Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

Hàng chục tháp, cụm tháp Chăm tại các tỉnh Nam Trung Bộ đang dần rơi vào quên lãng và có nguy cơ thành phế tích, điêu tàn đúng như những vần thơ Chế Lan Viên từng cảm thán 'những tượng Chàm lở lói rỉ rên than…'.

Trở lại duyên hải Nam Trung Bộ lần này, tôi quyết tâm đi hết nốt các cụm tháp Chăm còn sót lại chưa kịp đi hai lần trước đó, như để tìm về với chính mình.

1. Và lần này là những tháp Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, những tháp được xây sau cùng của Vương quốc Champa, từng tồn tại trên đất nước ta. Đón tôi ở quầy bán vé cụm di tích Tháp Chàm bằng nụ cười rất tươi, cô nhân viên hồn hậu hỏi:

Anh đi có một mình thôi à?

- Vâng. Tôi cười đáp lại.

Nghe chất giọng Bắc, cô gái lại hỏi: Chắc anh vừa xuống xe khách chỗ ngã tư Phủ Hà phải không?

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cũng đáp từ trước chất giọng dễ thương của cô nhân viên:

-Đúng rồi em! Anh xuống đó để dễ thuê xe máy vào đây.

Tháp Chàm - biểu tượng của Ninh Thuận nằm trên ngọn đồi. Từ ga Tháp Chàm có thể nhìn thấy toàn bộ cụm tháp này đang vươn mình đón gió Biển Đông "ngạo nghễ"...

Tháp Chàm - biểu tượng của Ninh Thuận nằm trên ngọn đồi. Từ ga Tháp Chàm có thể nhìn thấy toàn bộ cụm tháp này đang vươn mình đón gió Biển Đông "ngạo nghễ"...

Sự ân cần và thái độ niềm nở của nhân viên di tích giúp vơi đi phần nào cái nắng gắt giữa trưa tháng 11 từng được ví là “Nắng như Rang – Gió như Phan” (cái nắng của Phan Rang nóng rát, cháy da, và cái gió của Phan Thiết thì như muốn cuốn bay tất cả).

Tháp Chàm là một dạng công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chăm, một trong những dấu tích ít ỏi của Vương quốc Champa từng tồn tại hơn 10 thế kỉ (từ thế kỉ thứ VII đến đầu thế kỷ XVII).

Từ quần thể tháp Chàm, có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (ở hướng Đông 5km), vịnh Ninh Chữ – một trong những vịnh biển đẹp nhất cả nước (hướng Đông Bắc 10 km), hay xa xa phía Nam chừng 10km là làng gốm Bàu Trúc - một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á – một bảo tàng gốm truyền thống của dân tộc Chăm.

Giữa cái nắng miền Trung, ngồi trong đền tháp phóng tầm mắt nhìn ra biển Đông, tôi lại nhớ đến những vần thơ trong tập “Điêu tàn” của Chế Lan Viên, khi chàng thi sĩ này mới vừa tròn 17 tuổi:

“Đây, những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian

Những sông vắng lê mình trong bóng tối

Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than…”!

Tháp Chăm phản ánh những giá trị tinh túy nhất của văn hóa Chămpa.

Sau hơn 2 tiếng tại Tháp Chàm, tôi lại lướt xe máy đi hết các địa danh đẹp nhất của Ninh Thuận như một phượt thủ, rong ruổi giữa các vườn nho và nha đam rồi ra biển Ninh Chữ; tất nhiên là không quên đến “sờ” tận tay những viên gạch của 2 cụm tháp khác tại Ninh Thuận là Pô Rômê và Hòa Lai - như cố khắc ghi những cảnh đẹp nơi đây. Để sáng sớm hôm sau, tôi lại rong ruổi tiếp vào Bình Thuận với Cụm tháp Phố Hài. So với 2 lần đi trước (năm 2012 và 2015) thăm các cụm tháp tại Quảng Nam (Mỹ Sơn, Khương Mỹ, Bằng An, Đồng Dương), Bình Định (Bánh Ít, Cánh Tiên); Phú Yên (tháp Nhạn), Khánh Hòa (tháp Po Nagar), thì những cụm tháp ở Ninh Thuận và Bình Thuận cho tôi những cái nhìn mới mẻ và góc nhìn về văn hóa Chăm đã có sự trưởng thành hơn nhiều.

