NATO đóng eo biển Bosphorus trả đũa việc Nga phong tỏa biển Azov?

Việc xây dựng một cây cầu chắn ngang eo biển Kerch - lối dẫn vào biển Azov và chỉ để lại một tuyến giao thông ngay dưới chân cầu được xem là 'đòn hiểm' của Nga nhằm kiểm soát toàn bộ vùng biển này.

Từ hôm qua, sự kiện quân sự nóng nhất chính là cuộc căng thẳng giữa lực lượng biên phòng Nga và Ukraine xung quanh cây cầu nối hai bờ eo biển Kerch.

Hải quân Nga tuyên bố rằng phía Ukraine đã không tuân thủ quy định ra vào eo biển Kerch do họ đặt ra vì đây hoàn toàn là vùng biển thuộc lãnh hải của họ.

Đáp trả lại, phía Ukraine tuyên bố bằng toàn bộ bán đảo Crimea hiện do Nga chiếm đóng vẫn thuộc chủ quyền của mình và Hải quân Ukraine không phải tuân thủ luật chơi do Nga đặt ra.

Sự kiện trên đã dẫn tới cuộc đụng độ giữa tàu biên phòng hai bên, kết quả là 2 xuống cao tốc cùng 1 tàu kéo của Ukraine đã bị Hải quân Nga bắt giữ.

Ngay sau đó Hải quân Nga đã đóng chặt tuyến đường giao thông duy nhất để đi vào biển Azov ở ngay phía dưới nhịp chính của cầu vượt eo biển Kerch.

Một tàu hàng cỡ lớn cùng tàu biên phòng của Nga đã túc trực tại đây, phía trên là các máy bay Su-25 cùng trực thăng tấn công Ka-52 quần thảo với vai trò răn đe.

Ngay lập tức chính quyền Ukraine đã cáo buộc Nga có ý định độc chiếm biển Azov bằng cách phớt lờ quyền tự do đi lại vốn được quy định trong công ước biển của Liên hợp quốc.

Cần lưu ý rằng trước khi có cây cầu vượt eo biển Kerch thì tàu thuyền có thể tự do ra vào khu vực này mà không phải chịu sự giám sát và khống chế của các tàu chiến Nga.

Phía trong eo biển Kerch chính là biển Azov, đây là vùng biển kín tiếp giáp cả Nga lẫn Ukraine, khi bán đảo Crimea thuộc Ukraine thì hai bên cùng quản lý tuyến đường ra vào duy nhất này.

Nhưng khi bán đảo Crimea sáp nhập với Nga năm 2014 thì họ mặc nhiên trở thành lực lượng duy nhất nắm quyền kiểm soát tuyến đường ra vào biển Azov.

Việc Nga xây dựng cầu vắt ngang eo biển Kerch và chỉ để một lối ra vào duy nhất dưới nhịp chính đã nhiều lần bị phản ánh là ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại.

Hành động này được so sánh như một số quốc gia ở đầu nguồn nước nhưng lại xây dựng đập thủy điện bất chấp ảnh hưởng của những nước nằm ở vùng hạ lưu của con sông.

Dưới sự đề nghị của Ukraine, khối quân sự NATO có thể sẽ can thiệp bằng cách đóng eo biển Bosphorus để ngăn cản các tàu chiến Nga đi ra khỏi biển Đen để tiến vào Địa Trung Hải.

Eo biển Bosphorus có chiều rộng lớn nhất 3,7 km ở lối vào phía bắc và nhỏ nhất là 0,75 km nằm giữa hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari; độ sâu dao động trong khoảng 36 - 124 m tính theo giữa luồng.

Nếu eo biển Bosphorus bị đóng sẽ là bức tường ngăn cách, khiến toàn bộ khu vực biển Đen chỉ còn là một chiếc "ao làng" tương tự biển Caspian, các loại tàu thuyền cả quân sự lẫn thương mại của Nga sẽ không có đường ra Địa Trung Hải cũng như Đại Tây Dương.

Do vậy để tránh trường hợp bị đáp trả bởi NATO do hành động phong tỏa eo biển Kerch, Nga đã sớm chấm dứt đóng tuyến đường qua lại duy nhất dưới chân cầu Kerch.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nato-dong-eo-bien-bosphorus-tra-dua-viec-nga-phong-toa-bien-azov/791259.antd