Né tránh, ngại va chạm khi thực hiện kết luận thanh tra công vụ

Kết luận thanh tra công vụ là 'cây gậy' quan trọng để chấn chỉnh những khuyết điểm, tồn tại trong bộ máy hành chính; tuy nhiên, vẫn còn tình trạng né tránh, ngại va chạm khi tổ chức thực hiện các kết luận sau thanh tra công vụ.

Ban Pháp chế - HĐND TP Hà Nội vừa công bố kết quả giám sát việc thực hiện kết luận sau thanh tra công vụ; thông báo kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của Ban Pháp chế, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong thực thi chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức đã tập trung vào trách nhiệm của thủ trưởng, cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ. Thành phố cũng đã chỉ đạo thanh tra kịp thời các vụ việc có tính chất phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội và nhiều người dân quan tâm.

Đoàn thanh tra công vụ tới làm việc tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh minh họa

Đoàn thanh tra công vụ tới làm việc tại UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh minh họa

Chậm thực hiện kết luận thanh tra

Theo Trưởng Ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã tổ chức 152 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 6 cuộc thanh tra chuyên ngành, 16 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng, cơ quan, đơn vị; đã tổ chức thực hiện cơ bản xong 91 kết luận. Ban Pháp chế cho biết, qua hoạt động thanh tra, đã kịp thời phát hiện thiếu sót, tồn tại liên quan đến trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; đã kiến nghị khắc phục một số sai phạm, nêu rõ hình thức xử lý, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có vi phạm.

Dù vậy, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, việc tổ chức thực hiện các kết luận sau thanh tra công vụ ở một số đơn vị còn chậm. Việc triển khai thanh tra tại các đơn vị cũng chưa đồng đều; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt, dẫn đến các vụ việc chưa thực hiện dứt điểm. Hiện tại, Thanh tra thành phố mới tổ chức thực hiện xong được 1/9 kết luận, 1 kết luận chưa tổ chức thực hiện; cấp huyện còn 44 kết luận đang tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, một số đơn vị đã không tổ chức thanh tra theo thẩm quyền hoặc có thanh tra, kiểm tra nhưng không ban hành kết luận thanh tra hoặc báo cáo kết quả kiểm tra để tổ chức thực hiện như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đông Anh, Thạch Thất, Hoàn Kiếm, Gia Lâm. Một số đơn vị chưa có lộ trình giải quyết cụ thể và giải pháp khắc phục một số sai phạm đã nêu trong kết luận.

Phải quy rõ trách nhiệm cá nhân

Nêu ra một số trở ngại đối với việc thực hiện kết luận sau thanh tra công vụ, Ban Pháp chế cho biết, Luật Cán bộ, công chức hiện chưa quy định nội dung cụ thể liên quan đến công tác thanh tra công vụ. Cùng đó, hệ thống, chính sách pháp luật còn chồng chéo, chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý trách nhiệm đối với các đối tượng cố ý không thực hiện kết luận thanh tra công vụ.

Trong khi đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu đơn vị chưa tập trung quyết liệt giải quyết đứt điểm, đặc biệt, còn tình trạng né tránh, ngại va chạm khi tổ chức thực hiện các kết luận sau thanh tra công vụ. Nhiều đơn vị liên quan chưa tích cực, chủ động tham mưu, đeo bám, đề xuất, báo cáo xin ý kiến UBND TP và các sở, ngành chuyên môn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong quá trình tổ chức thực hiện…

Để đảm bảo tính hiệu lực của các văn bản kết luận sau thanh tra công vụ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Ban Pháp chế HĐND TP đề nghị UBND TP Hà Nội cần siết chặt công tác kiểm tra các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, chỉ đạo xây dựng kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kết luận sau thanh tra công vụ.

“Cần quy định cụ thể tiến độ, thời gian tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện. Phải quy định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện và cơ chế xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân không thực hiện, chậm thực hiện hoặc không báo cáo, chậm báo cáo hay báo cáo không đầy đủ kết quả thực hiện kết luận thanh tra công vụ”.

Ông Nguyễn Hoài Nam (Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP Hà Nội)

Đông Hưng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ne-tranh-ngai-va-cham-khi-thuc-hien-ket-luan-thanh-tra-cong-vu/741023.antd