'Né' trách nhiệm nên giải ngân vốn đầu tư công 'ì ạch'

Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 vẫn chậm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu… Theo nhiều chuyên gia kinh tế, có nhiều vướng mắc khiến tốc độ giải ngân 'ì ạch', trong đó một phần do cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm.

“Đá bóng” trách nhiệm, nhiều dự án chậm tiến độ

Trao đổi với phóng viên Tin tức, Giám đốc một Ban quản lý dự án xây dựng ở Hà Nội chia sẻ: “Cán bộ thực thi nhiều lúc cảm thấy oải vì có những văn bản pháp lý quy định chồng chéo, không rõ ràng, thậm chí “đá nhau”. Doanh nghiệp không hiểu một số vấn đề về pháp lý, hỏi cấp trên nhưng cán bộ trả lời lại không đúng trọng tâm, không trả lời trực diện, cụ thể.

Ví dụ, dự án triển khai tại địa phương, doanh nghiệp thắc mắc, cán bộ giải thích không hiểu hoặc cố tình không hiểu, thậm chí trả lời “phải chờ hỏi cấp trên”. Trên Trung ương, một số bộ, ngành phản hồi công văn lại trả lời cứng nhắc, khó hiểu, chỉ trích dẫn làm theo điều nọ khoản kia. Tình trạng “dưới đẩy lên trên, trên đẩy xuống dưới”, cán bộ không dám phê duyệt, sợ trách nhiệm, khiến dự án đầu tư công kéo dài, chủ đầu tư phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính). Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), đầu tư công là một trong những trụ cột để thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng. Nhưng thời gian qua, tốc độ giải ngân vốn vẫn rất chậm.

Nguyên do công tác phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị tại địa phương chưa tốt trong việc xác minh nguồn gốc đất, thẩm tra hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của hộ dân, phối hợp tham mưu UBND địa phương để xử lý các vướng mắc phát sinh… dẫn đến chậm trễ trong việc lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

“Công tác tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa kịp thời. Đơn giá bồi thường đất đai chưa sát thực tế, khiến dự án chậm triển khai; giá cả vật liệu xây dựng “leo thang”; việc lập kế hoạch giải ngân của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chưa sát thực tế. Tình trạng “vốn chờ dự án”, tức là vốn đã bố trí nhưng hồ sơ thủ tục còn chưa hoàn tất, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần làm mất rất nhiều thời gian”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã rất quyết liệt, thực hiện nhiệm vụ hơn cả mong đợi của chúng ta, nhưng kết quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được như mong muốn.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) phát biểu ý kiến tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) dẫn Báo cáo nghiên cứu kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy 20% các địa phương đình trệ trong giải quyết công việc, các sở ngành có xu hướng không làm gì trong năm 2022.

Mới đây, dư luận xã hội rất quan tâm về thông tin do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng phát biểu việc TP Hồ Chí Minh từng gửi gần 600 văn bản hỏi ý kiến bộ trong năm 2022. Qua đó phản ánh tình trạng các cơ quan hành chính, các công chức viên chức TP Hồ Chí Minh “sợ sai”, không dám làm dẫn đến sự đình trệ trong công việc.

“Riêng năm 2022, TP Hồ Chí Minh hỏi Bộ KH-ĐT 584 văn bản, Bộ phải trả lời 604 văn bản. Nhưng các vấn đề đó không quan trọng, điều quan trọng là các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Đó mới là điều quan trọng, cho thấy hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng lên trên, rồi lại ngồi chờ...”, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Lý giải vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ: Những vấn đề này cơ bản nằm ở 4 nhóm. Thứ nhất là nhóm những vấn đề đã có quy định nhưng có khác nhau ở luật này, luật kia nên phải hỏi lại; nhóm thứ hai đã có quy định nhưng cách hiểu khác nhau và cần phải hỏi; nhóm thứ ba là vấn đề rõ rồi, nhưng đội ngũ cán bộ nghiên cứu chưa chắc, vì thế cũng phải hỏi.

Sự lúng túng như trên của các cơ quan quản lý, lãnh đạo có trách nhiệm đã khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải chờ đợi "mỏi mòn", dự án vì thế cũng "dậm chân tại chỗ"...

“Điều này đã tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Tính chung trong năm 2022, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 143 nghìn doanh nghiệp. Bình quân 1 ngày có khoảng 400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Điều đáng nói, quý I/2023, lần đầu tiên trong lịch sử, số doanh nghiệp đóng cửa vượt số doanh nghiệp đăng ký mới. Cụ thể, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường quý I là 60,2 nghìn doanh nghiệp; số doanh nghiệp đăng ký mới quý I/2023 là 57 nghìn doanh nghiệp. Phải chăng hàng ngàn thủ tục mới phát sinh đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm ngàn doanh nghiệp đến cảnh khốn cùng như thế?”, đại biểu Trần Văn Khải băn khoăn.

Đại biểu Trần Văn Khải cho biết, cử tri đặt câu hỏi, cải cách hành chính chưa hiệu quả gây lãng phí thời gian, cơ hội, nguồn lực cho người dân, doanh nghiệp và đất nước là bao nhiêu?