2. Theo kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức, về mặt kiến trúc, tháp Chàm (tháp Chăm) phản ánh đầy đủ và chân thực những giá trị tinh túy nhất của văn hóa Champa. Các cụm tháp Chăm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm, hoặc đỏ hồng lấy từ đất địa phương; được xây không có mạch vữa và có thể có điêu khắc trực tiếp trên gạch. Tháp có chiều cao lớn hơn vài ba lần so với chiều ngang thân tháp, phần ngọn được thu nhỏ dần hoặc giật cấp.

Mặt bằng tháp đa số hình vuông có không gian chật hẹp. cửa duy nhất hướng về phía Đông (hướng Mặt Trời mọc) với ý nghĩa đón dương khí.

Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc), các phía còn lại là cửa giả, được bố trí đăng đối với cửa chính. Trần tháp được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Các bức tường phía ngoài được chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh. Cách trang trí điêu khắc có tính nhịp điệu, tính lặp lại và đồng dạng, đăng đối. Tháp thường được đặt tại các gò đồi cao xa khu dân cư, có khả năng quan sát rộng và xa, theo quan niệm của người Chăm để “đón dương khí”.

Về nguyên lý xây dựng, điểm độc đáo của các tháp Chăm là chúng được xây dựng hoàn toàn từ các khối gạch kết dính với nhau bằng keo mà không dùng vôi vữa. Chất keo kết dính chính là nhựa của cây dầu rái- một loại cây mọc rất nhiều ở Nam Trung Bộ, được phát hiện năm 2006, vén màn bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm sử dụng để xây dựng tháp, vốn được giữ kín sau hàng trăm năm…

Về công dụng, theo tiếng Chăm, các đền tháp Chăm được gọi là kalan, nghĩa là “lăng”, dùng để thờ cúng các vị thần. Tháp Chăm có 2 dòng tín ngưỡng chủ đạo là tháp Champa (tiêu biểu với các tháp như Khương Mỹ, Hưng Thanh, Dương Long) và tháp Khmer như tháp Hòa Lai. Các vị thần được thờ phụng cũng đa dạng theo phong cách Phật giáo Ấn Độ như Siva (thần hủy diệt), Ganesha (phúc thần đầu người mình voi)... tùy thuộc vào lòng tin của các vị vua Champa thuộc các triều đại khác nhau.

Tháp Chăm thờ 2 dòng tín ngưỡng chủ đạo: Phật giáo Ấn Độ và các vị thần...

3.Theo thăng trầm của thời gian và lịch sử, hệ thống tháp Chăm còn tồn tại nguyên vẹn ở Việt Nam không nhiều. Qua 3 lần đi thực tế, các tháp/ cụm tháp được nhiều người biết đến nhiều và đang được các địa phương khai thác du lịch (kể từ Bắc vào Nam) có thể kể đến như: Thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); Tháp Mẫm (huyện An Nhơn) và Tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định; Tháp Nhạn (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên); Tháp Bà Po Nagar (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa); Tháp Po Klong Garai/Tháp Chàm (TP.Phan Rang-Tháp Chàm) và Tháp Hòa Lai (huyện Ninh Hải) tỉnh Ninh Thuận; Tháp Po Sah Inư/Phố Hài (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)...

Theo thăng trầm của thời gian, các di tích tháp Chăm còn nguyên vẹn tại Việt Nam giờ không còn nhiều.

Ngoài ra, hàng chục tháp/cụm tháp Chăm khác lại đang dần rơi vào phế tích và quên lãng, điêu tàn đúng như những vần thơ Chế Lan Viên từng cảm thán “những tượng Chàm lở lói rỉ rên than…”. Ngồi tại các đền tháp, nghĩ về một vương triều suy vong trước biến động của dòng chảy lịch sử; là cơ hội để tôi nghĩ về thế thái nhân tình, nghĩ về suy vong thế cuộc. Đó cũng chính là mục đích chuyến đi, cách tôi tìm về với chính mình và định ra lẽ sống ở đời…

Đi cùng với sự tồn tại của Vương quốc Champa, các đền tháp Chăm được xây dựng kéo dài từ cuối thế kỷ thứ VII đến đầu thế kỷ XVII; với 3 dòng/ phong cách xây dựng chủ đạo gồm: Phong cách Hòa Lai và Phong cách Đồng Dương (thế kỷ thứ IX); phong cách Mỹ Sơn (thế kỷ thứ X); Phong cách Bình Định (thế kỷ XI-XIII) là những mảng khối như: vòm cửa thu lại và vút lên thành hình mũi giáo; các tháp nhỏ trên các tầng cuộn lại thành các khối đậm, khỏe; các trụ ốp thu vào thành một khối phẳng…

Việt Hoàng

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nen-cu-lau-dai-bong-tich-duong-post288799.info