Nạo vét chỉnh trị dòng chảy khu vực nhánh trái sông Hậu - Kỳ 1: Giải pháp giảm xói lở phù hợp

Theo số liệu thu thập hàng năm, mức độ thiệt hại tại các vị trí dọc bờ sông Hậu và sông Tiền trong tỉnh rất đáng lo ngại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, cảnh quan cộng đồng. Trong đó, TP. Long Xuyên nằm bên bờ sông Hậu, còn xã Mỹ Hòa Hưng nằm giữa sông Hậu, đứng trước nhiều nguy cơ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do đó, việc nạo vét mở rộng nhánh trái sông Hậu để chỉnh trị dòng chảy thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực này được xem là giải pháp phù hợp nhất vào thời điểm hiện nay.

Từ đầu năm 2012 đến nay, trong tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ sạt lở (SL) đất ven bờ sông. Riêng nội ô TP. Long Xuyên đã có 4 vụ SL, trong đó có 2 vụ SL nghiêm trọng tại phường Bình Đức và Bình Khánh.

Trong tháng 10-2018, 4 vụ SL lớn, nhỏ tại xã Mỹ Hòa Hưng liên tục diễn ra. Theo điều tra khảo sát, dưới mỗi vị trí SL là 1 hố xói dạng “hàm ếch”, có chiều sâu khoảng 20m, chiều rộng khoảng 150-200m.

Với mức độ nghiêm trọng khác nhau, trong thời gian ngắn, các vụ SL gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa tính mạng người dân, gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng môi trường và mỹ quan thành phố. UBND tỉnh đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, tập trung khắc phục sự cố, giải pháp lấp hố xói bằng bao tải cát, sau đó làm công trình kè gia cố bờ SL.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bị động, không đảm bảo giải quyết triệt để hiện tượng xói lòng dẫn do tác động của dòng chảy ở đoạn sông phân lạch lệch. Theo dự báo, hiện tượng xói lở sẽ còn tiếp tục xảy ra trên toàn tuyến sông nhánh trái, đoạn chảy qua TP. Long Xuyên.

Kết quả tính toán và dự báo cho thấy, trong 3 năm tới, nếu không có hệ thống chỉnh trị thì phân chia lưu lượng sang nhánh trái từ 17-20% (giảm so với hiện trạng 8-10%). Như vậy, dòng chảy sẽ tập trung chuyển về nhánh phải, dẫn đến lưu tốc nhánh phải tăng lên làm xói lở bờ, tăng chiều sâu và dài hố xói, quá trình SL bờ sẽ xảy ra. Mức độ SL bờ xảy ra ở các khu vực sẽ khác nhau, nhưng dự đoán bề rộng từ 6-25m. Tổng chiều dài các khu vực SL trên sông Hậu đoạn Long Xuyên được ước tính lên tới 13,3km, làm mất 20,86ha đất.

Cụ thể, bên bờ phải nhánh phải (phía bờ Long Xuyên), chiều dài SL được dự báo là 5,6km, phạm vi từ rạch Cần Xây đến rạch Long Xuyên, mất 9,76ha đất. Chiều dài SL đầu cù lao Mỹ Hòa Hưng về 2 phía khoảng 4,5km (bên nhánh phải sạt 2,9km), mất 6,73ha đất. Bờ trái nhánh trái từ kênh Cái Hố đến kênh Chàm Pha (khu vực Chưng Đùng) có thể bị SL dài 2,6km, mất 3,79ha đất. Bờ phải nhánh trái đoạn cuối cù lao Mỹ Hòa Hưng dự báo SL bờ dài 0,6km, mất 0,58ha đất.

Các vụ sạt lở lớn ở xã Mỹ Hòa Hưng trong tháng 10-2018

Các vụ sạt lở lớn ở xã Mỹ Hòa Hưng trong tháng 10-2018

Dù chỉ mới là kết quả mô phỏng biến hình lòng dẫn trong giai đoạn 3 năm tới, nhưng vẫn đủ gây lo ngại cao. Việc xây dựng hệ thống công trình chỉnh trị sông, bảo vệ bờ nhằm hạn chế SL bờ sông, bảo vệ đô thị TP. Long Xuyên, thích ứng với biến đổi khí hậu là cần thiết, cấp bách.

Ngày 21-11-2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 2647/QĐ-BTNMT, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án “Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế SL bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP. Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ngày 6-12-2016, Bộ Giao thông - Vận tải xin ý kiến các địa phương về danh mục nạo vét luồng đảm bảo giao thông, kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia sông Hậu. Ngày 17-3-2017, UBND tỉnh có công văn đồng ý chủ trương tiếp tục triển khai tiểu dự án 1 “Nạo vét mở rộng nhánh trái sông Hậu”.

Nghiên cứu cụ thể cho phương án vừa mở rộng và nạo vét nhánh trái đến cao trình -15m cho thấy, hiệu quả giảm xói lở lòng dẫn nhánh phải sau 3 năm là đáng kể, không những giúp cho địa hình lòng dẫn không bị xói lở như hiện trạng, mà còn giúp một số khu vực bồi tụ, tăng hiệu quả bảo vệ cho các khu vực bị xói lở. Đây là giải pháp được cho là phù hợp nhất thời điểm này, vì kết hợp được nhiều mục tiêu, lợi ích.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, lợi ích trước hết là sẽ làm giảm sự chênh lệch về độ sâu đáy sông để điều chỉnh lưu lượng nước chảy trên cả 2 nhánh (do hiện nay nhánh phải đáy sông sâu hơn nhiều so với nhánh trái); điều tiết bớt lưu lượng nước từ nhánh phải sang nhánh trái; làm giảm mức độ nguy hiểm về SL bờ bên nhánh phải để giữ an toàn cho các khu dân cư bên bờ phải TP. Long Xuyên.

Sau khi nạo vét khai thác, luồng lạch sẽ được khai thông, ổn định độ sâu luồng, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa tốt hơn. Đồng thời, tạo điều kiện việc nuôi trồng thủy sản trong ao, bè ven sông phát triển.

Ngoài ra, có thể tận dụng lượng cát nạo vét làm vật liệu san lấp mặt bằng và trong xây dựng; giải quyết được việc làm cho một bộ phận không nhỏ lao động tại địa phương thông qua thực hiện khai thác, nạo vét, vận chuyển, cung cấp cát…

(Còn tiếp)

Kỳ cuối: Người dân đồng thuận cao

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/nao-vet-chinh-tri-dong-chay-khu-vuc-nhanh-trai-song-hau-ky-1-giai-phap-giam-xoi-lo-phu-hop-a233292.html