NATO - Thổ Nhĩ Kỳ: Lý do quan hệ xuống dốc không phanh

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt lên án

Cuối tuần trước, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara đã rút 40 binh sĩ tại Na Uy về nước, không tham dự cuộc tập trận chung với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Erdogan lên án gay gắt hành động của NATO.

Thông tin trên được đưa ra sau khi tên của ông Erdogan và hình ảnh của ông Mustafa Kemal Ataturk, người lập ra nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, bị sử dụng để làm bia cho cuộc tập trận của liên minh quân sự NATO và bị mô tả là “kẻ thù”.

“Không hề có sự đoàn kết và cũng chẳng có liên minh nào như vậy”, ông Erdogan tuyên bố.

Theo AP, người bố trí tấm bia cho cuộc tập trận nêu trên được cho là một nhà thầu dân sự Na Uy được thuê bởi chính quyền nước này, không phải do nhân sự của NATO. Tuy nhiên, nhiều tờ báo khác khẳng định, một kỹ thuật viên và một quan chức của liên minh quân sự đã gây ra vụ việc.

Sau khi xảy ra sự cố trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ra một tuyên bố xin lỗi: “Tôi rất tiếc về sự xúc phạm đó”. Ông khẳng định vụ việc này là kết quả từ “những hành động của một cá nhân” và không phản ánh quan điểm của liên minh.

Ông cũng cho hay, người bố trí tấm bia trên đã không được tham gia vào các công tác liên quan tới cuộc tập trận, đồng thời một cuộc điều tra đang được tiến hành.

“Chính quyền Na Uy sẽ quyết định kỷ luật đối với những cá nhân liên quan. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh đáng quý trọng của NATO, là quốc gia luôn có những đóng góp quan trọng đối với an ninh của liên minh”, ông Stoltenberg nói.

Tổng thư ký NATO cho biết, ông cũng đã điện đàm với người đứng đầu bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh sự việc “sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào kéo dài và mọi việc sẽ được gác lại”.

Một ngày sau khi ông Jens Stoltenberg đưa ra lời xin lỗi trên, ông Erdogan đã phản ứng mạnh mẽ. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không chấp thuận lời xin lỗi từ phía NATO. Ông nói trên truyền hình: “Mọi người đã thấy hành động thiếu tôn trọng của NATO trong cuộc tập trận. Có những lỗi sai không phải do những tên ngốc gây ra mà là hành động của những kẻ hèn hạ”.

“Vấn đề này không thể bị lấp liếm bởi một lời xin lỗi đơn giản”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Xa NATO, xích lại gần Nga

Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác quan trọng của NATO, đã tham gia liên minh này vào năm 1952, ba năm sau khi ký Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, từ khoảng thời gian đó tới nay, quan hệ giữa hai bên đã trải qua không ít thăng trầm.

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gần gũi.

Đặc biệt, trong thời gian vài năm trở lại đây, quan hệ giữa Ankara và các thành viên NATO khác ngày càng xấu đi, trong khi quan hệ với Nga lại ngày càng khởi sắc. Điều đáng nói là NATO luôn coi Moscow là một mối đe dọa đối với an ninh của khối, tạo ra nhiều thách thức đối với các quốc gia thành viên châu Âu.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hồi tháng Mười từng khẳng định, Liên minh châu Âu (EU) đã khiến Ankara mất niềm tin, do đó họ không cần tới EU nữa. Ông khẳng định, NATO đã chứa chấp những kẻ tìm cách làm suy yếu chính quyền của ông, trong đó có giáo sĩ Gulen (hiện đang tị nạn ở Mỹ), người từng bị cáo buộc giật dây cuộc đảo chính năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, những bất đồng về vấn đề người Kurd vẫn chưa được hóa giải giữa NATO và Ankara sau nhiều lần tranh cãi căng thẳng.

Trong khi đó, Ankara ngày càng có xu hướng xích gần lại Nga hơn. Minh chứng gần đây nhất chính là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Kremlin. Thương vụ này đã khiến Mỹ và NATO trở nên bất an vì một đồng minh trong khối mà lại đi mua vũ khí của đối thủ. Nhiều quan chức, tướng lĩnh châu Âu đã lên tiếng đe dọa trừng phạt Ankara nếu mua vũ khí từ Nga.

Lầu Năm Góc nghi ngờ việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác với Moscow trong khi thờ ơ, giữ khoảng cách với NATO có thể trở thành mối đe dọa đối với khối quân sự này. Các chuyên gia phương Tây còn lo ngại khả năng Ankara cung cấp cho Nga những bí mật của NATO, bao gồm cả những kế hoạch và thông tin về các căn cứ quân sự bí mật của liên minh.

Trên thực tế, dù Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã cố gắng tìm cách cải thiện mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong thời điểm này, nhưng những kết quả đạt được lại chẳng mấy khả quan. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nghiêng về phía Nga, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, khi cả Ankara và Moscow cùng có những điểm song trùng về lợi ích và chiến lược.

Trong tương lai, quan hệ giữa Mỹ-NATO và Thổ Nhĩ Kỳ được dự báo là sẽ tiếp tục gặp phải những trở ngại, đặc biệt khi quan điểm của mỗi bên về các vấn đề chung vẫn còn quá nhiều khoảng trống không thể lấp đầy..

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nato-tho-nhi-ky-ly-do-quan-he-xuong-doc-khong-phanh-a347748.html