Đối với lĩnh vực giao thông, vận tải (GTVT), đại diện Bộ GTVT cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2023, Bộ đã giải ngân được khoảng 28.600 tỷ đồng, đạt khoảng 30% kế hoạch năm (cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước; tỷ lệ trung bình Việt Nam khoảng 15,65%). Trong đó, riêng các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giải ngân đạt 21.075 tỷ đồng, dự kiến tháng 6/2023 sẽ giải ngân tiếp hơn 5.200 tỷ đồng, đáp ứng tiến độ Chính phủ giao.

Tuy nhiên theo Bộ GTVT, vẫn còn một số dự án chậm so với kế hoạch vốn giải ngân như các cao tốc thành phần: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Diễn Châu - Bãi Vọt…
“Trong kế hoạch vốn giao cho các Sở GTVT làm chủ đầu tư, hiện có 20 dự án/19 Sở GTVT đang chậm tiến độ giải ngân, mới đạt tỷ lệ 31% kế hoạch năm 2023, 5 Sở GTVT chưa giải ngân được, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Hải Dương, Phú Yên, Sơn La. Đáng chú ý, trong số 18 dự án đang thi công, có tới 10 dự án tiến độ triển khai thi công chậm so với kế hoạch, nhiều dự án không hoàn thành theo đúng kế hoạch trong năm 2022…”, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết.

Trách nhiệm phải được phân định rõ như kỷ luật "thép"

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

“Hiện, 70% các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được phản ánh đang gặp khó khăn về pháp lý. Đó là sự cảnh báo về tình trạng trì trệ nghiêm trọng”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.

Để nền kinh tế vượt qua những khó khăn, Việt Nam cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn. “Vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật thép, để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng được tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc, những vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.

Mặc dù đã có sự biến chuyển từ các bộ, ngành, địa phương đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, so với tổng kế hoạch vốn được giao và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân trên vẫn có chiều hướng giảm nhẹ. Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và triệt để thực hiện các giải pháp đã đề ra như: Phân cấp, phân quyền, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, triển khai, tổ chức thi công… Quan trọng nhất, vẫn nằm ở khâu tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Nếu vượt tầm, đề nghị cơ quan giải quyết phải chủ động đề xuất. Trong quá trình xử lý, người đứng đầu đơn vị cần mạnh dạn yêu cầu cơ quan quản lý, thậm chí Chính phủ để chỉ đạo kịp thời. Nếu các đơn vị nhận thầu thi công không đủ năng lực tài chính, công nghệ, chủ đầu tư đề xuất người đứng đầu thay thế nhà thầu khác. Trường hợp gặp khó khăn về đơn giá định mức tăng cao, người đứng đầu địa phương, bộ ngành, theo thẩm quyền có thể xem xét đưa ra định mức trong phạm vi của mình. Giá nguyên vật liệu đầu vào “leo thang”, người đứng đầu địa phương có thể kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành giải quyết yêu cầu của đơn vị thi công, có thể liên kết liên doanh đơn vị khác để đáp ứng đủ nguồn cung ứng nguyên vật liệu”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.

Đường 3/2 nối dài, đoạn Rạch Giá - Châu Thành đang thi công. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Có thể thấy, công tác giải ngân vốn đầu tư công không còn là nhiệm vụ riêng của một bộ, ngành, địa phương nào, mà đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với mục tiêu lấy giải ngân làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, các Tổ công tác của Chính phủ đã bắt tay ngay vào việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc tổ quản lý để nắm bắt các khó khăn vướng mắc và kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: Cùng hệ thống pháp lý mà địa phương này, bộ kia triển khai rất tốt, tỷ lệ giải ngân cao, trong khi địa phương khác, ngành khác lại đạt tỷ lệ thấp. “Đó chính là vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ KHĐT đề nghị các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp quan tâm và giám sát ngay địa phương mình, ngành mình để cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế của cả nước.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo, rà soát các dự án đến nay chưa giải ngân được, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, tìm rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý; kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật; đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến dự án đầu tư công không còn phù hợp với thực tế như pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, đất đai, quy hoạch... trên tinh thần phân cấp, phân quyền, trách nhiệm, giảm tối đa thủ tục hành chính.

“Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, cần tiếp rà soát lại quy định pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khâu nào có thể đẩy nhanh và rút ngắn sẽ kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác; đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan đến kiểm đếm, giải phóng mặt bằng; kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh; điều chuyển cán bộ có tâm lý né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Tinh thần chung, Thủ tướng Chính phủ vẫn chỉ đạo quyết tâm phấn đấu đạt 95% kế hoạch năm nay. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ đang rất quyết tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện cho được.

Năm 2023 có một số đặc thù, đó là quy mô vốn đầu tư công năm 2023 lớn hơn các năm (710.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 23%, tương ứng 130.000 tỷ đồng); các yếu tố phát sinh về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng; tình trạng một số bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, làm cho các thủ tục kéo dài.

Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, TS Nguyễn Trí Hiếu và PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) chia sẻ với phóng viên báo Tin tức về khó khăn và trách nhiệm của người lãnh đạo trong giải ngân nhanh đầu tư công:

Tôn-Hiếu-Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ne-trach-nhiem-nen-giai-ngan-von-dau-tu-cong-i-ach-20230606092904280.htm