NASA điều tra sự cố tàu vũ trụ của Boeing

Sau vụ tàu vũ trụ của Boeing không thể truy cập Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), NASA đang tiến hành điều tra, có thể không cần thử nghiệm lại.

Giám đốc NASA Jim Bridenstine mới đây cho biết, NASA đang mở cuộc điều tra liên quan đến chuyến thử nghiệm của tàu vũ trụ CST-100 Starliner của Boeing không thể đáp xuống Trạm ISS hồi tháng 12/2019, theo Reuters.

Tàu vũ trụ Starline của Boeing đáp xuống sa mạc ở New Mexico. Ảnh chụp màn hình NASA

Tàu vũ trụ Starline của Boeing đáp xuống sa mạc ở New Mexico. Ảnh chụp màn hình NASA

Các chuyên gia của NASA sẽ hợp tác với Boeing để thành lập một nhóm điều tra độc lập xem xét về nguyên nhân chính xác đã khiến Starliner không thể hoàn tất đầy đủ thử nghiệm.

Nhóm điều tra sẽ xem xét các vấn đề dẫn tới sự cố và đưa ra các khuyến nghị cho NASA cân nhắc xem liệu có nên để Boeing thử nghiệm lại hay không. Nếu Starliner có triển vọng để thử nghiệm lại, NASA có thể sẽ tiêu tốn thêm hàng chục triệu USD cho chuyến thử nghiệm và tiếp tục chậm trễ trong quá trình thực hiện tham vọng đưa con người trở lại không gian.

NASA dự đoán cuộc điều tra này kéo dài 2 tháng mới có báp cáo cuối cùng.

NASA khẳng định họ đang xem xét dữ liệu từ chuyến bay để tìm hiểu xem liệu vụ thử nghiệm của Boeing đã đạt được các yêu cầu về hướng dẫn, điều hướng, hiệu suất tổng thể, hệ thống lắp ghép và tháo gỡ của tàu vũ trụ hay không...

Ông Bridenstine cho biết, nhiệm vụ của thử nghiệm chưa đạt được tối đa không phải là cách duy nhất để Boeing có thể chứng minh khả năng của mình. NASA khẳng định việc Starliner thành công kết nối với ISS không phải là điều kiện cần thiết để tiến tới một chuyến bay có phi hành đoàn.

"NASA đang đánh giá dữ liệu nhận được trong nhiệm vụ để xác định xem có cần phải có thử nghiệm khác không. Cách tiếp cận của NASA sẽ là xác định xem NASA và Boeing có nhận đủ dữ liệu để xác thực hiệu suất tổng thể của hệ thống hay không, bao gồm khởi động, vận hành trên quỹ đạo, hướng dẫn, điều hướng và điều khiển, lắp / tháo xuống trạm vũ trụ, thử lại và hạ cánh" - ông Bridenstine nêu rõ.

Trong chuyến thử nghiệm vào cuối tháng 12/2019, Starliner đã thất bại trong việc ghép nối với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) do lỗi hẹn giờ tự động đã ngăn tàu vũ trụ đến quỹ đạo sẽ đưa nó đi đúng hướng để tới Trạm ISS. Đồng hồ trên bảng điều khiền của Starliner đã bị lỗi khiến thời gian trên tàu bị sai, cho rằng nó đang ở giai đoạn bay khác và đốt nhiều nhiên liệu hơn cần thiết, buộc cả NASA và Boeing phải hủy việc ghép nối với ISS để đưa con tàu đủ nguyên liệu để trở về Trái Đất.

Starliner đã đáp xuống sa mạc ở New Mexico và hiện đang trên đường trở về Florida từ New Mexico trong chuyến đi 10 ngày. Tàu vũ trụ có người lái này là một trong những công cụ của NASA nhằm hiện thực hóa tham vọng đưa người trở lại vũ trụ thay vì phụ thuộc vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Chương trình Phi hành đoàn Thương mại (Commercial Crew Program) của NASA - chương trình hợp tác với các công ty tư nhân để đưa con người lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp - được tài trợ lần đầu từ năm 2010 nhưng vẫn chưa có thành công thực sự cho đến nay.

CEO SpaceX từng nói về việc họ bị đối xử không công bằng với những nhà thầu truyền thống của NASA như Blue Origin, Northrop Grumman và ULA và những nỗ lực của họ chưa được công nhận đúng với thực tế.

Hồi tháng 3/2019, Crew Dragon đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm không người lái đầu tiên tới ISS và thành công. Trong khi đó, Starliner vẫn còn phải chờ 2 tháng nữa để xem có cần phải thử nghiệm lại hay không mới có thể đưa người vào không gian.

Dự kiến cả hai con tàu sẽ thực hiện các chuyến bay thử nghiệm chở phi hành đoàn trong 6 tháng đầu năm 2020. Sau quá trình thử nghiệm, NASA sẽ cấp giấy chứng nhận thực hiện đầy đủ sứ mệnh đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ ISS cho các nhà thầu này.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nasa-dieu-tra-su-co-tau-vu-tru-cua-boeing-3394813/