Ném chất bẩn vào cửa hàng quần áo để đòi nợ

Ngày 12/8, thông tin từ Công an TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) cho biết, đã bắt giữ 2 đối tượng và đang tiếp tục điều tra làm rõ kẻ chủ mưu thuê ném chất bẩn để đòi nợ gây bức xúc dư luận trên địa bàn.

Sau một thời gian tích cực điều tra, xác minh, Công an TP Thanh Hóa đã bắt giữ 2 đối tượng gồm: Lê Tuấn Anh, sinh năm 1998 và Nguyễn Đức Anh, sinh năm 2000, đều ở xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa để làm rõ hành vi hủy hoại tài sản.

 Hai đối tượng tại cơ quan điều tra

Hai đối tượng tại cơ quan điều tra

Trước đó, khoảng 3h sáng ngày 1/7, hai đối tượng nói trên đã dùng một khối lượng lớn chất bẩn ném vào cửa hàng bán quần áo của chị N.T.T.L. có địa chỉ tại phố Đinh Công Tráng, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa làm toàn bộ hàng hóa trong cửa hàng bị dính chất bẩn, gây thiệt hại về tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng khai nhận đã được 1 đối tượng thuê ném chất bẩn vào cửa hàng của chị L. với mục đích đòi nợ.

Nạn ném bom bẩn khiến người dân hoang mang, dư luận bức xúc

Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015, như sau:

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia; d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Để che giấu tội phạm khác; e) Vì lý do công vụ của người bị hại; g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:

a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Đoàn Luật sư Thanh Hóa) phân tích: Đối tượng thực hiện phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Đây cũng là một điểm khác với các tội có tính chất chiếm đoạt như cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản. Vì vậy, nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà gây chết người hoặc gây thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định người phạm tội đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhằm mục đích xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản trở thành thủ đoạn của hành vi giết người hoặc cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tùy thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng chất độc, hóa chất,…

Mục đích của người phạm tội là mong muốn hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội có mục đích khác, còn việc hủy hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác thì không phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà tùy trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.

Đối với các đối tượng trên, cơ quan tố tụng phải trưng cầu giám định thiệt hại thực tế của chị L. sẽ có khung hình phạt tương ứng.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/an-ninh-hinh-su/nem-chat-ban-vao-cua-hang-quan-ao-de-doi-no-308996.html