Nát người vì ruợu, bia

Mất thời gian và tiền bạc, hiệu quả lao động ảnh hưởng nghiêm trọng, chất lượng sinh sản suy yếu, trí não tổn thương dẫn đến loạn hành vi. Đó là hậu quả tất yếu mà những người uống nhiều rượu bia phải chịu.

Thế nhưng nếu đối tượng đó là công chức, viên chức, - thành phần lao động chất xám chủ yếu và được coi là tinh túy của xã hội... - thì mức độ thiệt hại cho chính bản thân họ và cộng đồng còn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. “Văn hóa” giao dịch và làm việc trên bàn nhậu càng rộng rãi, thì tham nhũng, suy đồi, tan vỡ hạnh phúc và nguy hại sức khỏe càng có nguy cơ bùng phát. Đã cấm... Từ lâu chúng ta đã có những quy định nhằm ngăn chặn tệ nạn rượu, bia. Ngay từ những năm đầu đổi mới (6.1996), Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Chính phủ đã hai lần ban hành chỉ thị cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc. Đến 31.1.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban quy định về việc quản lý và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc tại công sở. Cán bộ, công chức không được phép chơi games trong giờ làm việc, không uống rượu bia trước và trong giờ làm, kể cả trong bữa ăn giữa hai ca và trong ngày trực. Thế nhưng sau 2 năm thực hiện, thiếu các hoạt động kiểm tra, nhắc nhở và quản thúc, kỷ luật thường xuyên, thực tế cho thấy quy định chủ yếu vẫn chưa được thực hiện. Chưa có một số liệu của cơ quan các cấp nào thống kê được có bao nhiêu cán bộ hay công chức viên chức uống bia rượu trong giờ làm việc, không có án kỷ luật điển hình nào cho các trường hợp đến cơ quan với bộ mặt phừng phừng, hơi thở nồng nặc mùi cồn và giọng nói líu lại. Thậm chí, thứ “văn hóa nhậu” còn được coi như bước tiền đề quan trọng trong quan hệ công việc. Uống rượu trước khi bàn công việc, vừa uống vừa bàn công việc và bàn công việc xong lại uống là cảnh diễn ra hàng ngày hàng giờ trong các nhà hàng lớn nhỏ khắp cả nước. Tất nhiên, những hợp đồng được ký kết bên bàn nhậu, hay những công việc đòi hỏi sự tập trung cao mà có sự khuấy đảo của chất cồn chắc chắn không còn hiệu quả như mong muốn. Hơn thế nữa, việc những bữa nhậu với rượu hàng trăm USD/chai rượu ngoại, và cả chục chai/bữa cùng với “đặc sản” thuộc dạng cấm như thịt thú rừng... cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến lối sống thiếu lành mạnh không kiểm soát, phụ trội chi công việc và nạn tham nhũng gia tăng. Thông tin thống kê chưa đầy đủ từ BV Tâm thần TPHCM, ở độ tuổi trưởng thành , nhóm người sử dụng bia rượu nhiều nhất rơi vào cán bộ công nhân viên chức nhà nước, kể cả không ít người trong lực lượng vũ trang, công an nhân dân và doanh nhân, sau đó mới đến thành phần lao động tự do. ... nhưng vẫn là tệ nạn và căn bệnh mạn tính Quán ăn cũng ngập tràn bia, rượu. Không chỉ là một tệ nạn, nghiện rượu bia còn là một căn bệnh thực sự. Theo bác sĩ Chu Chí Hiếu (Trưởng phòng Dị nguyên, Khoa Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai), chất cồn trong rượu bia gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tổ chức gan, phá hủy chất xám và chất trắng của não. Khi chụp cắt lớp, có thể thấy hình ảnh bộ não của những người nghiện rượu bia lâu ngày có những