Nên định nghĩa rõ ràng và quản chặt dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới

Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi vẫn chưa đưa ra định nghĩa đầy đủ và rõ ràng về quảng cáo xuyên biên giới. Để luật khả thi, cần cấp phép để quản lý chặt dịch vụ này.

Lời tòa soạn: Dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến. Dự thảo có nhiều quy định mới về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, trong đó đáng chú ý là các quy định liên quan đến quảng cáo xuyên biên giới và người có tầm ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Báo VietNamNet xin gửi đến bạn đọc tuyến bài viết về vấn đề này.

Bài 1: Quy định mới về quảng cáo xuyên biên giới và người có tầm ảnh hưởng
Bài 2: Người quảng cáo 'có ảnh hưởng' phải có tài khoản 500 nghìn người theo dõi

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến. Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Điều 23 sửa đổi về Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tại khoản 3,4 và Điều 23a đề cập đến việc Quản lý quảng cáo xuyên biên giới. Theo các chuyên gia, quy định sửa đổi này vẫn chưa rõ ràng và thực tế sẽ rất khó quản lý các dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới, đặc biệt là với tài khoản cá nhân chạy quảng cáo trên Facebook, Google.

Doanh nghiệp quảng cáo số bị cạnh tranh không lành mạnh

Theo ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số (DTS), quảng cáo số tại Việt Nam lâu nay bị đè nén bởi các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới. Cụ thể, nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook ưu tiên việc cá nhân hóa quảng cáo. Chính vì thế, các tài khoản cá nhân chạy quảng cáo trên các nền tảng này “mọc lên như nấm”.

Ông Trương Gia Bảo cho biết, các tài khoản cá nhân này liên tục chạy các nội dung vi phạm hoặc có tình trạng “bùng đơn” (không thanh toán quảng cáo cho nền tảng”, sẵn sàng chạy không lợi nhuận để lấy doanh số hay "đạp giá" để cạnh tranh…). Điều này dẫn đến doanh nghiệp làm quảng cáo số ở Việt Nam bị cạnh tranh không lành mạnh, hậu quả nặng nề hơn là các doanh nghiệp lớn như Amazon hay eBay không bán hàng và chạy quảng cáo ở Việt Nam, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia...

Ông Nhân Nguyễn, chuyên gia về Digital Marketing chia sẻ thêm: Bên cạnh việc bị cạnh tranh không lành mạnh, hiện nay chưa có chế tài xử lý các tài khoản chạy quảng cáo cá nhân trên các nền tảng xuyên biên giới cũng là vấn đề rất lớn. Đơn cử, khi họ “chạy bùng” hệ thống của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google… dùng công nghệ quét vi phạm, khiến cho nhiều doanh nghiệp làm quảng cáo “sạch” cũng bị ảnh hưởng theo. Đây là một vấn đề rất khó xử lý, bởi việc “chạy bùng” này là câu chuyện giữa cá nhân và các nền tảng, nhưng các tổ chức xuyên biên giới không có ở Việt Nam nên không thể bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp bị quét nhầm với các tài khoản vi phạm được.

Cần định nghĩa rõ hơn và quản chặt quảng cáo xuyên biên giới

Theo ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của CleverAds, dự thảo Luật Quảng cáo mới chưa có định nghĩa rõ ràng về quảng cáo xuyên biên giới. Theo cách hiểu đơn giản nhất, hoạt động quảng cáo xuyên biên giới là người ngồi ở một nơi và quảng cáo ở một nơi khác, không thuộc lãnh thổ và không phận, hải phận của nước mình. Như thế, người ngồi ở Việt Nam cài đặt quảng cáo ở Việt Nam thì không phải là quảng cáo xuyên biên giới.

Tuy nhiên, hiện tại theo định nghĩa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa ra có thể hiểu áp dụng cho 2 trường hợp: người nước ngoài ngồi ở nước ngoài, người Việt Nam ngồi ở nước ngoài và chạy quảng cáo vào Việt Nam, phải chạy qua một đơn vị thứ ba. Trường hợp thứ 2 là người Việt Nam hoặc người nước ngoài ngồi ở Việt Nam chạy quảng cáo cho một nước bên ngoài Việt Nam.

Bên cạnh đó, Luật đưa ra mặc dù có lợi cho doanh nghiệp làm quảng cáo trong nước như CleverAds, nhưng lại ngược với quy định của Google và Facebook, khi hai nền tảng này đều thiết kế để người dùng tự thực hiện quảng cáo được, trong khi quy định của Việt Nam là phải qua doanh nghiệp thứ ba. Đây là điều khó áp dụng trong thực tế.

Chính vì thế, để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT cần kiến nghị với Bộ KH&ĐT thiết lập một ngành nghề kinh doanh mới, đó là kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới. Các doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực này phải đáp ứng về quy mô, cam kết nộp đầy đủ các loại thuế cho Nhà nước. Sau khi có danh sách, cơ quan quản lý tại Việt Nam yêu cầu Google và Facebook lập các tài khoản quảng cáo cho các doanh nghiệp được cấp phép và chỉ các đơn vị này mới được mở tài khoản quảng cáo khi chạy trên các nền tảng nói trên. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng cá nhân tự chạy quảng cáo, dẫn đến các “tệ nạn” đã đề cập.

Ông Trương Gia Bảo cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần yêu cầu các nền tảng như Google và Facebook cung cấp danh sách các cá nhân hay đơn vị đăng ký quảng cáo trên nền tảng để quản lý. Đồng thời, các cá nhân chạy quảng cáo xuyên biên giới phải có chứng chỉ như trong môi giới bất động sản. Tất cả các đơn vị chạy quảng cáo xuyên biên giới ở Việt Nam yêu cầu phải có giấy phép.

Trước mắt, cần có chế tài xử lý mạnh các cá nhân “chạy bùng”, chạy quảng cáo vi phạm, có thể đến bước khởi tố hình sự, bởi những hoạt động này gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước.

Lê Mỹ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nen-dinh-nghia-ro-rang-va-quan-chat-dich-vu-quang-cao-xuyen-bien-gioi-2280347.html