenco.

Mối tình cuối cùng xảy ra khi bà làm đại diện toàn quyền của Liên Xô tại Na Uy năm 1927. Người yêu trẻ trung đó tên là Marseille Bandy vừa làm trợ lý cho bà vừa là thư ký của đoàn ngoại giao Liên Xô. Đây là một chàng người Pháp kém bà 20 tuổi, nhưng thông minh, lịch lãm.

Sau cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917 lật đổ Sa hoàng, Xasa trở về Nga. Bà ủng hộ các đề xuất cấp tiến của Lenin và với tư cách là thành viên của Ban Chấp hành Trung ương đảng, bà đã bỏ phiếu cho chủ trương khởi nghĩa vũ trang dẫn đến Cách mạng Tháng Mười và sự sụp đổ của Chính phủ lâm thời của Alexander Kerensky.

Bà được bổ nhiệm làm Ủy viên Nhân dân về Phúc lợi Xã hội trong chính phủ đầu tiên của Liên Xô, nhưng sớm từ chức do phản đối hiệp ước hòa bình Brest-Litovsk trong hàng ngũ những người Cộng sản cánh tả.

Năm 1919, Xasa thành lập Zhenotdel (Cục Phụ nữ), hoạt động nhằm cải thiện địa vị của phụ nữ ở Liên Xô. Bà ủng hộ tình yêu tự do, và sau này được coi là một nhân vật chủ chốt trong chủ nghĩa nữ quyền của chủ nghĩa Mác.

Xasa đã thẳng thắn chống lại tệ quan liêu trong Đảng Cộng sản Nga và các hoạt động nội bộ phi dân chủ của đảng. Để đạt được mục tiêu đó, bà đã đứng về phe Đảng Công nhân Đối lập cánh tả vào năm 1920, nhưng cuối cùng bị thất bại, suýt nữa bị trục xuất khỏi đảng.

Vào nửa cuối năm 1922, bà viết thư riêng cho Tổng Bí thư mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Nga là Joseph Stalin, đề nghị được cử đi công tác nước ngoài. Stalin đã chấp thuận và bắt đầu từ tháng 10/1922, bà bắt đầu được giao phó các chức vụ ngoại giao ở nước ngoài và do đó bị loại khỏi vai trò chính trị ở trong nước.

Bà được nhận nhiều chức vụ ngoại giao ở nước ngoài: Phục vụ ở Na Uy, Mexico và Thụy Điển. Năm 1943, bà được thăng chức đại sứ tại Thụy Điển. Bà nghỉ hưu từ Bộ ngoại giao vào năm 1945 và qua đời tại Moscow vào năm 1952.

Sau này trong các lần thanh trừng nội bộ, Bộ trưởng Nội vụ Nga đã trực tiếp thẩm vấn bà về mối quan hệ với Bandy. Trong những năm 1930, nhiều cán bộ cấp cao của Liên Xô bị khép tội oan sai, có người bị xử bắn, một số người bạn kiêm tình nhân cũ của bà cũng bị bắt và tử hình, riêng bà thoát được các kiếp nạn, có nguồn tin cho rằng đó là nhờ Stalin can thiệp.

Người đàn bà đó chắc sinh ra là dành cho sự tham gia vào các biến động xã hội và tình yêu chứ không dành cho đời sống gia đình yên ổn. Bà hay vướng vào các lưới tình của cuộc đời và có khi là lưới tình của chính bà chăng ra hay nhiệt tình dệt nên.

Năm 1982, đạo diễn Rosa von Praunheim thực hiện bộ phim “Tình yêu màu đỏ” dựa trên tiểu thuyết của Xasa và sau này nhiều đạo diễn còn dựng phim về cuộc đời bà.

PGS Lê Thanh Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-xasa-kieu-diem-ky-la-post605918.html