NATO có dám kết nạp Gruzia-Ukraine?

Washington và Brussels đã quá đà trong thách thức Moscow khi gieo hy vọng cho Gruzia-Ukraine, nên lúc này họ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan...

Giới lãnh đạo Nga liên tiếp cảnh báo hậu quả nếu NATO kết nạp Gruzia và Ukraine

Ngày 12/7 vừa qua, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tái khẳng định sự hỗ trợ của liên minh quân sự hùng mạnh này dành cho Gruzia và Ukraine, như một phần tiếp theo của "Kế hoạch Đông tiến".

Ông Stoltenberg đã đưa ra quan điểm trên tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Brussels - nơi Tổng thống Ukraine và Gruzia đã được mời tham dự để thảo luận về việc hai quốc gia này có thể trở thành thành viên đầy đủ của NATO.

Người đứng đầu Ban điều hành NATO thông báo tổ chức quân sự này đồng ý tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Gruzia trong một số lĩnh vực như quản lý khủng hoảng, đào tạo và huấn luyện, nhằm chuẩn bị cho khả năng Gruzia gia nhập NATO.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg

Tổng thư ký NATO cũng khuyến khích Ukraine tiếp tục cải cách mạnh hơn nữa để có thể đáp ứng các tiêu chí gia nhập NATO. Ông Stoltenberg khẳng định NATO ủng hộ mong muốn của Ukraine gia nhập khối quân sự này.

Ngay sau khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Stoltenberg thể hiện quan điểm về việc tiếp nhận Gruzia và Ukraine vào NATO, giới lãnh đạo Nga đã lên tiếng phản đối động thái của Brussels, bởi nó đe dọa trực tiếp đối với Nga..

Ngày 19/7, phát biểu tại cuộc họp với các Đại sứ Nga, Tổng thống Putin tuyên bố, Moscow sẽ chống lại mọi âm mưu bành trướng của NATO, gồm cả việc kết nạp hai nước Gruzia và Ukraine vào "không gia hoạt động" của liên minh quân sự này.

Theo ông Putin, Nga và NATO cần có một chương trình nghị sự tích cực mới nhằm tìm ra "tiếng nói chung" hơn là ở trong thế đối đầu. "Họ cần phải nghĩ tới những hậu quả tiềm tàng từ các chính sách vô trách nhiệm này", Tân Hoa Xã tường thuật.

Người đứng đầu Điện Kremlin cho hay: "Điểm mấu chốt để đảm bảo an ninh và ổn định tại châu Âu là mở rộng hợp tác và khôi phục lòng tin, thay vì NATO triển khai các căn cứ mới và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự gần biên giới Nga như hiện nay".

Tiếp theo ngày 25/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstatin Kosachev tuyên bố trong trường hợp Gruzia gia nhập NATO và cho triển khai lực lượng của liên minh này tới biên giới nước Nga, Moscow sẽ đáp trả về quân sự.

Ông Kosachev nhấn mạnh : "Nếu NATO có kế hoạch triển khai các loại vũ khí và các lực lượng tới Gruzia thì sẽ tạo thêm căng thẳng tại khu vực Nam Caucasus, khi đó chắc chắn sẽ vấp phải kế hoạch đáp trả quân sự từ phía Nga".

Nhà chính trị Nga cũng nêu rõ, trong trường hợp xuất hiện các hệ thống quân sự mới của NATO ở sát với biên giới Nga, Moscow sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh của nước Nga và các nước đồng minh của mình.

Tổng thống Putin đã có nhiều nước cờ khiến Mỹ-NATO việt vị

Và ngày 6/8, đến lượt Thủ tướng Medvedev tuyên bố, mọi quyết định trong tương lai của NATO nhằm kết nạp Gruzia vào khối chắc chắn sẽ châm ngòi "một cuộc xung đột tồi tệ", vì vậy ông hoài nghi về động thái của NATO, theo Reuters.

Tuyên bố của Thủ tướng Medvedev được đưa ra khi Mỹ cùng các đồng minh trong NATO và các nước đối tác đang tổ chức cuộc tập trận chung với Gruzia, mang tên "Noble Partner 2018 - Đối tác cao quý", như một sự thách thức đối với Nga.

Các cuộc tập mang tên Noble Partner được tổ chức tại Gruzia từ năm 2015 với mục đích giúp cho quân đội Gruzia làm quen cách thức tổ chức và triển khai kế hoạch hành động của NATO, nhằm dần đáp ứng chuẩn của NATO.

Năm 2008, sau cuộc chiến tranh Nga-Gruzia, NATO và Gruzia đã ký kết một Kế hoạch thúc đẩy tiến trình Gruzia hòa nhập vào không gian chung Châu Âu-Đại Tây Dương, mà mục đích cuối cùng là Gruzia gia nhập NATO và EU.

Còn với Ukraine, chính quyền Kiev hậu Maidan cũng được Brussels hứa hẹn là sẽ trao quy chế thành viên NATO và EU cho Ukraine khi các cuộc cải cách chính trị, kinh tế, quân sự đạt chuẩn NATO, EU.

Trong khi cả Gruzia và Ukraine đều có chung biên giới với Nga, vì vậy khát vọng của Tbilisi và Kiev cũng như tham vọng của Washington và Brussels luôn được xem là sự thách thức với Moscow và đe dọa an ninh của nước Nga thời hậu Xô Viết.

NATO có dám kết nạp Gruzia và Ukraine, bất chấp cảnh báo của Nga?

Những cam kết và tái cam kết của giới lãnh đạo NATO liên tục được đưa ra nhằm giúp hiện thực hóa khát vọng của Tbilisi và Kiev, cho thấy việc kết nạp cả Gruzia và Ukraine dường như chỉ còn là vấn đề thời gian với NATO.

Không những vậy, trong 10 năm qua, Washington và Brussels liên tục thất thế trước Moscow trong những nước cờ nhằm giành ưu thế về địa chính trị - địa chiến lược trong không gia hậu Xô Viết.

NATO không thể mạo hiểm sửa đổi Hiến chương chỉ đển đón Gruzia và Ukraine

Từ cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia đến cuộc Khủng hoảng Ukraine và gần đây nhất là cuộc Cách mạng quyền lực tại Armenia, Washington và đồng minh luôn bị việt trước các nước đi của Tổng thống Putin.

Sau các nước cờ ấy, Moscow không những đã thanh toán sòng phẳng cả vốn lẫn lãi cho "món nợ Kosovo" 19 năm trước, mà còn đưa những ván cờ vốn đang rất nóng hổi thành những ván cờ tàn với Mỹ và phương Tây.

Trước sự bẽ bàng ấy, có thể nhận diện Washington và Brussels sẽ không dừng "Kế hoạch Đông tiến" của cả NATO và EU, và việc đón nhận cả Gruzia và Ukraine sẽ như một lẽ tự nhiên - bởi đây là cách trả đũa Moscow tốt nhất .

Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù có động lực và tham vọng, song cả Washington và Brussels chưa hẳn đã dám "liều mình" kết nạp Gruzia và Ukraine, bởi hành động ấy sẽ tạo tạo ra những hiệu ứng bất lợi rất lớn cho Mỹ và phương Tây.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nato-co-dam-ket-nap-gruzia-ukraine-3363269/