Náo nức ngày tựu trường

Giữa tiết thu dịu mát, các thầy, cô giáo cùng học trò náo nức trong cờ hoa và tiếng trống khai trường, bắt đầu một năm học mới.

Chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện

Hòa trong không khí hân hoan bước vào năm học mới, ngành Giáo dục Bắc Giang thắp lên niềm tin và hy vọng về một mùa “quả ngọt” trong công cuộc “dạy chữ, dạy người”. Để bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho năm học mới, Trường THCS Tân Hưng (Lạng Giang) đã chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, những chậu hoa, cây cảnh đã được cắt tỉa, trang trí thật đẹp để đón ngày khai giảng ý nghĩa.

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Hữu Sản tặng vở viết cho học sinh lớp 1.

Thầy giáo Nguyễn Văn Quả, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2023-2024, toàn trường có 860 học sinh, ở 21 lớp. Ngay từ những ngày đầu tháng 8, nhà trường chủ động bổ sung trang thiết bị, bàn ghế, sách giáo khoa và sách tham khảo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy. Năm học này, Trường THCS Tân Hưng tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Ở các huyện miền núi, thầy và trò các trường cùng phụ huynh tất bật chuẩn bị cho năm học mới trong không khí rộn ràng. Với tâm niệm “Cho con lạng vàng không bằng gang chữ”, gia đình chị Lộc Thị Bình, dân tộc Tày, ở thôn Sản 3, xã Hữu Sản (Sơn Động) là hộ cận nghèo song cũng chuẩn bị chu đáo đồ dùng học tập cho con trai Đinh Tiến Văn vào lớp 1, Trường Tiểu học và THCS Hữu Sản. Chị Bình cho biết: “Buổi đầu tôi cũng có chút lo lắng khi con bước vào môi trường học tập mới nhưng khi đến lớp, con được cô giáo hướng dẫn tận tình nên tôi đã yên tâm hơn”. Các hoạt động học tập và vui chơi rộn ràng đã xua đi những bỡ ngỡ ban đầu của những học sinh lớp 1 đang dần làm quen với môi trường học tập mới.

Do ở xa, học sinh các trường dân tộc nội trú, bán trú đã xuống trường từ chiều hôm trước. Cô giáo Lê Thị Hoài Lan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn cho biết: Trước khai giảng, thầy, cô giáo đến thăm nhà học sinh và vận động các em đến trường, đồng thời rà soát, thống kê danh sách học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có biện pháp hỗ trợ.

Số học sinh con em hộ nghèo còn thiếu sách giáo khoa, vở, nhà trường sẽ cho mượn sách trong thư viện và vận động được một số bộ sách giáo khoa cũ, vở viết tặng các em. Được sự quan tâm của nhà trường, sự tận tình chỉ bảo của thầy, cô giáo, tất cả học sinh đều háo hức đến trường sớm để dọn dẹp phòng ở, lớp học, chăm sóc vườn hoa, treo cờ, biểu ngữ chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ khai giảng. Nhà trường tự hào khi chất lượng đào tạo, kỷ cương nền nếp nằm trong tốp 10 khối các trường dân tộc nội trú toàn quốc.

Thi đua ngay từ giờ học đầu tiên

Trong không khí tưng bừng ngày khai trường, niềm vui chào đón năm học mới được nhân lên khi nhiều học sinh được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất mới, khang trang. Toàn tỉnh có 2 ngôi trường mới được khánh thành đưa vào sử dụng là THCS Lý Tự Trọng (TP Bắc Giang) và THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). Xung quanh các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, nhiều trường được bổ sung thêm phòng học, phòng chức năng, đồ dùng dạy học để phục vụ nhu cầu học tập của con em công nhân.

Cô và trò Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) vui đón năm học mới.

Năm học này, huyện Việt Yên còn đưa vào sử dụng 96 phòng học mới hiện đại ở các trường mầm non, tiểu học ven các khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám. Đặc biệt, tháng 10/2023, UBND huyện Việt Yên sẽ đưa vào hoạt động Trường Mầm non Bảo Ngọc, xã Tăng Tiến với quy mô 12 phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân, người lao động đang sinh sống tại địa phương.

Do được tăng cường cơ sở vật chất, nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa đã đưa học sinh ở các điểm trường lẻ về học tại khu trung tâm. Năm học này, Trường Tiểu học và THCS Hữu Sản đưa vào sử dụng tòa nhà 2 tầng với 8 phòng học nhằm hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, với sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, toàn tỉnh đưa vào sử dụng hàng trăm phòng học, phòng chức năng. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học toàn tỉnh đạt 96%, cao hơn bình quân chung toàn quốc (tỷ lệ bình quân cả nước là 85%).

Năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được đầu tư 338 tỷ đồng xây mới 238 phòng học, công trình phụ trợ. Ngoài ra, từ ngân sách địa phương và xã hội hóa, các huyện, TP cũng hoàn thành, đưa vào sử dụng hàng trăm phòng học mới; sửa chữa lớp học, sân vườn, tường rào, nhà vệ sinh... bảo đảm sạch sẽ, khang trang.

Trước khai giảng, 100% các trường trên địa bàn tỉnh hoàn thành công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, trong đó chú trọng đến giáo viên giảng dạy lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hội đồng xét tuyển giáo viên, giảng viên của tỉnh đã tuyển 505 giáo viên ở các bậc học, từng bước khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ. Sau khi nhận quyết định, giáo viên mới sẵn sàng bắt kịp ngay với công việc.

Cùng với các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, hòa chung niềm vui đón năm học mới, giáo viên giỏi, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh đều nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ các cấp, ngành và cộng đồng. Những ngày qua, các cấp hội khuyến học trong toàn tỉnh phối hợp tổ chức hoạt động tuyên dương giáo viên có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, tặng quà học sinh giỏi, học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Các trường vận động cha mẹ học sinh, các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ sách vở, quần áo, xe đạp, học bổng. Nhiều trường được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng các phần thưởng cao quý. Đây là động lực để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tiếp tục nỗ lực, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới.

Năm học 2023-2024 đã bắt đầu, toàn ngành phát động thi đua ngay từ giờ học đầu tiên với phương châm “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2021-2030; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới trong bối cảnh chuyển đổi số. Chú trọng xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Minh Thu - Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/411159/nao-nuc-ngay-tuu-truong.html