nốt “thủng lỗ chỗ”. Và nghiêm trọng là tất cả những thương tổn này sẽ không hồi phục, cho dù người bệnh có dừng sử dụng rượu hay không. Biểu hiện lâm sàng cho thấy người bệnh sẽ nói rất nhiều, nói lảm nhảm, khả năng ghi nhớ kém dần, khả năng phân tích, tư duy gần như không còn. Rượu gây nên hội chứng Korsakoff - là hội chứng quên thuận chiều, lúc này người nghiện rượu, bia không còn có khả năng ghi nhận những thông tin mới... Theo TS-DS Nguyễn Hữu Đức - GV ĐH Y dược TPHCM, về cơ chế sinh học, tác hại của rượu ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương (tức bộ não) vì thế y học đã xếp người nghiện rượu vào nhóm “bệnh tâm thần”. Ở Anh, khoảng 5% số người mắc bệnh tâm thần trầm trọng phải đưa vào bệnh viện chữa trị là những người nghiện rượu. Không chỉ thế, giới y học cũng đưa ra nhận định rượụ được xếp ngang hàng với tệ nạn nghiện ma túy. Chính vì thế, cần biết rằng chỉ sau vài lần uống rượu đã có thể khiến con người bị thay đổi chuyển hóa cơ bản một số tế bào não ở những vùng não điều khiển nhân cách, nhận thức, phán đoán, ngôn ngữ, thị giác... Những tế bào não bị tác động bởi rượu bia sau đó sẽ hoạt động một cách bất thường. Uống rượu nhiều gây ngộ độc cấp, có thể dẫn tới tử vong. Uống rượu nhiều sẽ kéo theo việc hấp thu dinh dưỡng kém khiến thiếu protein máu, thiếu vitamin B1… Từ đó dẫn đến tình trạng kém tập trung, dẫn đến dễ bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn trong lao động. Điều đáng nói ở đây là chứng bệnh này, nếu rơi vào tầng lớp công chức, viên chức thì thực sự trở thành một quốc nạn. Bởi lẽ nhóm người này - vốn được học hành, đào tạo nghiêm chỉnh, sử dụng chất xám để lao động, thì lại luôn “tự tin” vào khả năng tư duy và “bản lĩnh kiểm soát tình huống” của mình, thường không nhận thức hoặc ngoan cố chối bỏ thực tế rằng mình đang vướng vào căn bệnh thật sự. Chính vì thế, họ ít khi nào chịu hợp tác với thầy thuốc để chữa trị. Việc uống rượu lâu ngày thành một thói quen còn khiến họ trở nên “tinh tướng” với tửu lượng của mình, trong khi thực tế khả năng kiểm soát tư duy và hành vi ngày càng kém đi, người bệnh uống vào nói năng lảm nhảm, không nhớ mình nói gì, làm gì, dù chỉ một lượng nhỏ rượu. Lý giải cho điều này, bác sĩ Chu Chí Hiếu cho rằng - xét về mặt sinh học - đó là các tế bào thần kinh của người nghiện rượu đã bị “no” chất cồn, do phải “chịu đựng” việc “nhồi” rượu từ ngày này sang ngày khác, nên càng ngày, hành vi của công chức nghiện rượu sẽ càng trở nên loạn xạ, hiệu quả lao động giảm thiểu và khả năng kiểm soát hành vi dần dần bị triệt tiêu. Thực tế lâm sàng cũng cho thấy, những người nghiện bia rượu nếu đột nhiên ngừng uống rượu sẽ bị hội chứng trầm trọng như người nghiện ma túy bị hội chứng cai thuốc, họ cũng bị những cơn ảo giác, đau đớn thậm chí là chứng mê sảng, co giật cấp tính. Rõ ràng tác hại của rượu không chỉ khu trú ở chỗ tàn phá cơ thể và tinh thần người uống mà nó còn gây biết bao hậu quả khác cho xã hội: tội ác, tai nạn giao thông, thiệt hại về tiền của và sức lao động, tổn thất về đạo đức và cả nòi giống mai sau - TS Nguyễn Hữu Đức kết luận.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/nat-nguoi-vi-ruou-bia/20104/181271.laodong