Navigos dự báo 3 nhóm có nhu cầu lớn về lao động năm 2023

Navigos Group nhận định bức tranh thị trường lao động Việt Nam năm vừa qua có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động có xu hướng tăng nhanh và ổn định, cùng với đó là dự báo các dấu hiệu tích cực về việc làm từ 3 nhóm trong năm 2023.

Ngành sản xuất công nghiệp được dự báo có nhiều khởi sắc.

Ngành sản xuất công nghiệp được dự báo có nhiều khởi sắc.

Theo Báo cáo khảo sát tiền lương của Navigos Group công bố tháng 1/2023, các lĩnh vực cần nhiều lao động sắp tới là ngành sản xuất công nghiệp, công nghệ thông tin và các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Nhóm ngành sản xuất công nghiệp

Theo báo cáo của Navigos Group, ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều biến động. Hoạt động sản xuất đã khởi sắc trở lại trong 3 quý đầu năm 2022 với nhiều cơ hội việc làm được mở ra cho người lao động.

Tuy nhiên, đến quý 4/2022, do ảnh hưởng từ sự sụt giảm các đơn hàng chủ chốt từ Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, chỉ số sản xuất tại Việt Nam tháng 12/2022 đã ở mức thấp nhất kể từ quý 3/2021. Đồng thời với việc giảm sản lượng sản xuất, số lượng việc làm cũng giảm tương ứng và là mức giảm mạnh nhất trong 14 tháng qua.

Thị trường thế giới năm 2023, theo dự báo, còn tiềm ẩn những nhân tố bất lợi nhưng khả năng có thể sẽ phục hồi trở lại từ giữa năm 2023. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mở ra những triển vọng cho Việt Nam trong năm tới.

Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư FDI trong ngành sản xuất tại Việt Nam năm 2022 khá tốt, với hơn 22 tỷ USD và nếu được triển khai trong 2023 sẽ có tác động tích cực tới ngành kinh tế Việt Nam nói chung và ngành sản xuất nói riêng.

Khu vực FDI chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022, trực tiếp và gián tiếp tạo ra việc làm cho khoảng 12 triệu lao động Việt Nam. Đây cũng là những yếu tố mang lại góc nhìn tích cực cho thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới.

Nhóm ngành công nghệ thông tin

Sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngành công nghệ thông tin đã có nhiều thay đổi và xuất hiện một số xu hướng nổi bật về mô hình làm việc, công nghệ và văn hóa doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh các công ty trong ngành công nghệ thông tin cũng như phần lớn các ngành nghề khác đều chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến.

Tuy nhiên, trong năm 2022, theo quan sát của Navigos Search, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã trở nên linh hoạt hơn cùng nhiều mô hình làm việc phù hợp với kỳ vọng của người lao động cũng như đáp ứng được tốc độ phát triển của dự án hay cam kết với khách hàng.

Nhu cầu tuyển dụng ngày công nghệ thông tin tiếp tục tăng.

Đi kèm với sự linh hoạt này là những trăn trở về việc đảm bảo hiệu suất lao động với các cơ chế quản lý từ xa hoặc giao việc thông qua các ứng dụng quản lý công nghệ. Một số công ty đề xuất mô hình làm việc linh hoạt với các nhân sự đã có ít nhất một năm làm việc tại văn phòng, thay vì áp dụng cơ chế này cho nhân viên mới.

Trong năm 2022, thị trường công nghệ thông tin nhìn thấy sự tăng trưởng mạnh ở các công nghệ mới như AI và Data. Các doanh nghiệp với dữ liệu khách hàng lớn như ngân hàng, viễn thông và bán lẻ tuyển dụng thêm nhiều nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Do nguồn cung nhân lực trong nước còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút nhân sự người Việt có kinh nghiệm AI và Data ở nước ngoài về tham gia thị trường lao động với mức thù lao cạnh tranh.

Bên cạnh đó, số lượng tuyển dụng các vị trí việc làm cũng tăng lên đáng kể. Khi yêu cầu tuyển dụng tăng lên đồng nghĩa với sự cạnh tranh để thu hút nhân sự tốt cũng tăng lên và các công ty được kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách linh hoạt để thu hút nhân tài. Xu hướng này được Navigos Group cho rằng sẽ tiếp tục nổi lên trong năm 2023.

Nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản

Việt Nam được xếp hạng thứ 7 trong danh sách các nước đáng đầu tư trên toàn cầu (được bình chọn bởi U.S.News). Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,02% vào năm 2022, tốc độ hàng năm nhanh nhất kể từ năm 1997, được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ trong nước và xuất khẩu mạnh mẽ, nhưng đang phải đối mặt với những khó khăn từ suy thoái toàn cầu.

Theo Navigos Group, những chỉ số này là dấu hiệu rất tích cực cho thị trường lao động Việt Nam năm 2023. Đại dịch Covid đã giúp các doanh nghiệp đưa ra được những sáng kiến và giải pháp sáng tạo về định hướng kinh doanh, mô hình quản lý doanh nghiệp, hình thức làm việc, cách gắn kết lao động trong công ty.

Trái với “xu hướng” sa thải hàng loạt từ các ông lớn ngành công nghệ, phần lớn các doanh nghiệp Nhật duy trì, thậm chí tiến hành tuyển dụng thêm. Tuy nhiên, các khâu tuyển dụng được thực hiện lâu và kéo dài do đặc điểm điển hình của các doanh nghiệp Nhật Bản, đòi hỏi hài hòa nhiều yếu tố từ kinh nghiệm làm việc, tuổi tác, giới tính, tính cách, định hướng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã quen với mô hình làm việc Hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến), phỏng vấn/ họp online, tinh giản bộ máy nhân sự, cắt giảm các vị trí dư thừa.

Trong năm 2022, hình thức làm việc Hybrid cũng như các quyền lợi y tế - hỗ trợ Covid đã trở thành một trong các quyền lợi hấp dẫn người lao động. Những giải pháp tức thời này cũng là điểm mới đối với những doanh nghiệp truyền thống như doanh nghiệp Nhật Bản.

Kỳ vọng của người lao động về sự thay đổi của doanh nghiệp trong năm 2023:

Khảo sát về kỳ vọng của người lao động vào chính sách lương thưởng và phúc lợi của công ty hiện tại, có thể thấy, "Lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên" chính là sự lựa chọn chiếm tỷ trọng cao nhất với 45,6%, chiếm gần 1 nửa số câu trả lời.

Về các khoản phụ - trợ cấp, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp có “Thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch” với tỷ lệ 5,5%. Họ cũng mong muốn doanh nghiệp có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,7%) và có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,6%).

Có thể thấy, những chính sách tác động lên thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động.

Người lao động tham gia khảo sát của Navigos Group chủ yếu là người Việt Nam làm việc trong 23 ngành nghề: Xây dựng và bất động sản, công nghệ thông tin và viễn thông, thiết bị điện tử, bán lẻ/ bán buôn, thực phẩm và đồ uống, ngành hàng tiêu dùng nhanh, ngân hàng, giáo dục, may mặc, da giày, vận tải…

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/navigos-du-bao-3-nhom-co-nhu-cau-lon-ve-lao-dong-nam-2023-post17068.html