NASA khó trở lại Mặt Trăng vào năm 2024

Sau 50 năm đặt chân lên Mặt Trăng, NASA sợ không thể trở lại đây vào năm 2024 vì thiếu tiền và kỹ thuật.

Washington Post mới đây có cuộc phỏng vấn ông Kenneth Bowersox - một cựu Chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - và được biết những thông tin không mấy lạc quan về chương trình nghiên cứu Mặt Trăng của Cơ quan Không gian Mỹ (NASA).

Ông Kenneth Bowersox - một cựu Chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS)

Ông Kenneth Bowersox - một cựu Chỉ huy Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS)

Ông Kenneth Bowersox nghi ngờ về kế hoạch đưa phi hành gia Mỹ lên Mặt Trăng vào năm 2024 của NASA.

NASA sẽ cố gắng hết sức để đáp ứng thời hạn chương trình Mặt Trăng do Nhà Trắng quy định. Chương trình "có mục tiêu tích cực" nhưng để đáp ứng mục tiêu đặt ra vào năm 2024 thì cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề về kỹ thuật và tàu chính.

"Điều quan trọng là chúng tôi chỉ khởi động khi đã sẵn sàng. Chúng tôi phải đảm bảo nhiệm vụ thành công khi được ra mắt trước công chúng. Chúng tôi sẽ không thực hiện nó một cách tùy tiện. Có rất nhiều rủi ro" - ông Bowersox nhận xét.

NASA hồi đầu năm đã chấp thuận chương trình Mặt Trăng của mình mang tên Artemis và sẽ bao gồm 3 giai đoạn.

Nhiệm vụ Artemis 1 dự kiến thực hiện vào nửa cuối năm 2020, sẽ phóng tàu vũ trụ không người lái Orion bay xung quanh Mặt Trăng và trở lại Trái Đất.

Giai đoạn 2, một tàu vũ trụ có người lái sẽ đi vòng quanh Mặt Trăng vào năm 2022.

Giai đoạn Artemis 3 sẽ là cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 2024.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 tuyên bố ông sẽ phân bổ thêm 1,6 tỷ USD cho ngân sách của NASA để thực hiện chương trình thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa. Khoản tiền này là tách biệt so với khoản ngân sách trị giá 21 tỷ USD đã hứa sẽ phân bổ trước đó cho Cơ quan Vũ trụ Mỹ vào năm tài chính 2020.

Dù được đầu tư tài chính đến vậy, cho tới nay, NASA vẫn chưa thể tự tin về trình độ kỹ thuật phục vụ chương trình thám hiểm Mặt Trăng của mình. 50 năm trước, nước Mỹ tự hào đã đưa được người lên Mặt Trăng, gọi đây là "bước nhảy vọt của nhân loại".

The Verge dẫn lời Mark Sirangelo - người từng hỗ trợ kế hoạch quay lại Mặt Trăng của NASA trước khi nghỉ việc vào tháng 5 vừa qua- nhận định: "Khách quan mà nói, hành trình khám phá không gian của người Mỹ là một bước lùi".

Để đưa Artemis lên khỏi mặt đất, NASA sử dụng phần lớn cơ sở hạ tầng đã có từ thời sơ khai của khám phá vũ trụ. Vẫn như 50 năm trước, NASA tự mình xây dựng và kiểm soát các thành phần quan trọng nhất: tên lửa phóng và con tàu.

Tuy nhiên, "Apollo 11 thời hiện đại" đòi hỏi ngân sách khổng lồ khiến việc phát triển bị chậm trễ khi mọi người phải làm nhiều công việc phức tạp trong khi tài nguyên có hạn.

Hôm 20/7/2019, trên trang điện tử của Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã đăng tải lời chúc mừng của người đứng đầu cơ quan này - ông Dmitry Rogozin - gửi tới NASA nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ xuống Mặt Trăng.

Thông báo nêu rõ: "50 năm trước, Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đã đưa mình vào những cuốn sách lịch sử thám hiểm không gian của thế giới. Họ đã tham gia vào phi hành đoàn của những người tiên phong vĩ đại, những người dám lên đường đến một ẩn số để vượt qua ranh giới của thế giới có thể tiếp cận với nhân loại.

Chúng ta cũng nên vinh danh tất cả các nhân viên kỹ thuật của NASA, đã phải trải qua nhiều thất bại mới có được kết quả đó.

"Tôi tin rằng mục tiêu chung của chúng tôi là xứng đáng với những người tiền nhiệm vĩ đại của chúng tôi, làm phong phú di sản của họ" - ông Rogozin tuyên bố.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/nasa-kho-tro-lai-mat-trang-vao-nam-2024-3387906/