Nên đưa văn hóa từ chức vào Luật cán bộ công chức

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ rằng, việc đưa văn hóa từ chức vào Luật sẽ là đột phá trong công tác cán bộ của Việt Nam.

Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều người khá ấn tượng với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội với câu hỏi “gây sốc” như: Liệu Bộ trưởng Công Thương có dám cam kết từ chức nếu để một dự án gây ra hệ lụy không?

Nhân dịp năm mới, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng liên quan đến công tác cán bộ và văn hóa từ chức.

PV: Ông suy nghĩ thế nào về văn hóa từ chức và ở Việt Nam đã có văn hóa đó chưa?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi nếu làm việc không hiệu quả hoặc thấy có sai phạm thì có thể từ chức. Ở các nước khác, Tổng thống sẵn sàng từ chức nhưng không có nghĩa là ngăn cấm họ quay trở lại chính trường. Ở thời điểm đó, công việc mà họ đảm nhận không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến xã hội nên họ từ chức. Đấy là văn hóa bình thường.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Có những người từ chức do vi phạm kỷ luật thì không có nghĩa họ đã an toàn. Cho dù đã từ chức nhưng vẫn bị xử lý theo pháp luật. Chúng ta phải hiểu cho đúng ý nghĩa của việc từ chức. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ phải nghiên cứu vấn đề này thật kỹ để báo cáo Chính phủ.

Tôi nghĩ rằng, khi đưa vấn đề này vào Luật cán bộ công chức sửa đổi thì phải quy định rõ về các trường hợp từ chức, thủ tục từ chức, hậu quả pháp lý của việc từ chức. Đây sẽ là một vấn đề đột phá trong công tác cán bộ của Việt Nam.

PV: Liên quan đến vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng, nếu chúng ta xử lý kỷ luật khi còn đương chức hậu quả đã được hạn chế. Về phần mình, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Nếu nói như vậy sẽ có rất nhiều người nói rằng: “ước gì” hoặc “nếu” nhưng thực tế sẽ rất khác.

Tôi nghĩ rằng, đối với những đồng chí lãnh đạo giữ trọng trách lớn, khi giải quyết vấn đề này cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, các cơ quan tham mưu sẽ đưa ra cách giải quyết phù hợp.

Theo tôi, bây giờ chúng ta phải rà soát lại tất cả các quy định liên quan để xử lý như thế nào cho hợp lý, có nhiều việc không thể cứ xử lý bằng pháp luật mới là ghê gớm. Có những việc có khi xử lý bằng đạo đức đã ghê gớm lắm rồi.

Chẳng hạn như trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, vừa qua báo chí đã nói rất nhiều, nếu tôi là ông Vũ Huy Hoàng, tôi sẽ không dám cất tiếng và không dám đi đâu nữa. Tôi nói thật, một chính khách lớn như thế mà phạm những sai lầm, khuyết điểm như thế thì trước nhân dân, trước Đảng không còn gì để có thể oai phong được nữa. Cho nên, tôi nghĩ trong trường hợp này, quy phạm đạo đức còn ghê gớm hơn cả quy phạm pháp luật.

PV: Thưa ông đây có phải là vụ việc điển hình để rút kinh nghiệm làm gương cho công tác cán bộ sau này không?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Tôi nghĩ mỗi một vụ việc đều có tính chất điển hình khác nhau chứ không thể so sánh vụ việc này với vụ việc kia được. Sau này nếu có vụ việc ghê gớm hơn thì phải làm sao? Vụ việc của ông Hoàng không thể nói là làm điển hình được.

Quy định xử lý cán bộ công chức cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Các quy định về cán bộ công chức dù chỉ trên giấy cũng phải thể hiện được rõ đường lối, quan điểm và định hướng của một nhà nước pháp quyền.

Chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền phải có tính pháp quyền. Tính pháp quyền không chỉ ở trong một đạo luật mà nó có thể ở hàng ngàn trang khác nhau trên rất nhiều đạo luật.

PV: Ông nghĩ như thế nào về triết lý hành động “liêm chính và kiến tạo” của Chính phủ?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Ở kỳ họp Quốc hội đầu tiên, tôi đã từng bình luận về Chính phủ liêm chính và kiến tạo, tôi có một niềm tin rất lớn vào triết lý hành động này. Chính phủ có triết lý hành động liêm chính và kiến tạo, Tòa án có triết lý hành động vì công lý, Quốc hội cũng là một Quốc hội nhân văn.

Đó là những điều mà chúng ta đã tìm thấy ở chân lý. Khi Chính phủ đặt ra một triết lý hành động, có nghĩa là đã đặt ra một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động. Nó giống như một đạo lý sống của một con người, nếu không có đạo lý sống, con người ta dễ lầm đường lạc lối.

Tôi rất kính trọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bởi ông ấy có quyết tâm rất lớn để xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo, trong đó có việc ra Chỉ thị chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ công chức, viên chức…

Ông ấy cũng là người rất lăn lộn với công việc, với thực tế; nói và làm đi đôi với nhau. Trong các cuộc làm việc cũng như trả lời trên nghị trường Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức đang gây thách thức về niềm tin của người dân. Chúng ta cần loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy. Và vấn đề này đang được thực hiện rất nghiêm túc.

Ông ấy đi xuống từng doanh nghiệp, đến với người dân, tìm hiểu từng vấn đề một rất cụ thể. Ông ấy rất trân trọng và lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Khi một chính phủ có triết lý hành động và Thủ tướng theo đuổi triết lý ấy thì hiệu quả điều hành sẽ nâng cao và sẽ dành được sự ủng hộ cao nhất của Quốc hội.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

“Tôi dự cảm năm 2017 sẽ tốt hơn. Chúng ta có đội ngũ lãnh đạo mới, cùng với khí thế của Đại hội Đảng lần thứ 12, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để giải quyết những khó khăn, thách thức và tồn tại của nhiệm kỳ trước như: thiên tai, hạn hán miền Trung, xâm ngập mặn,… Khi Chính phủ mới đương đầu với những khó khăn đó, nếu không phải là một người cứng cáp để chèo lái thì con thuyền có thể sẽ bị chìm. Hiện tại, nhiều vấn đề lớn đã được định hình, dù chưa có những điểm sáng chói nhưng chúng ta đã thấy le lói những đốm lửa thực sự hạnh phúc và hy vọng.

Mới nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo ngay và bây giờ, chúng ta đã có khối tài sản khổng lồ, đó chính là nhiều thể chế đã được hoàn thiện. Chính phủ đã giải quyết tất cả các vấn đề để người dân bớt bức xúc, chính quyền đỡ lúng túng. Tôi tin tưởng năm 2017 sẽ là một năm có nhiều cái mới và tích cực hơn.

Năm mới, chúng ta đồng lòng xây dựng đất nước, làm nên mùa Xuân mới. Ở trong bài phát biểu ngắn trước Quốc hội, Thủ tướng có nói năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài là biểu tượng rất hay.

Thủ tướng muốn nhắc nhở tinh thần đoàn kết trên một bàn tay, tùy theo chức năng, nhiệm vụ để thực hiện tốt công việc của mình và cũng không thể đánh đồng việc đánh giá tốt hay xấu. Ở lĩnh vực này đồng chí tốt nhưng sang lĩnh vực khác chưa chắc đồng chí đã tốt. Vì vậy, nếu chúng ta đoàn kết, cùng nhau làm tốt công việc của mình thì mọi việc sẽ thành công”- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Thu Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nen-dua-van-hoa-tu-chuc-vao-luat-can-bo-cong-chuc-581821.vov